Giá than, dầu cho sản xuất điện năm 2018 đều tăng trên 20%

Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2018 và Kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 18/12/2019.

Giá than nhập khẩu cho sản xuất điện tăng trên 20% trong năm 2018

Giá than nhập khẩu cho sản xuất điện tăng trên 20% trong năm 2018

Chi phí sản xuất điện bao gồm nhiều yếu tố tuy nhiên yếu tố ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 chính là khâu phát điện.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương cho biết, năm 2018 chi phí trong khâu phát điện bị ảnh hưởng tăng do việc nhiên liệu đầu vào cho sản xuất như than, dầu, khí đều tăng. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại hối cũng như việc tăng một số loại thuế phí cũng làm tăng chi phí sản xuất điện.

Về giá than, năm 2018, mặc dù giá than nội địa ổn định, tuy nhiên, giá than nhập khẩu tăng mạnh so với năm 2017. Cụ thể, giá than Coalfax bình quân năm 2018 là 107,85 USD/tấn, tăng 18,29 USD/tấn so với năm 2017 (89,57 USD/tấn), tương ứng tăng 20,42%; Giá than NewCastle Index năm 2018 bình quân là 107,34 USD/tấn, tăng 18,88 USD/tấn so với năm 2017 (86,46 USD/tấn), tương ứng tăng 21,34%.

Việc giá than nhập khẩu tăng, ảnh hưởng đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3.

Về giá dầu năm 2018 cũng có mức tăng cao. Đơn cử như giá dầu trong nước như dầu Diezel (DO) bình quân là 17.044 đồng/lít, tăng 22% so với năm 2017 (13.970 đồng/lít); Giá dầu FO bình quân năm 2018 là 14.245 đồng/kg, tăng 20,7% so với năm 2017 (11.801 đồng/kg); Giá dầu HSFO thế giới năm 2018 tăng cao so với năm 2017 khoảng 31,9%. Giá dầu tăng đã làm tăng chi phí khi huy động các nhà máy nhiệt điện chạy dầu.

Về giá khí, với việc giá dầu HSFO thế giới (dùng để tham chiếu tính giá khí thị trường) tăng so với năm 2017 nêu trên, điều này làm tăng chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện Cà Mau và các nhà máy nhiệt điện có giá khí theo thị trường.

Ngoài các nhiên liệu trên, vấn đề tỷ giá đô la Mỹ và các loại thuế, phí tăng cũng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện.

Cụ thể, tỷ giá đô la Mỹ bình quân năm 2018 khoảng 23.060 đồng/USD, tăng 311 đồng/USD so với bình quân năm 2017 (22.749 đồng/USD), tương ứng với tỷ lệ tăng 1,37%. Tỷ giá tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng USD hoặc giá mua nhiên liệu bằng USD như các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu (như cụm các nhà máy điện Phú Mỹ EVN, Phú Mỹ BOT, Nhơn Trạch 1&2, Bà Rịa, Cà Mau 1&2, Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh, Duyên Hải 3, Cần Đơn, nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào) và các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo khác.

Bên cạnh đó, thuế tài nguyên nước năm 2018 tăng so với năm 2017 do áp dụng theo giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh ngày 01/12/2017 (1.720,65 đồng/kWh), 11 tháng đầu năm 2017 áp dụng giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh; Phí môi trường rừng tăng từ 20 đồng/kWh năm 2017 lên 36 đồng/kWh năm 2018.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-than-dau-cho-san-xuat-dien-nam-2018-deu-tang-tren-20-130049.html