Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng: Có lợi thế của người đi sau

Đây được xem như thời cơ đến, khi trước kia vốn là nơi thu hút chưa cao trong đầu tư nên quỹ đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được lấp đầy. Để rồi bây giờ trở thành của để dành quý giá...

Thời cơ đến

Khác hẳn với thị trường bất động sản nhà ở, đất ở chưa rã băng như kỳ vọng, thị trường bất động sản công nghiệp trong 5 tháng qua có chuyển biến tích cực, khi giá cho thuê đang tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Buổi họp báo do CBRE, công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ thuộc top công ty lớn nhất thế giới, đã tổ chức trong tháng 4/2024 với nội dung trên đã có thông tin với những con số cụ thể tại Việt Nam. Đó là giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 ở miền Bắc tăng nhẹ 1,2% so với quý trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt ngưỡng trung bình 133 đô la Mỹ/m2/kỳ hạn. Trong khi đó, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 ở miền Nam giữ mức 189 đô la Mỹ/m2/kỳ hạn, ổn định so với quý trước nhưng đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh, giá thuê kho xưởng xây sẵn tại miền Bắc trung bình đạt ngưỡng 4,7 và 4,9 đô la Mỹ/m2/tháng. Tương tự, ở miền Nam, do không có nguồn cung mới nên đã có tác động đến hoạt động của các kho xưởng xây sẵn đang hoạt động khiến tỷ lệ lấp đầy của kho xưởng xây sẵn tăng 2 điểm phần trăm so với quý trước, trong đó nhà kho có tỷ lệ lấp đầy đạt 57% và nhà xưởng là 87%.

Khu công nghiệp Sông Bình. Ảnh: N.Lân

CBRE cũng dự báo, trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng từ 3-9%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho, nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1 - 4%/năm trong 3 năm tới. Dự báo này cũng đồng thời xuất hiện những diễn biến của thị trường như cung đang thấp hơn cầu, các nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn không chuyên đang chú ý đến mảng bất động sản công nghiệp. Và những tỉnh, thành có tiềm năng đang là điểm nhắm trong thời gian tới, khi 2 thành phố lớn và các tỉnh có thế mạnh công nghiệp kề bên lâu nay đang không còn dư địa phát triển. Bình Thuận, nơi có giao thông đối ngoại đã thông suốt, cụ thể và hiệu quả, nhất là tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua suốt chiều dài vốn rất dài của tỉnh. Và điều quan trọng hơn hết là trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều diện tích đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng cho thuê, được phân bổ ở khắp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Đây được xem như thời cơ đến, khi trước kia vốn là nơi thu hút chưa cao trong đầu tư nên quỹ đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được lấp đầy. Để rồi bây giờ trở thành của để dành quý giá, nếu biết phát huy khi triển khai.

Khu công nghiệp Tuy Phong. Ảnh N.Lân

Như của để dành

Trong bối cảnh trên, phần lớn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có dư địa để đón thời cơ mới. Ngoài 2 KCN Phan Thiết 1, 2 và các cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2 (Đông Hà – Đức Linh) đã có nhà đầu tư thứ cấp vào thuê, xây dựng nhà máy, kho xưởng… với diện tích được lấp đầy cơ bản. Còn lại, theo thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các khu công nghiệp trong tỉnh còn chưa lấp đầy diện tích. Nổi lên như KCN Hàm Kiệm II – Bita’s (Hàm Kiệm- Hàm Thuận Nam) hiện có diện tích đất đã cho thuê chỉ 33 ha, tương ứng tỷ lệ lấp đầy 12,5%, diện tích đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng cho thuê là 228 ha. Ở đây đã được xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn của một KCN xanh - sạch - đẹp - hiện đại. Bên cạnh, KCN Hàm Kiệm I (xã Hàm Mỹ - Hàm Thuận Nam) cũng đã xây dựng hạ tầng tương tự. Hiện có 43% diện tích đã lấp đầy, còn lại 51,3 ha đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng cho thuê. Đặc biệt, cả 2 KCN trên đều nằm trong địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh còn được hỗ trợ miễn phí về tư vấn đầu tư, các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư và đăng ký kinh doanh…

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I. Ảnh: N.Lân

Trong khi đó, KCN Sông Bình (xã Sông Bình – Bắc Bình) cũng đã và đang được xây dựng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn của một KCN hiện đại. Ngoài 93,91 ha đã được cho thuê, còn có 153,96 ha đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng cho thuê. Hay KCN Tuy Phong (Vĩnh Hảo – Tuy Phong) cũng thế, có diện tích dự án 150 ha. Không chỉ thế, 3 khu công nghiệp khác đầy triển vọng đã và đang mở ra ở huyện Hàm Tân đều ở vị trí đắc địa với diện tích đất cho thuê lớn. Như KCN Sơn Mỹ I có diện tích đất công nghiệp cho thuê 740 ha, KCN Sơn Mỹ II có diện tích đất công nghiệp cho thuê 330 ha và KCN Tân Đức có diện tích đất công nghiệp cho thuê là 207 ha.

Ngoài ra, tại các huyện, thị, thành phố còn có 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.183 ha. Hiện nay, đã có 14/36 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Có nghĩa còn hơn 22 cụm công nghiệp trong tỉnh đang cần thu hút nhà đầu tư hạ tầng. Và trong diễn biến mới của thị trường bất động sản công nghiệp của hiện tại và sắp tới, hy vọng sẽ phát huy được giá trị của quỹ đất được ví như của để dành lâu nay.

Năm 2023 và 5 tháng/2024, tỉnh đã đón tiếp, làm việc, cung cấp thông tin cho rất nhiều cơ quan, tập đoàn, công ty, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tìm hiểu về thị trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Thuận; trong đó có Đoàn công tác của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam và các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, tỉnh cũng tham dự và kết hợp cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư trong các đoàn công tác cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các nước và một số hội nghị trong nước; đón tiếp, làm việc, cung cấp thông tin cho một số cơ quan, tập đoàn, công ty, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tìm hiểu về thị trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư cho các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gia-thue-bat-dong-san-cong-nghiep-tang-co-loi-the-cua-nguoi-di-sau-119401.html