Giá thịt lợn hơi 'ấm' lên nhưng người dân vẫn chưa có lãi
Mặc dù giá lợn hơi tăng hơn nhưng theo người chăn nuôi, họ vẫn bị lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Riêng những hộ tự sản xuất con giống và sử dụng các loại thức ăn tự chế để nuôi lợn mới có thể kiếm lời vài trăm ngàn đồng/con.
Tại các tỉnh như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, giá lợn hơi được thương lái đến tận nhà dân thu mua loại 1 có giá 37.000-38.000 đồng/kg, loại 2 có giá khoảng 34.000-36.000 đồng/kg, tăng từ 8.000-10.000 đồng/kg so với 1 tháng trước.
Theo nhiều hộ chăn nuôi heo ở ĐBSCL, chi phí để nuôi một con lợn đạt 100kg, từ 3,6-3,8 triệu đồng trở lên. Đó là trong trường hợp quá trình chăn nuôi thuận lợi, đàn lợn không bị hao hụt, nếu có rủi ro, giá thành chăn nuôi lợn còn cao hơn. Trong đó, tiền mỗi con giống khoảng 1 triệu đồng, tiền thức ăn chăn nuôi khoảng 2,5-2,6 triệu đồng, tiền thuốc thú y từ 100.000-200.000 đồng trở lên, ngoài ra còn chi phí tiền điện, nước và công chăm sóc.
Do vậy, với giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi vẫn bị lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Riêng những hộ tự sản xuất con giống và sử dụng các loại thức ăn tự chế để nuôi lợn mới có thể kiếm lời vài trăm ngàn đồng/con.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), 6 tháng đầu năm tổng đàn lợn cả nước giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con. Đến ngày 15/7, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị bệnh phải tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con, chiếm trên 10% đàn lợn trên cả nước. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng tấn công vào những trang trại chăn nuôi có quy mô rất lớn.
Công ty nghiên cứu Ipsos Business Consulting Ipsos ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm tháng 6/2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp. Theo Ipsos, đến cuối năm 2019, đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.
Trước những diễn biến trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm giá thịt lợn sẽ biến động mạnh, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi. Ipsos cũng dự đoán cuối năm 2019 đến gần Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt lợn, chiếm gần 20% tổng nhu cầu.