Giá thép hôm nay 31/7: Giá thép HRC Trung Quốc lên mức cao nhất 4 tháng
Giá thép hôm nay 31/7 tại thị trường trong nước tiếp tục ổn định. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Trung Quốc tăng phiên thứ 9 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 4 tháng qua.
Giá thép hôm nay ngày 31/7/2023 tại miền Bắc
Giá thép hôm nay tại miền Bắc tiếp tục đi ngang so với ngày cuối tuần. Cụ thể:
Giá thép Hòa Phát hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.040 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.140 đồng/kg.
Giá thép Việt Ý hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.740 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 3.890 đồng/kg.
Giá thép Việt Đức hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.840/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.090 đồng/kg.
Giá thép hôm nay ngày 31/7/2023 tại miền Trung
Giá thép hôm nay tại miền Trung cũng giữ ổn định so với ngày hôm qua.
Giá thép Hòa Phát hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.840 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.990 đồng/kg.
Giá thép Việt Đức hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.140 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.340 đồng/kg.
Giá thép Pomina hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.590 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 14.690 đồng/kg.
Giá thép hôm nay ngày 31/7/2023 tại miền Nam
Giá thép hôm nay tại miền Nam duy trì ổn định so với hôm qua.
Giá thép Hòa Phát hôm nay, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.090 đồng/kg, thép cuộn CB240 ở mức 14.140 đồng/kg.
Giá thép Miền Nam hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.410 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.620 đồng/kg.
Giá thép Pomina hôm nay, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở 14.690 đồng/, thép cuộn CB240 ở mức 14.480 đồng/kg.
Giá thép Vinakyoei hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.630 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 15.830 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ, cả dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đều ở mức 13.700 đồng/kg.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ngành thép Việt Nam sẵn sàng ứng phó với chính sách thuế carbon
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh Châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Cụ thể, từ tháng 10/2023, các doanh nghiệp thép sẽ phải thực hiện báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM.
Sau khi được vận hành chính thức từ ngày 01/01/2026, doanh nghiệp thép sẽ phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên hạn ngạch miễn phí ETS và phần trăm CBAM. Đến năm 2034, cơ chế CBAM sẽ có hiệu lực và các doanh nghiệp thép sẽ phải nộp 100% phí.
Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, EU là một trong những thị trường hàng đầu của ngành thép. Nếu các doanh nghiệp thép không ứng phó tốt với CBAM của EU thì lượng hàng xuất khẩu sang EU, quan hệ thương mại hai chiều về thép với EU bị ảnh hưởng. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp thép. Từ 1/10 năm nay, các doanh nghiệp thép sẽ phải trực tiếp báo cáo với phía EU, do vậy phải chuẩn bị tài liệu tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của EU.
Về chính sách thuế carbon qua biên giới của EU (CBAM), ông Thái cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU đã biết tới quy định trên. Tuy nhiên, ứng phó thế nào thì phải có kinh nghiệm, đây cũng là việc hoàn toàn mới. Doanh nghiệp ngành thép cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời giải thích thêm về các khái niệm kỹ thuật cho doanh nghiệp.
Xem thêm: "Tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu đối với ngành Thép Việt Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, cơ chế tương tự như CBAM sẽ mở rộng ra với các thị trường khác, chứ không chỉ dừng ở EU. Ngành thép vốn là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, vì vậy, các doanh nghiệp cần hành động nhiều hơn để tuân thủ quy định mới theo Luật Bảo vệ môi trường.
Giá thép và giá quặng sắt hôm nay ngày 31/7/2023 trên thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá thép thanh vằn giao kỳ hạn tháng 10/2023 quay đầu giảm; giảm 22 NDT (giảm 0,57%) xuống mức 3.841 NDT/tấn, chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp.
Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng phiên thứ 9 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 4 tháng qua, đạt 4.093 NDT/tấn, tăng 12 NDT/tấn (tăng 0,3%) so với phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường nguyên liệu, giá quặng sắt giao tháng 9/2023 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tiếp tục giảm 2,68%, xuống còn 834,5 NDT/tấn - mức thấp nhất kể từ ngày 13/7.
Xem thêm: "Thép Nam Kim: Báo lãi trở lại sau 3 quý lỗ, cổ phiếu NKG xác lập nhịp tăng mới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Sau 2 phiên tăng liên tiếp giá quặng sắt giao tháng 8/2023 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Singapore (SGX), cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tuần qua, còn 108,51 USD/tấn.
Các nhà máy thép ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã được yêu cầu chuẩn bị cắt giảm sản lượng để đáp ứng yêu cầu của chính phủ nước này về việc giới hạn sản lượng năm 2023 ngang bằng với năm 2022. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã yêu cầu giữ nguyên mức sản lượng thép khi nước này tìm cách hạn chế lượng khí thải carbon.
Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, sản lượng thép trong nửa đầu năm 2023 của nước này đã tăng 1,3% so với năm ngoái lên 535,64 triệu tấn, vì vậy sản lượng sẽ phải giảm trong nửa cuối năm nay nếu Trung Quốc muốn giữ sản lượng cả năm nay tương đương mức của năm 2022.
Tỉnh Vân Nam chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng thép của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho biết tin tức này cho thấy Trung Quốc sẽ cắt giảm sản lượng thép trên toàn quốc trong thời gian tới.