Gia tăng hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực công nghiệp

Việc triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp - nơi phát sinh nhiều loại chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Bộ Công Thương đang triển khai các chính sách hỗ trợ như chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế chứng nhận phù hợp.

Bộ Công Thương đang triển khai các chính sách hỗ trợ như chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế chứng nhận phù hợp.

Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường; trong đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa đó, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.

Trên thế giới, EPR được xem là công cụ quản lý hiện đại, giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Tại Việt Nam, EPR được thể chế hóa rõ ràng trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được đánh giá là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên đưa vào các nguyên tắc nền tảng như “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, phát triển kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu sản phẩm như dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp, bao bì thương mại phải thực hiện trách nhiệm tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ tái chế. Từ ngày 1/1/2025, quy định mở rộng với nhóm sản phẩm điện, điện tử và đến ngày 1/1/2027, sẽ áp dụng với phương tiện giao thông như ô tô, xe máy.

Đáng chú ý, Nghị định 05/2025/NĐ-CP ngày 6/1/2025 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó có quy định bắt buộc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và yêu cầu doanh nghiệp lập kế hoạch, báo cáo định kỳ về hoạt động tái chế, đồng thời tuân thủ tỷ lệ tái chế tối thiểu theo từng nhóm ngành.

Mới đây, tại Tọa đàm Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp do Tạp chí Công Thương tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng EPR không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Việc thực hiện tốt EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác quốc tế, từ đó mở rộng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận các nguồn vốn xanh và nâng cao uy tín thương hiệu.

Tuy nhiên, việc triển khai EPR trên thực tế vẫn còn nhiều thách thức, không ít doanh nghiệp còn lúng túng trong việc lập kế hoạch tái chế, thực hiện báo cáo định kỳ, hoặc chưa có đầy đủ hạ tầng và công nghệ để đáp ứng tỷ lệ tái chế tối thiểu. Việc phân loại chất thải tại nguồn, một khâu then chốt của EPR cũng cần thời gian để tạo thói quen từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Để gia tăng hiệu quả triển khai Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong lĩnh vực công nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, theo ông Nguyễn Thành Yên - Phó Trưởng phòng Pháp chế - Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường giám sát và xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả thực thi.

Bên cạnh đó do đặc thù hệ thống quản lý chất thải tại Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào khối thu gom phi chính thức như các cá nhân thu mua ve chai, đồng nát nên cần có cách tiếp cận linh hoạt và tận dụng tối đa lực lượng này trong hệ thống EPR. Ngoài ra, cần thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các nhà sản xuất, nhập khẩu với các tổ chức trung gian như PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam) nhằm hình thành mạng lưới thu gom, vận chuyển, tái chế hiệu quả.

“Về giải pháp lâu dài cần chuyển đổi dần từ mô hình “nhà nước làm thay” sang mô hình “doanh nghiệp chủ động thực hiện”, thông qua việc giảm dần hình thức đóng phí và thay thế bằng cơ chế ký quỹ. Khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động tái chế, quỹ bảo vệ môi trường sẽ giải ngân tương ứng, giúp tăng tính chủ động và bền vững cho hệ thống EPR”, ông Yên nhấn mạnh.

Ở góc độ cơ quan chuyên ngành, ông Phạm Sinh Thành - Chuyên viên chính (Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương) khẳng định, doanh nghiệp cần chủ động tuân thủ quy định trong nước và quốc tế về EPR, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu, nhất là EU.

“Bộ Công Thương đang triển khai các chính sách hỗ trợ như chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế chứng nhận phù hợp, giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa tiếp cận hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Thành cho biết.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á triển khai chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là bước đi mang tính chiến lược, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình triển khai do cần thời gian để hoàn thiện thể chế, hạ tầng và thay đổi tư duy quản lý chất thải.

Khi được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, EPR sẽ tạo nền tảng cho mô hình sản xuất tiêu dùng bền vững, bảo đảm vòng tuần hoàn khép kín của tài nguyên, hướng tới mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế xanh.

Bích Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/gia-tang-hieu-qua-cong-tac-bao-ve-moi-truong-linh-vuc-cong-nghiep.html?source=cat-87