Gia tăng ngộ độc thực phẩm

Thống kê từ Bộ Y tế, trong những tháng vừa qua, toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.138 người mắc - vượt qua số liệu thống kê số ca ngộ độc thực phẩm của cả năm 2023. Đáng chú ý, trong khoảng 4 năm trở lại đây, số ca ngộ độc thực phẩm gia tăng.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: BV trung ương Quân đội 108.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: BV trung ương Quân đội 108.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ (10%), số mắc tăng 1.432 người (tức tăng khoảng đến hơn 202%), số tử vong giảm 5 người (45,5%); số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng tăng ở khu vực duyên hải miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ.

Đáng lo ngại hơn, thống kê nói trên chưa bao gồm những vụ thực phẩm ngộ độc xảy ra từ tháng 7 đến nay – thời gian được xem là cao điểm nhất của các vụ ngộ độc trong cả năm.

Theo lý giải từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mùa hè thường là cao điểm xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân do chuyển mùa và thời tiết nắng nóng, nhất là năm nay khí hậu rất khắc nghiệt. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn nên rất dễ gây ngộ độc. Đồng thời, đây cũng là cao điểm du lịch và lễ hội, do vậy, nguy cơ xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là rất cao.

Gần đây nhất, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, nhiều du khách trong đoàn khách 182 người có chuyến du lịch và lưu trú tại resort S.B ở phường Mũi Né đã phải nhập viện vì nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Theo đó, khoảng gần 50 người trong đoàn khách nói trên xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, nôn sau bữa ăn trưa. Hiện, nguyên nhân của vụ việc đang được tích cực làm rõ.

BS Nguyễn Trọng Thế - Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết: Ngộ độc thức ăn nếu chủ quan có thể có các biểu hiện rất nặng, thậm chí có nhiều trường hợp đến vào giai đoạn muộn trong tình trạng suy đa tạng dẫn đến tử vong. Tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Đáng lưu ý, tất cả các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường thấy như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả… đều phát triển nhanh nhất, mạnh nhất vào mùa hè.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến. Trường hợp thức ăn chế biến ra không bán ngay, phải luôn bảo quản ở nhiệt độ lạnh để đảm bảo an toàn.

Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, cần lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa hè nắng nóng.

BS Lê Thị Hồng Nhung - Phó trưởng khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, người dân cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng. Không chọn những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học, hoặc các loại thực phẩm chứa chất độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc… Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, nên nấu ăn tại nhà để giảm sự ô nhiễm từ môi trường. Người dân nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép, không nên trữ quá nhiều thực phẩm, không để lẫn thực phẩm đã qua chế biến với thực phẩm sống. Không để thức ăn ở ngoài quá hai giờ; không quá một giờ đồng hồ vào mùa hè hoặc khi thời tiết nắng nóng vì có thể gây hư hỏng, ôi thiu. Hạn chế lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm. Thực hiện rã đông thực phẩm đông lạnh tốt nhất là trong môi trường mát của tủ lạnh hoặc lò vi sóng, không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống; rửa sạch bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm…

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-tang-ngo-doc-thuc-pham-10287293.html