Gia tăng tai nạn đường thủy do tàu, phà chạy ẩu

Khá phổ biến tình trạng phà, tàu chở hàng không tuân thủ quy tắc giao thông tại các bến đò, phà ngang sông, trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn.

Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng sương mù, song nhiều phà, phương tiện thủy không bố trí hoặc tuân thủ quy tắc báo hiệu khi vượt sông (Chụp tại bến phà Phương Trù, sông Hồng)

Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng sương mù, song nhiều phà, phương tiện thủy không bố trí hoặc tuân thủ quy tắc báo hiệu khi vượt sông (Chụp tại bến phà Phương Trù, sông Hồng)

Nguy cơ tai nạn càng cao khi những vi phạm xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu, ban đêm hoặc sương mù.

Tàu, phà tránh vượt tùy tiện

Ngày 14/2, có mặt tại bến phà Mây (sông Kinh Môn, Hải Dương), PV Báo Giao thông ghi nhận các chuyến phà ngang sông và tàu hàng dọc tuyến được kiểm soát chặt chẽ, các phương tiện chủ động giảm tốc độ, ra tín hiệu để nhường tránh nhau từ xa, không còn cảnh các tàu đi sát gần nhau như thường thấy trước đây.

Tuy nhiên, theo các đơn vị đường thủy, điều này chỉ có khi các đơn vị đảm bảo giao thông, bến phà tăng cường điều tiết giao thông thủy sau khi xảy ra vụ đâm va giữa tàu và phà xảy ra cách đây gần một tuần khiến nhiều hành khách hoảng sợ nhảy xuống sông.

Ông Vũ Đức Cương, Phó trưởng chỉ huy chốt của đơn vị điều tiết đảm bảo, hướng dẫn giao thông thủy khu vực này từ tháng 12/2019 cho biết, công trình cầu vượt sông đang được xây dựng nằm trong phạm vi phà Mây. “Khu vực này đã được bố trí đầy đủ các báo hiệu cảnh báo, hạn chế giao thông, nhưng trước đây tình trạng tàu hàng dọc tuyến đi lại tùy tiện, không nhường tránh nhau khá phổ biến. Sau khi xảy ra vụ tai nạn, chúng tôi bổ sung thêm biện pháp liên lạc bằng bộ đàm giữa hai chốt trực ở thượng lưu và hạ lưu với bến phà. Tất cả các tàu khi bắt đầu đi vào khu vực điều tiết được báo cho bến phà biết và phản hồi lại”, ông Cương nói và cho biết, không ít lần bến phà nhận được thông tin song không hồi đáp.

Trước đó, sáng ngày 6/2, tàu chở hàng cỡ lớn BN-1125 khi lưu thông qua khu vực phà Mây đã đâm vào phà HD-0198 chở đầy khách đang chạy từ bến phía thị xã Kinh Môn sang huyện Kim Thành. Một số hành khách sợ hãi nhảy xuống sông nhưng kịp thời bơi và bám được vào phà, may mắn không bị thương tích. Thời điểm trên sương mù dày đặc, song cả tàu, phà đều không phát tín hiệu đèn hành trình, còi theo quy tắc giao thông thủy. Sau vụ việc trên, 6 cá nhân làm công tác quản lý, vận hành phà Mây bị kỷ luật.

Không chỉ tại đây, quan sát của PV, tại nhiều bến phà, bến khách ngang sông khác, rất nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra giữa phương tiện đi dọc tuyến và ngang sông, thậm chí xảy ra tai nạn. Nguyên nhân do các phương tiện không nhường đường, không tuân thủ quy tắc giao thông, trong đó có phần xuất phát từ những người vận hành phà.

Đơn cử, khu vực bến phà Đức Bác (sông Lô, nối huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc và TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thường xuyên xảy ra hàng chục vụ tàu chở hàng dọc tuyến bị đắm, mắc cạn, va chạm giữa tàu dọc tuyến và phà. Nguyên nhân do phà ngang sông tùy tiện chạy thẳng cắt ngang sông thay vì phải chạy vòng cách bến một đoạn theo đúng quy tắc giao thông, nhất là vào ban đêm, sáng sớm hoặc khi không có người của đơn vị điều tiết giao thông túc trực. Vì thế, đơn vị điều tiết giao thông đành phải lắp camera để theo dõi 24/24h tại đây.

