Giá thu mua lúa giảm, lợi nhuận nông dân bị thu hẹp

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào thu hoạch rộ vụ Đông Xuân 2023 – 2024. Dù giá lúa đang ở mức cao, nhưng việc các thương lái giảm giá thu mua so với giá đặt cọc làm nông dân bị thu hẹp lợi nhuận.

Trình diễn các loại máy phục vụ thu hoạch và sau thu hoạch.

Trình diễn các loại máy phục vụ thu hoạch và sau thu hoạch.

Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, ông Lê Văn Sáu, ấp 7B2, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy canh tác 3 ha giống ST 24, ST 25, năng suất đạt khoảng 1 tấn/công tầm lớn (1.300 m2). Ông Sáu cho biết, vào đầu vụ, thương lái đặt cọc 11.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ bán được 8.500 đồng/kg, như vậy, cứ 1 tấn lúa thì lợi nhuận bị giảm 2,5 triệu đồng. Nhờ tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sau khi trừ chi phí, gia đình cũng còn lời từ 5 – 5,5 triệu/công tầm lớn. Dù năng suất không cao bằng vụ Đông Xuân trước, nhưng nhờ giá bán tương đối cao nên lợi nhuận cũng cao hơn khoảng 1 triệu đồng/công tầm lớn.

Còn ông Trần Văn Nhâm, ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, được thương lái đặt cọc 10.000 đồng/kg cho giống RVT nhưng hiện tại, giá thu mua hạ xuống còn 8.500 đồng/kg đối với lúa giống và 8.000 đồng/kg đối với lúa hàng hóa.

Ông Nhâm chia sẻ, tính năng suất lúa bình quân đạt 1 tấn/công, bán lúa với giá đã giảm đi 1.500 đồng/kg so với mức nhận cọc từ trước. Với việc có 1 ha lúa, vụ này năng suất 10 tấn lúa thì gia đình ông giảm phần lợi nhuận 15 triệu đồng.

Trên thực tế, việc thương lái thu mua lúa với giá thấp hơn so với giá đã thỏa thuận từ trước không phải là câu chuyện mới. Nhưng năm nay, với giá lúa đang ở mức cao nên việc hạ giá thu mua so với ban đầu đã làm cho bà con nông dân tiếc nuối vì mất đi khoảng lợi nhuận không nhỏ.

Theo chia sẻ của nông dân, năng suất lúa vụ Đông Xuân ở mức khá cao khi dao động từ 1 - 1,1 tấn/công (1.300 m2), có nơi đạt gần 1,2 tấn/công chỉ có giá bán là giảm so với giá thỏa thuận. Như vậy, với việc “cò lúa” đang giảm giá thu mua lúa của nông dân từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với giá đã thỏa thuận ban đầu, lợi nhuận của nông dân bị thu hẹp một khoản không nhỏ.

Ông Trần Văn Trí, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hậu Giang, nhận định, sản lượng vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 của Hậu Giang ước đạt khoảng 550.000 tấn. Nếu giá thu mua lúa giảm 1.000 đồng/kg so với giá ban đầu đã thỏa thuận không những nông dân mất đi một phần lợi nhuận mà giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng sẽ mất đi một khoảng tương ứng 550 tỷ đồng.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ Đông Xuân 2023 – 2024, nông dân toàn tỉnh xuống giống gần 74.400 ha. Đến nay, đã thu hoạch được gần 40.000 ha, năng suất bình quân đạt hơn 7,7 tấn/ha.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho hay, trên thực tế sản lượng cũng như giá gạo thị trường xuất khẩu không biến động nhiều, nhưng trên địa bàn có thời điểm chỉ trong một ngày mà có tới 4 mức giá thu mua lúa khác nhau. Điều này cho thấy có dấu hiệu thương lái ép giá nông dân. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người trồng lúa, thì giá lúa đã nhích dần lên. Do đó, bà con nông dân có thể chậm bán, tạm trữ lúa lại để chờ bán khi giá lúa lên nhằm đạt mức lợi nhuận cao nhất.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-thu-mua-lua-giam-loi-nhuan-nong-dan-bi-thu-hep-20240313114127574.htm