Gia tăng số ca mắc bệnh thủy đậu: Người dân không nên chủ quan
Từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu nặng phải nhập viện tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đây là bệnh lành tính nhưng có diễn biến bất thường nguy hiểm, nguy cơ biến chứng nặng và gây tử vong ở trẻ em và phụ nữ có thai.
Con của chị Hoàng Thị Bích Hoài, ở xã Hồng Thái, huyện Bình Gia là một trường hợp chuyển biến nặng khi không điều trị bệnh thủy đậu đúng cách. Chị Hoài nhớ lại: Lúc ở nhà, tôi thấy con mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, tôi đã ra hiệu thuốc mua thuốc tự điều trị nhưng bệnh không giảm mà còn chuyển nặng và xuất hiện các nốt ban đỏ trên da. Lúc đó gia đình mới đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bình Gia để khám. Tuy nhiên, bệnh vẫn trở nặng nên chúng tôi đã đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) tiếp tục điều trị. Hiện nay sức khỏe của con tôi khá ổn định, giảm sốt, tự ngồi dậy để sinh hoạt bình thường.
Con của chị Hoài là 1 trong số những bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu nặng được điều trị tại BVĐK tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2024. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 39 ca bệnh thủy đậu, tăng 17 ca so với cùng kỳ, riêng từ tháng 4/2024 đến nay là 14 ca. BVĐK tỉnh đã chỉ đạo Khoa Truyền nhiễm chủ động sắp xếp, bố trí các phòng bệnh và rà soát thuốc, vật tư y tế để điều trị cho bệnh nhân kịp thời, hiệu quả.
Số ca bệnh thủy đậu cũng được ghi nhận tại 10/11 huyện, thành phố (trừ Tràng Định chưa ghi nhận ca bệnh). Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 97 ca bệnh thủy đậu, tăng 12 ca so với cùng kỳ năm 2023, nhiều nhất là tại các huyện: Hữu Lũng (21 ca), Chi Lăng (12 ca), Bình Gia (12 ca), Văn Quan (10 ca), Bắc Sơn (10 ca)...
Bà Hà Hồng Việt, Phó Trưởng Khoa KSBT, Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện phát hiện 12 ca bệnh. Tất cả đều được trạm y tế xã cấp, phát thuốc điều trị kịp thời nên sức khỏe đã ổn định. Nhằm kiểm soát không để bệnh lây lan, khoa đã tham mưu cho Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo 20/20 trạm y tế xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm ca mắc, triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, khoanh vùng, xử lý, không để lây lan. Cùng đó, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh đến người dân, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, xác định các điểm có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định.
Mới đây, Trung tâm KSBT tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn các trung tâm y tế huyện, thành phố tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thủy đậu trên địa bàn nói chung và tại các địa bàn xuất biện ca bệnh; duy trì các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh tại tất cả các tuyến theo quy định. Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền đồng cấp tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.
Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, để phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất, người dân tuyệt đối không chủ quan, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế như: tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường… Khi xuất hiện những biểu hiện nghi mắc thủy đậu cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời để tránh bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.