Gia tăng thương vong vì tai nạn với người đi bộ

Đi bộ tham gia giao thông tưởng chừng như đơn giản, ít rủi ro tai nạn, nhưng thống kê qua số vụ, số người chết và bị thương gần đây cho thấy tai nạn khi đi bộ đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Gia tăng thương vong vì tai nạn

 Không đi trên vạch sơn dành cho người đi bộ tại ngã 4 Tôn Đức Thắng – Thủ Khoa Huân (TP. Phan Thiết).

Không đi trên vạch sơn dành cho người đi bộ tại ngã 4 Tôn Đức Thắng – Thủ Khoa Huân (TP. Phan Thiết).

Những tai nạn điển hình

Đến nay, những người sống trên đường Nguyễn Ngọc Ký, khu phố 3, phường Phước Hội, thị xã La Gi, vẫn chưa quên vụ tai nạn tưởng như hết sức đơn giản xảy ra giữa xe máy và người đi bộ, nhưng làm người đi bộ tử vong sau đó. Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 9/5, xe mô tô BKS 86B5 – 149.66 do Hồ Văn Linh (SN 1996, ngụ Tân Thiện) điều khiển hướng nhà thờ Thanh Xuân đi giao lộ Nguyễn Ngọc Ký – Thống Nhất, thì đụng vào bà L.T.A.L (SN 1966, ngụ Phước Hội) đang qua đường từ phải qua trái theo hướng mô tô. Hậu quả làm bà L tử vong sau đó. Nguyên nhân ban đầu xác định là do xe mô tô không nhường đường. Trước đó ngày 19/3, trên quốc lộ 55, qua phường Tân An (La Gi), xe mô tô do Ngô Văn Trí (SN 1999, ngụ phường Bình Tân) điều khiển theo hướng cầu Suối Đó đi vòng xoay Tân An đã va vào N.T.Đ (SN 1988, ngụ Tân An) đang đi bộ. Hậu quả làm Đ tử vong. Nguyên nhân là do Trí thiếu chú ý quan sát.

Thống kê trong 5 vụ tai nạn, làm 5 người chết tại thị xã La Gi từ đầu năm 2020 đến nay, thì có đến 3 vụ liên quan đến người đi bộ, làm 3 người chết. Đối với toàn tỉnh, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng cũng có đến gần 10 vụ tai nạn, va chạm giao thông có liên quan đến người đi bộ, trong đó nạn nhân thương vong phần lớn là người đi bộ. Đơn cử như vụ xảy ra mới đây nhất vào đêm 2/6, trên quốc lộ 1A, qua xã Hồng Thái (Bắc Bình), khi anh Đ.M.T (SN 1976, ngụ Hồng Thái), đi bộ qua đường bị xe ô tô do Lê Chí Hương (ngụ Bình Dương) điều khiển tông tử vong.

Đi bộ sai cũng phải chịu hình sự

Trung tá Trần Văn Hà, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết: Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, thì thời gian xảy ra nhiều nhất là vào thời điểm ban đêm hoặc lúc chập choạng tối. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không nhường đường cho người đi bộ. Về phía người đi bộ, cũng chưa chấp hành đúng nguyên tắc khi tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát để đảm bảo an toàn trước khi đi qua đường.

Theo quy định tại Điều 32, Luật Giao thông đường bộ, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dẫn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Đối với phương tiện tham gia giao thông khác, luật cũng quy định khá rõ. Tại khoản 4, Điều 11, Luậtgiao thông đường bộ, tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn người khuyết tật qua đường. Riêng ở những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, thì người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, nếu thấy người đi bộ đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ qua đường bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, thực tế vấn đề này cho thấy, người đi bộ đang phải đối mặt với rủi ro cao khi qua đường. Không khó để bắt gặp các phương tiện không nhường đường cho người đi bộ, cắt ngang đầu dù người đi bộ ra hiệu xin đường… Những hành vi nguy hiểm, vi phạm nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông, là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm cho người đi bộ. Về phía người đi bộ nếu đi sai luật không chỉ bị xử phạt hành chính mà theo Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, tùy theo mức độ có thể bị phạt tù, từ 7 - 15 năm.

Tai nạn liên quan người đi bộ đang có diễn biến phức tạp. Hơn lúc nào hết khi ra đường, người điều khiển phương tiện và cả người đi bộ cần thận trọng, chú ý quan sát, có văn hóa nhường đường nhau, để hạn chế tai nạn cho mình và cho người khác.

Phúc SinH

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/gia-tang-thuong-vong-vi-tai-nan-voi-nguoi-di-bo-128132.html