Gia tăng giá trị thương hiệu doanh nghiệp thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm xã hội. Việc làm này vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích cho xã hội, đồng thời nó còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khái niệm trách nhiệm xã hội tuy mới phổ rộng trong hơn một thập niên qua, song đã được không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm chú trọng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có thể hiểu trách nhiệm xã hội của DN bao gồm: Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; Trách nhiệm về bảo vệ môi trường; Trách nhiệm với người lao động (dạy nghề, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động…); Trách nhiệm chung với cộng đồng (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội…). Như vậy, thực hiện an sinh xã hội (ASXH) là một nội dung cơ bản và tất yếu trong thực hiện trách nhiệm xã hội của DN.
Việc làm tốt trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng được cho chính là thước đo cơ bản để DN gia tăng giá trị thương hiệu của mình. Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành tại 50 DN thuộc 2 ngành dệt may và da giầy mới đây cho thấy, chính nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội (trong đó có ASXH) mà doanh thu của các DN này đã tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.
Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao… Do vậy, bản thân DN cần coi việc thực hiện trách nhiệm xã hội và ASXH chính là đòn bẩy, động lực cho sự phát triển của mình.
Đối với DN nhà nước, thực hiện an sinh xã hội để khẳng định vai trò chủ đạo của mình đối với các thành phần kinh tế. Những năm qua, các DN, nhất là DN lớn của Nhà nước như: Vietcombank, Viettinbank, Agribank, BIDV; Tập đoàn Dầu khí quốc gia; Công ty Viễn thông quân đội… đã xác định, thực hiện ASXH chính là sự nghiệp của chính bản thân DN. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, các DN này đã luôn đề cao vai trò, trách nhiệm thực hiện ASXH của mình đối với người lao động và cộng đồng.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã cho thấy, một số rào cản và thách thức đối với DN Việt Nam trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội như: Nhận thức về khái niệm trách nhiệm xã hội còn hạn chế, còn có sự khác biệt lớn trong nhận thức và hiểu biết về trách nhiệm xã hội giữa các DN Việt Nam; Thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực trách nhiệm xã hội; Sự thiếu minh bạch trong việc áp dụng trách nhiệm xã hội…
Thực hiện trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam là một công việc vô cùng cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Việc làm này vừa mang lại lợi ích cho DN, lợi ích cho xã hội, đồng thời nó còn nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, của quốc gia và hỗ trợ thực hiện tốt hơn luật pháp lao động tại Việt Nam. Đây cũng là nội dung quan trọng để xây dựng văn hóa DN trong nền kinh tế hiện đại. Để tăng cường vai trò thực hiện trách nhiệm xã hội của DN Việt Nan, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường thông tin, tuyên truyền về trách nhiệm trong việc thực hiện ASXH gắn với phát triển bền vững của DN và nền kinh tế, để DN người hiểu đúng bản chất của vấn đề "trách nhiệm xã hội của DN" và các bộ Quy tắc ứng xử, nhất là trong các DN, các nhà quản lý, hoạch định chính sách vĩ mô.
Thứ hai, cần có những các cơ chế, chính sách hỗ trợ để các DN có thể thực hiện được trách nhiệm xã hội của mình; hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và tham gia thị trường lao động; hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo hiểm xã hội; Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp đột xuất; mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.
Thứ tư, đẩy mạnh vai trò của các hiệp hội nghề như Hội Dệt may, Hội Da - Giày, Hội Xuất khẩu thủy sản; của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành trong việc hình thành các kênh thông tin về trách nhiệm xã hội cho các DN; Tư vấn cho các DN trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội và các bộ quy tắc ứng xử…