Gia tăng giá trị nông sản địa phương

'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Sau thời gian triển khai trên địa bàn huyện Tam Nông, chương trình đã tạo ra 'làn gió mới' thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã thông qua các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Huyện Tam Nông trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức tháng 10 vừa qua.

Mang đặc trưng của vùng bán sơn địa, huyện Tam Nông có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp đa dạng, phong phú và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi. Toàn huyện hiện có sáu làng nghề truyền thống, 36 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có 31 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ tiềm năng sẵn có đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP tạo nên những sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học (trường Đại học Lâm nghiệp), anh Phạm Văn Hưng (sinh năm 1994) ở khu 7, xã Thanh Uyên đã quyết định trở về quê khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất phôi nấm giống. Năm 2016, từ số tiền 70 triệu đồng vay nguồn vốn 120 thuộc kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng nhà xưởng trên diện tích 400m2 chuyên sản xuất phôi nấm giống các loại: Nấm sò, nấm linh chi, nấm hoàng đế… Sau những mẻ phôi bị hỏng đã giúp anh đúc rút nhiều kinh nghiệm quý, để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao. Từ thành công ban đầu, anh đã phát triển, mở rộng quy mô sản xuất phôi nấm lên gần 1.000m2. Trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi 200-300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn chục lao động. Không dừng lại ở đó, năm 2020, anh bắt tay vào nghiên cứu, nuôi trồng và sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo với công nghệ tiên tiến ngay tại địa phương. Anh Phạm Văn Hưng chia sẻ: “Thực tế cuộc sống hiện nay, người dân hàng ngày phải tiếp xúc với môi trường khói, bụi, thực phẩm bẩn,… ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu và đưa vào nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo - sản phẩm dược liệu tốp đầu mang lại lợi ích nâng cao sức khỏe con người”. Năm 2022, anh đứng ra thành lập HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold với bảy thành viên. Nhận thấy lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện chương trình OCOP, HTX đã đăng ký xây dựng và hoàn thiện hồ sơ với sản phẩm Đông trùng hạ thảo Bio Gold nhằm vươn xa hơn trên thị trường, đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, mỗi tháng HTX sản xuất, đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 15kg nấm đông trùng hạ thảo sấy khô gồm sản phẩm sợi nấm sấy thăng hoa và nấm ký chủ sấy thăng hoa.

Với mục tiêu khai thác các thế mạnh đặc sản sẵn có tại địa phương để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng, HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan (tiền thân là tổ hợp tác sản xuất tầm gửi cây gạo) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được người tiêu dùng đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ sử dụng quy trình sản xuất tiên tiến, HTX đã sản xuất ra các sản phẩm từ tầm gửi cây gạo, trong đó chủ lực là trà thảo mộc có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho huyện Tam Nông nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung, tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương”. Hiện, HTX duy trì sản xuất với quy mô vừa, sản lượng thu mua ước đạt năm 2022 với doanh số 2.000kg tầm gửi tươi. Sau khi thu hái, sơ chế, băm nhỏ và phơi, sấy khô, đóng gói, sản phẩm trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng. Hiện, sản phẩm của HTX chủ yếu được bán thông qua các đại lý thương mại tại Hà Nội, Thái Nguyên và khách hàng lẻ.

Tận dụng diện tích đồi trồng cây lấy gỗ, nhiều năm qua, các hộ dân trong xã Dị Nậu đã phát triển đàn ong lấy mật, góp phần tăng nguồn thu nhập. Vẫn là mật ong được chắt chiu từ tinh túy những bông hoa rừng, nếu như trước đây khi HTX Mật ong hương rừng Trung du chưa ra đời thì sản phẩm mật ong sau thu hoạch cũng chỉ bán lẻ, không có thương hiệu, giá cả và đầu ra bấp bênh. Từ tháng 7/2022, HTX được thành lập với chín thành viên nhằm xây dựng sản phẩm có giá trị, đảm bảo các yêu cầu khắt khe về kiểm định chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Cùng với nấm Đông trùng hạ thảo của HTX nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold, mật ong của HTX mật ong hương rừng trung du là những sản phẩm đang được hoàn thiện hồ sơ chứng nhận là sản phẩm OCOP của huyện, từ đó gia tăng giá trị nông sản mỗi địa phương.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện Tam Nông đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Đến nay, Tam Nông đã có năm sản phẩm (OCOP) đạt ba sao: Sản phẩm Trà thảo mộc tầm gửi cây gạo xã Hiền Quan; Cá thính đồng Nung của HTX Nông nghiệp Thượng Nông; riêng HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên có ba sản phẩm dưa leo baby, ổi sạch và dưa lê.

Đồng chí Nguyễn Chí Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhận định: “OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp được nâng cao, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Thời gian tới, đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, huyện sẽ tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP; đồng thời tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp, phát triển các sản phẩm OCOP có lợi thế tham gia đánh giá ở hạng sao cao hơn. Đối với sản phẩm tiềm năng Đông trùng hạ thảo Bio Gold và mật ong hương rừng Dị Nậu sẽ tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP (đợt II) năm 2022. Theo kế hoạch dự kiến năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng thêm bốn sản phẩm OCOP ba sao tại các xã: Tề Lễ, Hương Nộn, Tam Nông và Dị Nậu.

Thông qua việc đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã giúp các chủ thể có lợi thế khi tham gia thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại; đồng thời có doanh thu và giá bán tăng so với trước khi tham gia chương trình; khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phát triển sản phẩm.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/gia-tang-gia-tri-nong-san-dia-phuong/188863.htm