Gia tăng số người mắc các bệnh rối loạn miễn dịch sau COVID-19
Tại buổi tọa đàm 'Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn' do Quỹ VinFuture tổ chức chiều ngày 18/12/2023 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương-Thứ trưởng Bộ Y tế Hà Nội chia sẻ, Việt Nam đang gia tăng người mắc bệnh rối loạn tự miễn từ sau dịch COVID-19.
Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm ra thuốc điều trị bệnh rối loạn tự miễn. Thứ trưởng Bộ Y tế hy vọng, với sự góp sức của các nhà khoa học đầu ngành đến từ nhiều nước trên thế giới cùng các nhà khoa học của Việt Nam sẽ sớm đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn.
GS. Đặng Văn Chí - thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig và Giáo sư Y khoa Ung thư Xuất sắc của Bloomberg tại Johns Hopkins cho hay, các nghiên cứu tại Hoa Kỳ, Đức và Anh cho thấy nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn tăng lên từ 20-50% sau khi một người nhiễm COVID-19. Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng rõ rệt số người mắc các rối loạn miễn dịch sau COVID-19, tạo ra gánh nặng bệnh tật cho bản thân người bệnh cũng như cho xã hội. Chính điều này đang khiến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển đối mặt với thách thức trong điều trị các vấn đề rối loạn miễn dịch hiện nay, là khoảng cách giữa nhu cầu của người bệnh và các sản phẩm điều trị. Mặc dù có nhiều thuốc, từ ức chế miễn dịch đến điều trị sinh học (tức liệu pháp đích) nhưng mới đạt được hiệu quả giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh ổn định chứ chưa giúp người bệnh khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, các thuốc sinh học hoặc thuốc điều trị đích hiện chưa có hoặc quá đắt ở Việt Nam nên khó tiếp cận với số đông. Do đó, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam đang sử dụng các loại thuốc cổ điển, gây nhiều tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng nhiều đến các chức năng nội tạng như gan, thận...
Có mặt tại Việt Nam để nói về tiềm năng "ngăn bệnh từ gốc" của tế bào T điều hòa (Treg), GS.BS Shimon Sakaguchi (Đại học Osaka Nhật Bản) - học giả lỗi lạc, người đầu tiên trên thế giới tìm ra tế bào T điều hòa cho hay, chúng ta có thể điều trị và ngăn ngừa bệnh tự miễn bằng cách tăng số lượng hoặc chức năng của tế bào Treg trong cơ thể. Tương tự, Treg còn đóng vai trò trong miễn dịch ung thư và miễn dịch cấy ghép. Bởi thế, chúng ta có thể tăng cường phản ứng miễn dịch tiêu diệt khối u bằng cách giảm hoạt động của tế bào Treg. Ở chiều ngược lại, nâng cao chức năng hoặc tăng số lượng tế bào Treg giúp chống thải ghép.
Hiện thế giới đang tập trung nghiên cứu tế bào Treg trong điều trị các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Bởi, thay vì điều trị bệnh tự miễn theo triệu chứng, tức là phần ngọn thì chúng ta tìm cách ngăn ngặn bệnh từ gốc bằng việc tác động đến tế bào Treg. "Tuy nhiên, theo tôi biết, hiện nay chưa có một phương thức điều trị nào chứng minh được hiệu quả cao trên người. Đây là thách thức và cũng chính là cơ hội để phát triển liệu pháp Treg có hiệu quả lâm sàng mong muốn", vị Giáo sư đến từ Đại học Osaka Nhật Bản nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng thông tin thêm, hiện tại, việc tăng số lượng tế bào Treg trong cơ thể bằng cách tiêm IL-2 liều thấp hiện đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Trong tương lai, những tiến bộ mới về nghiên cứu Treg có thể giúp tìm ra các loại thuốc mới có khả năng tăng số lượng tế bào Treg gắn với kháng nguyên. Một phương thức khác là tăng số lượng tế bào Treg trong ống nghiệm rồi truyền cho bệnh nhân để điều trị bệnh. Với cách làm này, giới khoa học và y học cũng hy vọng sẽ có phương pháp tạo ra tế bào Treg trong ống nghiệm với chức năng ổn định và đặc hiệu kháng nguyên nhằm giúp đỡ người bệnh.
Còn với GS. Pascale Cossart, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nguyên Trưởng khoa tế bào tại Viện Pasteur (Pari, Pháp), đồng thời đảm nhiệm vai trò thư ký trọn đời cho Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, lại định hình các cách tiếp cận mới trong miễn dịch thông qua hệ vi sinh vật. Theo bà cần phải đánh giá vai trò quan trọng hệ vi sinh vật đường ruột để cân nhắc hơn trong điều trị kháng sinh. Đưa ra các thuốc tăng hệ miễn dịch.
Cùng tham dự buổi thảo luận, TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec và giảng viên lâm sàng thuộc Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni (Việt Nam) đóng góp ý kiến: một số loại thuốc được sử dụng ở Việt Nam là số thuốc ức chế tế bào nhưng rất đắt tiền. "Tôi nghĩ các công ty dược làm sao sản xuất thuốc trong nước để giảm giá thành, giúp cho nhiều bệnh nhân Việt Nam có thể sử dụng được", ông nói.