Giá thực phẩm vẫn neo cao ở nhiều nước

Giá thực phẩm ở nhiều quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu tạo đỉnh và có thể sẽ tiếp tục tăng.

Lạm phát thực phẩm vẫn tăng nhanh hơn các loại hàng hóa khác (Ảnh: WSJ)

Giá thực phẩm tăng nhanh

Xuất khẩu bị gián đoạn, thời tiết nắng nóng bất thường và chiến sự ở Ukaine (một trong số các quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới) có thể sẽ kích thích lạm phát toàn cầu gia tăng.

Giá thực phẩm ở Anh đã tăng 17,4% trong năm kết thúc vào tháng 6, trong khi giá thực phẩm ở Nhật Bản tăng 8,9%, ở Pháp tăng 14,3%. Mặc dù lạm phát thực phẩm đã tăng chậm lại ở Anh và Pháp, nhưng lại tăng nhanh hơn ở Nhật Bản. Ở mỗi quốc gia, giá thực phẩm đang tăng nhanh hơn so với giá của các mặt hàng và dịch vụ khác.

Tình hình ở Mỹ lại khả quan hơn khi giá thực phẩm tăng 4,6% trong tháng 6, so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra, nhưng lại giảm mạnh so với mức đỉnh 13,5% ghi nhận vào tháng 8/2022.

Giá thực phẩm neo cao, so với giá năng lượng hộ gia đình đã giảm đáng kể ở nhiều phần của thế giới, là một trong những thách thức mà ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đang phải đối mặt trong lúc nỗ lực giảm lạm phát xuống mức mục tiêu.

Điều này cũng cho thấy có nhiều quốc gia đã thành công trong cuộc chiến chống lạm phát, nếu so với mức lạm phát cao trong năm ngoái, đặc biệt là ở những nước có thu nhập thấp hơn bởi những nước này chi một phần lớn hơn trong ngân sách để vượt qua khó khăn.

Lạm phát thực phẩm vẫn cao ở nhiều quốc gia (Ảnh: OECD)

Lạm phát dai dẳng trở thành mối lo ngại hàng đầu của chính phủ các nước châu Âu. Họ đã phải đưa ra hàng loạt biện pháp để giảm giá thực phẩm, nhưng lại chưa thực hiện các biện pháp kiểm soát giá từng được áp dụng trong thập kỷ 70.

Trong hôm 4/8, Mỹ cho biết chỉ số giá thực phẩm – bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật, đường, thịt và các sản phẩm sữa – đã tăng 1,3% trong tháng 7, so với tháng trước đó. Đây là lần thứ hai chỉ số này tăng lên trong vòng 4 tháng, sau một đợt suy giảm bền vững từ mức cao nhất trong 50 năm ghi nhận trong tháng 3/2022.

Tháng trước, Nga đã rút khỏi một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua Biển Đen và tiếp tục tấn công nhằm vào các cơ sở xuất khẩu thực phẩm của nước này bằng drone.

“Đây là diễn biến mà chúng tôi đang quan sát một cách thận trọng”, Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Anh quốc, nói. “Nó gây ra hiệu ứng đối với giá lúa mì, nhưng không nhiều như năm ngoái”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng, việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu có thể đẩy giá ngũ cốc lên 10-15%, đảo ngược một số đợt giảm giá từ mức cao ghi nhận trong năm ngoái.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO (Anh: FAO)

Thời tiết bất thường và El Nino

Thời tiết bất thường gây ảnh hưởng tới mùa màng của nhiều loại ngũ cốc, hoa quả và rau củ trên toàn thế giới.

“Các điều kiện thời tiết bất lợi, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu có thể diễn ra, sẽ đẩy giá thực phẩm lên cao”, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu Christine Legarde, cho hay.

Ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi đáng chú ý nhất là ở Ấn Độ, nơi mà những trận mưa lớn làm giảm sản lượng gạo và làm tăng mạnh giá thực phẩm. Chính phủ Ấn Độ tháng trước đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo, làm dấy lên quan ngại về lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chủ chốt khác.

Mặc dù những lệnh cấm như vậy có thể giúp giảm giá ở một quốc gia, nhưng lại gây tác động tới nhiều quốc gia khác. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm, nhiều lệnh cấm xuất khẩu từng được áp dụng trong năm ngoái đã được dỡ bỏ.

Điều kiện thời tiết bất thường ảnh hưởng tới mùa màng ở nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ (Ảnh: WSJ)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính rằng, tính đến trung tuần tháng 7, 45 trên 104 lệnh hạn chế xuất khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón được áp dụng trong những tháng sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ đã được dỡ bỏ. Họ ước tính rằng các lệnh cấm còn lại bao phủ lượng hàng hóa trị giá 24,5 tỉ USD.

“Chúng ta cần phải tránh vòng lặp những quan ngại về nguồn cung dẫn tới có thêm lệnh hạn chế xuất khẩu và tăng giá”, Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO, cho hay.

Một rủi ro nữa đối với nguồn cung thực phẩm là tình trạng ấm lên tự nhiên của vùng biển Thái Bình Dương, còn gọi là El Nino, có thể dẫn tới những sự thay đổi nền thời tiết và giảm sản lượng lương thực. Cơ quan Khí tượng Australia đã phát đi cảnh báo về El Nino, nói rằng có 70% khả năng là nền khí hậu sẽ có thay đổi vào cuối năm nay.

Trong khi một số chính phủ phải áp dụng lệnh cấm xuất khẩu để kiềm chế đà tăng giá, nhưng các nhà hoạch định chính sách châu Âu lại đang điều tra xem liệu các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm có đang lợi dụng cơ hội lạm phát cao để thu về lợi nhuận cho bản thân hay không.

Ở Anh, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường đã mở một cuộc đánh giá lại các chuỗi cửa hàng trong tháng trước và nhận thấy rằng họ không tăng biên lợi nhuận, nhưng hiện giờ lại chú ý hơn tới các chuỗi cung ứng một số sản phẩm – bao gồm bánh mì, thịt gia cầm, sữa và mayonnaise. Chính phủ Pháp cũng yêu cầu các hãng sản xuất thực phẩm công bố một loạt sản phẩm có giá được giữ nguyên hoặc giảm trong những tháng tới.

Bất chấp những lo ngại mới, ngân hàng trung ương các nước vẫn kỳ vọng giá thực phẩm sẽ tăng chậm lại. Nhưng họ cũng nhận thức rằng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn họ kỳ vọng, điều đó mới có thể xảy ra.

“Giá thực phẩm sẽ giảm”, ông Bailey nói. “Nhưng nó sẽ cần nhiều thời gian hơn so với mong đợi của nhiều người, bao gồm cả những người trong ngành thực phẩm. Chúng ta cần phải làm quen với việc đối phó với những cú sốc như vậy”./.

Theo Wall Street Journal

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gia-thuc-pham-van-neo-cao-o-nhieu-nuoc-post168959.html