Giá thịt lợn kéo lạm phát tăng cao

Giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát tháng 7 lên 3,59%.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 7 đã tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng.

Cùng với đó là giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

CPI tháng 7 tăng lần lượt 0,4% và 3,59% so với tháng trước và tháng 12/2021.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7 tăng tới 1,37% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,31%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 1,6%, tác động tăng 0,34 điểm phần trăm.

Giá thịt lợn tăng 4,29% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/7, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 65.000-72.000 đồng/kg, tăng 3.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Theo đó, giá thịt chế biến tăng 1,73% so với tháng trước, trong đó thịt quay, giò chả tăng 1,81%; thịt hộp tăng 1,02%; thịt chế biến khác tăng 0,49%.

Giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,92% so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá trứng các loại cũng tăng 3,1% so với tháng trước do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu.

 Giá thịt lợn tháng 7 tăng 4,29% so với tháng trước. Ảnh: Đức Anh.

Giá thịt lợn tháng 7 tăng 4,29% so với tháng trước. Ảnh: Đức Anh.

Giá dầu mỡ ăn và chất béo khác tiếp tục tăng 2,11% so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất dầu cọ tăng cao.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 7 tăng 0,79% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 1,99%; du lịch ngoài nước tăng 0,32% và khách sạn, nhà khách tăng 0,76% khi nhu cầu du lịch nội địa tăng cao vào dịp hè.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 giảm 2,85% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.

Ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/7, 11/7 và 21/7 làm cho giá xăng giảm 8,68% so với tháng trước, còn giá dầu diesel giảm 4,03%.

Tuy nhiên, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,16% so với tháng trước do đang mùa cao điểm du lịch. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 2,64%; đường bộ tăng 2,73%; taxi tăng 1,22%; đường sắt tăng 0,32%; xe buýt tăng 2,29%.

Giá xe máy, xe đạp, ôtô mới tăng lần lượt là 0,98%, 0,47% và 0,36% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng chủ yếu từ Trung Quốc.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/7, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.737,43 USD/ounce, giảm 5,52% so với tháng 6/2022 do đồng USD mạnh lên và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7 giảm 2,39% so với tháng trước; tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng tăng 6,58%.

Đồng USD trên thị trường thế giới tăng sau khi FED tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác, với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát.

Tính đến ngày 25/7, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,9 điểm, tăng 3,04 điểm so với tháng trước.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.500 đồng/USD. Chỉ số giá USD tháng 7 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng tăng 0,08%.

Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%).

Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-thit-lon-keo-lam-phat-tang-cao-post1340525.html