Gia tăng tai nạn, Đà Nẵng mạnh tay xử lý người vi phạm giao thông
9 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra 457 vụ TNGT làm chết 92 người, bị thương 450 người, tăng số vụ và số người chết so với cùng kỳ.
TNGT tăng do tự gây, va chạm nhẹ
Chiều 3/10, Ban ATGT TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2024.
Tại hội nghị, Văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng cho biết, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9/2024, toàn thành phố xảy ra 457 vụ TNGT làm chết 92 người, bị thương 450 người. Trong đó có 2 vụ TNGT đường sắt làm chết 2 người.
So với cùng kỳ, tai nạn giao thông tăng 40 vụ, giảm 1 người chết và tăng 82 người bị thương. Ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 3,9 tỷ đồng.
Theo đánh giá, các vụ TNGT nêu trên nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; vi phạm phần đường, làn đường; không chú ý quan sát; không giữ khoảng cách an toàn...
Trong đó, các địa phương có số vụ TNGT và số người chết nhiều nhất là quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang.
Theo đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, trước đây những vụ TNGT ít nghiêm trọng và tự gây không đưa vào báo cáo.
"Hiện nay, tất cả đều phải đưa vào báo cáo, thống kê nhằm giúp việc phân tích, đánh giá đúng với tình hình thực tế đang diễn ra. Do đó, số vụ TNGT và số người bị thương đều tăng, chủ yếu là các vụ va chạm, tự gây", đại tá Truyền cho hay.
Mở nhiều chuyên đề xử lý vi phạm giao thông
Đại tá Phan Ngọc Truyền cho biết: "Đầu năm 2024 đến nay, Đà Nẵng diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, xã hội, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, du lịch. Điều này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm trật tự ATGT".
"Lực lượng CSGT đã phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác, các ban, ngành tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm trật tự ATGT. Thời gian tới, Công an thành phố tập trung chỉ đạo các lực lượng cảnh sát khác tham gia cùng lực lượng CSGT quyết tâm kiểm soát tình hình, kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí", đại tá Truyền nói.
Lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết thêm, sắp tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tối đa lực lượng, trang thiết bị vào công tác TTKS xử lý vi phạm trật tự ATGT. Tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chuyên đề xử lý xe dù, bến cóc; chuyên đề xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông; xử lý xe lôi, xe kéo, xe tự chế gây mất ATGT.
Hiện nay, Công an TP Đà Nẵng đang làm việc với các trường học, khu vực xung quanh trường học để chấm dứt tình trạng xe mô tô cho các em học sinh.
Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Công an huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết, lực lượng CSGT-TT của huyện đang xử lý vi phạm giao thông quyết liệt, con số xử lý tăng hàng nghìn trường hợp so với cùng kỳ.
Thượng tá Minh đề xuất lắp đặt thêm camera giám sát nhằm tăng hiệu quả xử lý vi phạm, tăng tính răn đe nhằm góp phần kéo giảm TNGT.
Theo ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT TP Đà Nẵng, tình hình TNGT trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp. Sắp tới mùa mưa bão sẽ là thách thức lớn đối với công tác bảo đảm ATGT.
Ông Trung đề nghị các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các mô hình bảo đảm ATGT. Đề nghị Công an thành phố tăng cường TTKS xử lý vi phạm trật tự ATGT.
Trong đó, phối hợp các trường học xử lý nghiêm việc học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đến trường.
Đánh giá việc nước ngoài thuê xe máy tự lái tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT, ông Trung thống nhất với công an thành phố đẩy mạnh việc xử lý với nhóm đối tượng này. Đồng thời, xử lý cả những cơ sở cho người nước ngoài không đủ điều kiện thuê xe.
Ông Trung cũng đề nghị các ngành liên quan rà soát, đánh giá về hạ tầng để khắc phục tồn tại, bất cập. Xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất ATGT.
Đối với đường thủy, đường sắt cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi gây mất ATGT.
Theo Ban ATGT TP Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn thành phố đã phát hiện, lập biên bản 85.211 trường hợp vi phạm trật tự ATGT.
Trong đó, các lỗi vi phạm nhiều nhất là nồng độ cồn; quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông...
Ra quyết định xử phạt 64.913 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 100 tỷ đồng. Tạm giữ 16.377 phương tiện, tước 12.568 GPLX.