“Phải đến khi chúng tôi trích xuất hình ảnh, cung cấp cho bến phà, bến phà này mới giảm bớt việc đậu đỗ phương tiện chiếm luồng chạy tàu và phà đi lại không đúng quy tắc giao thông”, ông Trần Xuân Khơi, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 cho biết.

Thuyền viên tàu, phà đổ lỗi nhau

Thuyền viên, người điều khiển phà, phương tiện thủy cần tự giác tuân thủ quy tắc giao thông khi qua khu vực bến phà, đò chở khách ngang sông (Trong ảnh: Phà Mây, chụp ngày 14/2)

Thuyền viên, người điều khiển phà, phương tiện thủy cần tự giác tuân thủ quy tắc giao thông khi qua khu vực bến phà, đò chở khách ngang sông (Trong ảnh: Phà Mây, chụp ngày 14/2)

Thuyền viên Bùi Văn Đức, tàu chở hàng PT-2015 kể, cách đây không lâu tại bến phà Vân Cốc (sông Hồng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) xảy ra vụ tàu chở cát và phà đâm va nhau. Khi đó, trên phà có hai xe ô tô chở gạch, một số xe máy. Hậu quả làm tàu bị thủng nhưng kịp lái vào bờ neo đậu, kịp bơm hút nước ra nên không bị chìm. “Nhiều “ông phà” chạy ẩu và ngổ lắm, cứ cậy quyền ưu tiên nên thích đi thế nào thì đi, nhiều lúc thấy rõ tàu phía trước đang đến mà vẫn cứ lao ngang trước mặt”, anh Đức nói.

Ngược lại, sau nhiều vụ tai nạn giữa phà và tàu hàng chạy dọc tuyến, thuyền viên một số bến phà lên mạng xã hội bày tỏ than phiền các tàu chạy dọc tuyến không tuân thủ quy tắc giao thông.

“Có mấy tàu hàng nào chở đúng trọng tải đâu mà đều chở vượt vạch mớn nước an toàn của phương tiện. Rồi khi đi qua chỗ bến đò, phà có bao giờ giảm ga hay quan sát đâu mà chỉ cậy tàu to để chạy ẩu. Luật đã quy định khi cách bến phà, đò ngang sông 500m không được để ga đường trường mà phải giảm ga, nhường đường cho phương tiện chở khách ngang sông, thông báo bằng còi hay đèn tín hiệu, nhưng có tàu nào thực hiện không”, thuyền viên Hoàng Văn Vinh của một bến phà ở Hải Dương nêu ý kiến.

Ông Trần Văn Huấn, chủ bến phà Phương Trù (sông Hồng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) kể, hầu hết các tàu dọc tuyến khi đến khu vực có bến phà, bến khách ngang sông không kéo còi, để xin đường. “Các tàu, phà khi đi qua nhau cậy quen luồng tuyến nên thường điều khiển phương tiện tránh nhau theo thói quen. Mấy ngày gần đây trời mù sương, có hôm mù trời đến gần trưa nhưng nhiều tàu đi qua khu vực bến phà vẫn chạy rất nhanh, không giảm tốc độ và không có tín hiệu, còi để báo nhau mới thấy rất nguy hiểm”, ông Huấn nói.

Ông Phạm Thế Đương, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 cho biết: “Theo chỉ đạo của Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, trước các đợt cao điểm, chúng tôi đều kiểm tra các điều kiện phương tiện, thuyền viên của tất cả các bến đò, phà trên tuyến. Tuy vậy, đáng lo ngại nhất là tình trạng phương tiện dọc tuyến và phà, đò ngang sông không tự giác tuân thủ quy tắc tránh vượt, nhường đường. Đây là nguy cơ lớn dẫn đến gia tăng tai nạn đường thủy”.

Nhiều bến phà không tuân thủ quy tắc giao thông

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hầu hết các bến phà chở khách ngang sông trên các tuyến đường thủy quốc gia trọng điểm đều đáp ứng các điều kiện cơ bản về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, bằng, chứng chỉ lái phương tiện, giấy phép hoat động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều phà không bố trí thiết bị liên lạc không dây cầm tay cho thuyền viên và nhân viên bến theo quy định để phối hợp vận hành phương tiện; không bố trí đủ hoặc không thường xuyên dùng hệ thống tín hiệu như đèn, còi để báo hiệu cho phương tiện thủy đi lại trên tuyến biết.

Huy Lộc

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/gia-tang-tai-nan-duong-thuy-do-tau-pha-chay-au-d453083.html