Giá thịt heo tăng nhanh gây áp lực lạm phát ở Trung Quốc
Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng lạm phát đang gây tổn thương như các nền kinh tế lớn phương Tây. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi giá thịt heo, loại thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng mạnh.
Tính từ đầu tháng 5, giá thịt heo ở Trung Quốc đã tăng đến 50%. Ảnh: AFP
Hôm qua (4-7), các hợp đồng thịt heo giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) tăng đến 7,7%, đạt 22.695 nhân dân tệ (3.389 đô la)/tấn, mức tăng mạnh nhất trong một phiên giao dịch kể từ tháng 11-2021.
Theo dữ liệu của Công ty Shanghai JC Intelligence, tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá thịt heo trung bình trên toàn quốc ở Trung Quốc đã tăng 50%, lên mức 22,08 nhân dân tệ (77.000 đồng VN) /kg do tổng đàn heo giống ở nước này đang trong xu hướng giảm kể từ năm ngoái.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc công bố tuần trước cho thấy, trong tháng 5, đàn heo giống giảm hơn 8% so với một năm trước đó, báo hiệu sản lượng cuối năm nay sẽ thấp hơn.
Giá thịt heo hiện tại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá kỷ lục vào năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, những người chăn nuôi đang găm giữ đàn heo và nâng trọng lượng của chúng lên để cải thiện lợi nhuận.
Lo ngại đà giá thịt heo đắt đỏ có thể gây sức ép lên lạm phát, giới chức trách Trung Quốc tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp để bình ổn thị trường.
Cũng vào hôm qua, trong cuộc họp với các công ty giết mổ và kinh doanh thịt heo, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết sẽ sử dụng các công cụ như sử dụng kho dự trữ thịt heo để hạ nhiệt giá thịt heo. NDRC nói rằng sẽ phối hợp với các ban ngành khác để trừng phạt nghiêm khắc các hoạt động phi pháp bao gồm tung tin đồn sai sự thật về giá thịt heo và tăng giá bán cao bất thường.
Ủy ban này cũng yêu cầu các chủ trang trại heo lớn phải duy trì sản lượng ở mức ổn định, bán heo ngay khi chúng đến tuổi xuất chuồng, không được găm hàng. Cuộc họp kết luận tâm lý tích trữ heo để chờ tăng giá là nguyên chính đằng sau đà tăng giá thịt heo gần đây.
Thịt heo là thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Vì vậy, nếu giá thịt heo không được kiểm soát, Trung Quốc sẽ đối mặt với rủi ro lạm phát tăng cao. Sự sụt giảm giá thịt heo vào năm ngoái là một yếu tố chính khiến CPI nói chung giảm xuống.
NDRC cho rằng năng lực sản xuất heo hơi hiện tại nhìn chung là hợp lý và với mức tiêu thụ yếu, không có cơ sở để giá heo hơi tăng mạnh. Theo đó, các đại diện tham dự cuộc họp cam kết sẽ duy trì sản lượng thịt heo ở mức bình thường.
Bắc Kinh đã cố gắng hạ nhiệt giá cả hàng hóa vốn tăng nhanh trong năm qua vì tác động của đại dịch Covid-19 và sau đó là cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng việc thịt heo tăng giá dường như là khởi đầu của một chu kỳ tăng giá thường kéo dài 3-4 năm vốn vẫn thấy ở Trung Quốc. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính, thịt heo có thể đẩy lạm phát vượt mức mục tiêu 3% của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Giá thịt heo ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề sau khi đàn heo của nước này bị tàn phá bởi dịch tả heo châu Phi trong những năm gần đây. Năm 2019, giới chức trách cho biết họ sẽ cung cấp thêm quỹ đất dành cho các trang trại nuôi heo để khôi phục sản lượng thịt heo về mức trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi.
“Khi giá thịt heo tiếp tục tăng, người chăn nuôi đang chuyển lỗ thành lãi. Họ hiện lãi khoảng khoảng 60 nhân dân tệ (khoảng 9 đô la Mỹ)/con”, Wang Zuli, chuyên gia về chăn nuôi heo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nói với đài truyền hình nhà nước CCTV trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 và cho rằng, những ngày đen tối nhất của người chăn nuôi heo đã qua.
Lin Guofa, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty tư vấn Bric Agricultural Group, nói: “Khi nông dân tin rằng giá thịt heo sẽ còn tăng, họ có xu hướng găm hàng và mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Thịt heo đắt hơn là một lực cản đối với ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình vốn đã căng thẳng bởi các hạn chế do chính sách “zero-Covid” của Bắc Kinh.
Theo Bloomberg, Reuters
Khánh Lan