Giá thép, dầu tăng: Thêm áp lực cho nhà sản xuất, nhà thầu

Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ, sản xuất các loại vật liệu xây dựng (VLXD) luôn mang gam 'màu xám' do thị trường có nhiều diễn biến theo chiều hướng xấu. Nhiều DN mong rằng tình hình này sẽ sớm sáng sủa khi mùa xây dựng cuối năm bắt đầu.

Nhà thầu xây dựng lo ngại khi giá thép tăng vào dịp cuối năm. Ảnh: Hải Linh

Nhà thầu xây dựng lo ngại khi giá thép tăng vào dịp cuối năm. Ảnh: Hải Linh

Điệp khúc giảm đã dừng

Vào ngày 7/9, giá thép đã điều chỉnh tăng lần thứ hai liên tiếp kể từ cuối tháng 8, chấm dứt điệp khúc 15 lần điều chỉnh giảm giá. Hiện giá thép trong nước ở mức trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg (chưa bao gồm VAT). Đáng lưu ý, ở trong lần điều chỉnh này, thương hiệu thép Pomina có mức tăng mạnh nhất với dòng thép cuộn CB240 tăng 250 đồng, lên mức 15.330 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 tăng 450 đồng, có giá 16.240 đồng/kg.

Với thép Hòa Phát tại thị trường miền Bắc, dòng thép cuộn CB240 tăng 190 đồng, lên mức 14.820 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150 đồng có giá 15.430 đồng/kg. Thép Việt Ý, dòng thép cuộn CB240 tăng 150 đồng, từ mức 14.570 đồng/kg thành 14.720 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200 đồng, có giá 15.220 đồng/kg.

Theo các DN sản xuất thép, việc tăng giá do giá phôi thép và nguyên vật liệu tăng. Vì vậy, để đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh nên buộc phải điều chỉnh giá bán hàng các sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tăng giá vào thời điểm mùa xây dựng cuối năm để tránh rủi ro từ hàng tồn kho cao - hiện đang gây áp lực cho nhiều DN sản xuất.

Đơn cử, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 của Công ty CP Thép Pomina cho thấy, sau khi trừ các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý DN, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã âm 22,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 222,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2022, hàng tồn kho của thép Pomina lên tới 5.287 tỷ đồng, tăng 11,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó nguyên liệu, vật liệu chiếm tỷ trọng cao nhất (61,2%) trị giá 3.237 tỷ đồng, tăng 7,4%. Tiếp đến là thành phẩm trị giá 1.521 tỷ đồng (28,7%), tăng 26%...

Trong khi đó, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin, ngành xi măng tiếp tục dự báo dư cung quy mô lớn. Trong tháng 8/2022, sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 8,86 triệu tấn, mặc dù đã tăng 3,01 triệu tấn so với tháng 7 trước đó nhưng vẫn giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa khoảng 6,36 triệu tấn; xuất khẩu xi măng ước đạt khoảng 2,5 triệu tấn. Lượng tồn kho cả nước trong 8 vừa qua khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương từ 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.

Tăng chi phí lên nhiều phía

Thị trường VLXD, thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quý IV/2022, bởi thời gian này nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Dẫu vậy, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vẫn thận trọng cho rằng, nhu cầu những tháng cuối năm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt khi lượng tồn kho còn rất cao. Các thương hiệu thép mất nhiều thời gian để xử lý, đẩy hàng tồn kho.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhận định, lần điều chỉnh tăng này đang đem đến kỳ vọng vào sự khởi sắc của ngành sắt thép nội địa vốn đã chịu rất nhiều áp lực kể từ đầu năm đến nay. Triển vọng tiêu thụ có dấu hiệu tươi sáng hơn vào cuối năm nay khi nhu cầu thép của ngành xây dựng được cải thiện.

Tuy nhiên, với các DN nhà thầu, việc tăng giá thép cùng với thời điểm giá dầu cao hơn giá xăng và các loại VLXD khác như xi măng, gạch cát... chưa thể "hạ nhiệt", khiến vượt quá ngưỡng chịu đựng. Và đây cũng là thời điểm có nhiều hạng mục, công trình cần đẩy mạnh tiến độ, có thể khiến chi phí thi công đội lên rất nhiều lần.

Giám đốc Công ty CP Xây dựng Module 9 Đỗ Văn Hải cho biết, đơn vị gặp nhiều thách thức mới, trong đó đặc biệt là đến từ áp lực chi phí. Giá dầu tăng dẫn tới chi phí cước vận chuyển tăng, kéo theo chi phí nguyên liệu đầu vào tăng theo. Giá nguyên liệu đầu vào dùng trong sản xuất tăng cao dẫn tới giá thành phẩm tăng, chi phí nhân công và chi phí cố định thuê mặt bằng… đều tăng.

"Chi phí vận chuyển của chúng tôi đã tăng lên khoảng 20 - 30% so với trước đây do đặc thù xưởng ở Hà Nội phải vận chuyển đi nhiều thị trường ở các tỉnh khác. Chi phí tăng cao buộc phải tăng giá sản phẩm khiến cho sức cạnh tranh bán hàng bị thua thiệt so với các DN địa phương" - ông Đỗ Văn Hải chia sẻ.

Bên cạnh áp lực chi phí vận chuyển, giá thành đầu vào tăng nên nhiều DN phải đối mặt với quá trình thu hồi công nợ kéo dài, định mức xây dựng chưa sát thực tế..., gây phát sinh thêm chi phí lãi vay từ ngân hàng, ảnh hưởng đến quỹ lương để thanh toán cho công nhân, đóng thuế, đảm bảo tiến độ thi công các dự án.

Tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường diễn ra gần đây, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) Lê Viết Hải cho biết, sau đại dịch, việc trượt giá do lạm phát hiến làn sóng đầu tư nước ngoài không đạt như kỳ vọng. Song song, việc siết chặt tín dụng ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án bị chậm lại, quá trình thanh toán cho nhà thầu cũng bị ảnh hưởng. Riêng thị trường xây dựng, tình trạng cung lớn hơn cầu khiến các nhà thầu đối mặt với sự cạnh tranh về giá rất khốc liệt, trong khi đó ở nước ngoài lại ngược lại.

"Phải thừa nhận, trong thời gian vừa qua, việc thanh toán của chủ đầu tư chậm hơn so với trước đây, mặc dù HBC đã triển khai rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề thanh toán, thu hồi nợ quá hạn" - ông Lê Viết Hải chia sẻ thêm.

Ngày 13/9, Hội nghị toàn thể Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) sẽ diễn ra nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian qua, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức liên quan đến ngành công nghiệp xi măng, thúc đẩy hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-thep-dau-tang-them-ap-luc-cho-nha-san-xuat-nha-thau.html