Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao, có nên đưa vào diện bình ổn giá?
Giá lợn hơi ngày 16/4 tại nhiều địa phương đã tăng kỷ lục, kéo theo giá thịt lợn tăng cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá.
Giá thịt lợn vẫn không có dấu hiệu “hạ nhiệt”
Giá thịt lợn hơi ngày 16/4 vẫn trên đà tăng mạnh, tăng dao động từ 7.000 - 12.000 đồng/kg. Nhiều địa phương tiến sát mốc giá 90.000 đồng/kg, có nơi phá đỉnh với giá 92.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn nhiều so với cam kết hạ giá trước đó là 70.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng tăng cao trong mấy ngày gần đây. Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ dân sinh như chợ Mai Động, Yên Duyên (Hoàng Mai, Hà Nội), chợ Châu Long (Ba Đình, Hà Nội)... giá thịt lợn vẫn ở mức cao.
Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 150.000 – 190.000 đồng/kg, sườn có giá từ 170.000 – 200.000 đồng/kg, thịt nạc thăn có giá 160.000 – 190.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Hoa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Yên Duyên (Hoàng Mai) cho biết, mấy ngày gần đây, giá lợn hơi tăng cao, nên giá thịt cũng bị đẩy lên. Ngay cả những người mua buôn như chị Hoa cũng không được trả giá, khách muốn mua thì mua, không thì thôi. “Chúng tôi cũng muốn giá thịt lợn xuống thấp hơn để dễ bán cho người dân, chứ giá cao thì nhiều người sẽ chuyển sang mua thịt gà, thịt ngan... với giá rẻ hơn nhiều”, chị Hoa cho biết.
Còn theo anh Nguyễn Hoàng, tiểu thương bán hàng tại chợ Mai Động, thịt lợn tăng giá, người mua ít hơn, nên anh cũng chỉ lấy lượng hàng vừa đủ, thậm chí ít hơn thời điểm trước. Vì ế ẩm, nên nhiều tiểu thương đã nghỉ bán hàng, chờ qua thời điểm giãn cách xã hội và thị trường ổn định mới tiếp tục bán.
Tại các siêu thị, giá thịt lợn cơ bản vẫn không có nhiều biến động, nhưng vẫn ở mức cao từ 180.000 - 290.000 đồng/kg.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, chăn nuôi lợn và giá lợn đã bước đầu có dấu hiệu khủng hoảng. Từ năm 2017 - 2018, giá lợn thấp nhất là 15.000 đồng/kg hơi với lợn sề loại thải, còn mức trung bình là 26.000 - 28.000 đồng/kg. Thời gian gần đây, giá lợn cao nhất lên tới 90.000 đồng/kg, chỉ trong thời gian ngắn, giá lợn hơi đã tăng gấp 4 lần.
Nguyên nhân giá lợn cao là do nguồn cung ở khu vực các hộ nuôi giảm nghiêm trọng, chỉ còn tập trung ở các trang trại của các tập đoàn lớn. Nguồn cung quá thiếu, thì giá lợn tăng cao là điều tất nhiên.
Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam (Nguyên cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính) cho rằng, nguồn cung không đáp ứng được cầu và bị ảnh hưởng bởi tâm lý mua tích trữ do lo sợ dịch bệnh đã khiến nguồn cung càng trở nên căng thẳng, đẩy giá thịt lợn lên cao.
“Việt Nam vẫn tồn tại các chuỗi cung ứng khép kín nhỏ lẻ, chủ yếu các tiểu thương đi mua thu gom từ các lò giết mổ lợn phân tán, ở chợ truyền thống vẫn chủ yếu là người buôn bán nhỏ. Trong khi, khâu trung gian nếu như trước kia chiếm 40% giá thành, thì nay bị tác động bởi dịch, gia tăng chi phí vận chuyển... đã tăng lên 45%”, ông Thỏa đánh giá.
Nên đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá?
Chính phủ và các bộ, ngành đều đã và đang nỗ lực lớn đưa giá lợn xuống. Bên cạnh việc yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá lợn hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi.
“Tuy nhiên, cách đưa giá xuống theo lối đề nghị như trên là không phải quy luật thị trường. Mặc dù các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã cam kết đưa giá lợn xuống 70.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát còn bỏ ngỏ. Vấn đề giá lợn chỉ có thị trường mới giải quyết được, không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính để can thiệp và Nhà nước không thể can thiệp sâu vào vấn đề này”, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết.
Theo chuyên gia này, để đảm bảo ổn định cung cầu, kiểm soát tốt giá lợn, nên đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá. Trung Quốc cũng đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, có dự trữ, nên có khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn trung bình khoảng 3 tháng nếu lấy thịt từ kho dữ trự, góp phần bình ổn giá lợn. Khi mặt hàng được đưa vào diện bình ổn giá, thì có dự trữ của Nhà nước, đồng thời khuyến khích được các tổ chức phát triển hệ thống kho lạnh, trữ đông. Khi giá lợn có nhiều biến động, có thể tiến hành điều chỉnh giá cả trong từng vùng, miền. Việt Nam nên triển khai theo hướng như vậy.
Tuy nhiên muốn vậy, việc đầu tiên là cần có đầy đủ hệ thống lưu trữ, số liệu, tính toán được, tránh đầu cơ tích trữ, tránh tình trạng lợi ích nhóm. Khi đã thiết lập được hệ thống số liệu thì cần hệ thống quy định chặt chẽ về mặt luật pháp, siết chặt kỷ cương để triển khai.
“Để giá cả thịt lợn hợp lý, Nhà nước cần điều tiết giá bằng các biện pháp kinh tế, chứ không phải quản lý bằng mệnh lệnh hành chính. Điều tiết cung cầu là gốc rễ hiện nay, giá thịt lợn thị trường chỉ là phần ngọn. Trong lúc đang chờ tái đàn, cần phải đôn đốc nhập khẩu để ổn định thị trường; tạo thêm các chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất, lò mổ đến chế biến, bán lẻ, để giảm chi phí khâu trung gian, góp phần giảm giá bán lẻ trên thị trường", ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất.