Liên kết, hợp tác trồng và khai thác cao su tại Kon Tum: 'Cơm không lành, canh không ngọt'

Quá trình liên kết, hợp tác trồng và khai thác cao su giữa Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum và người dân tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra cảnh 'cơm không lành, canh không ngọt'.

Khai thác mủ tại các nông trường cao su do Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum quản lý.

Khai thác mủ tại các nông trường cao su do Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum quản lý.

Người dân muốn hưởng hoa lợi từ việc thanh lý vườn cây…

Theo phản ánh của ông Nguyễn Đình Nhiên, Chủ tịch UBND xã Kroong (TP. Kon Tum), hiện nay, diện tích cao su do Nông trường cao su Thanh Trung quản lý trên địa bàn xã Kroong đã tới thời kỳ tái canh (tại vùng đất 200 ha được Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thuê trồng cao su).

Nguyện vọng của các hộ nhận khoán là tiếp tục được nhận khoán theo mô hình trước đây, không thực hiện mô hình công nhân. Mặt khác, họ đề nghị được hưởng hoa lợi từ việc thanh lý vườn cây và đề nghị nâng mức hỗ trợ trong thời gian kiến thiết cơ bản ở chu kỳ tiếp theo.

Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đối với nguyện vọng “tiếp tục được nhận khoán theo mô hình trước đây, không thực hiện mô hình công nhân”, việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đối với đề nghị được hưởng hoa lợi từ việc thanh lý vườn cây, theo nội dung phương án khoán được duyệt và hợp đồng giao nhận khoán đã ký giữa Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (Công ty) với hộ dân, thì không có nội dung nào quy định người nhận khoán được hưởng hoa lợi từ việc thanh lý vườn cây cao su.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, trường hợp hộ dân không ký hợp đồng liên kết với Công ty Cao su Kon Tum, đến thời điểm thanh lý vườn cây sẽ không có cơ sở thực hiện bàn giao đất, ảnh hưởng đến chính quyền địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Do đó, Công ty không có cơ sở để chi trả hoa lợi cây cao su thanh lý theo đề nghị của hộ dân; đồng thời, không có cơ chế hỗ trợ người lao động khi thực hiện tái canh cây cao su. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, để tạo việc làm cho người dân trong thời kỳ tái canh, kiến thiết cơ bản, Công ty đã có Văn bản số 763 (ngày 7/7/2022) gửi UBND xã Kroong thống nhất phương án hỗ trợ bằng cách cho người dân thực hiện trồng xen trên vườn cây tái canh.

Trường hợp người dân không thực hiện, mà để Công ty trồng, thì Công ty cam kết hỗ trợ người dân với mức 6 triệu đồng/ha trong 3 năm đầu. Cụ thể, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha trong năm thứ nhất, 2 triệu đồng/ha trong năm thứ 2 và 1 triệu đồng/ha trong năm thứ 3. Nguồn hỗ trợ được lấy từ nguồn thu trồng xen sau khi trừ đi các khoản chi phí liên quan.

Về đề nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân trong thời kỳ kiến thiết cơ bản chu kỳ tiếp theo, theo hợp đồng khoán và quy định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cũng không có nội dung quy định về hỗ trợ cho người dân trong thời kỳ chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản.

Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, để người dân có thêm thu nhập, Công ty đã xem xét, hỗ trợ người dân bằng cách tạo điều kiện cho người dân được trồng xen trên vườn cây cao su trong 3 năm đầu.

Trường hợp người dân không trồng xen, Công ty sẽ tổ chức trồng và sử dụng nguồn thu từ trồng xen (sau khi trừ đi các khoản chi phí liên quan) để hỗ trợ cho người dân với mức 6 triệu đồng/ha trong 3 năm đầu. Ngoài nguồn tiền từ trồng xen, Công ty không có bất kỳ nguồn tiền nào đủ điều kiện để hỗ trợ người dân.

Do đó, Công ty không thể nâng mức hỗ trợ cao hơn mức 6 triệu đồng/ha theo đề nghị của người dân, vì đây là giai đoạn đầu tư, nguồn tiền hỗ trợ phụ thuộc chính vào hiệu quả trồng xen, cây trồng xen là ngắn ngày, bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, như điều kiện thời tiết, sâu bệnh, giá cả thị trường... Công ty sẽ cố gắng thực hiện tốt việc trồng xen (như lựa chọn loại cây trồng xen phù hợp, chăm sóc hiệu quả) để đảm bảo nguồn tiền hỗ trợ người dân như cam kết. Tuy vậy, Công ty vẫn khuyến khích người dân tự trồng xen để có thêm việc làm và thu nhập trong thời kỳ tái canh, kiến thiết cơ bản.

Doanh nghiệp “lắc đầu”

Cho rằng, hiện đã hết thời gian liên kết, bà Phan Thị Hà (thôn 1, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Công ty Cao su Kon Tum chấm dứt liên kết trồng cây, khai thác mủ cao su với người dân trên địa bàn xã Sa Sơn.

Theo báo cáo của Nông trường Cao su Sa Sơn, bà Phan Thị Hà trước đây có diện tích nhận khoán vườn cây là 4,47 ha, đến nay đã ủy quyền lại cho các con là Trần Thị Hạnh, Trần Thị Hương, Trần Tiến Tới (giấy ủy quyền được lập ngày 28/3/2018) đối với toàn bộ diện tích này.

Vườn cây cao su tại Nông trường Cao su Sa Sơn trồng năm 2001. Theo quy trình kỹ thuật, chu kỳ kinh tế của cây cao su (kể từ khi trồng cho đến khi thanh lý vườn cây) là 32 năm, do đó, thời gian thanh lý vườn cây phải đến hết năm 2033.

UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, thực tế thời gian qua, việc giao khoán sản lượng được Công ty Cao su Kon Tum, Nông trường Cao su Sa Sơn xem xét, đánh giá và giao khoán sản lượng theo năng lực thực tế vườn cây. Một số hộ liên kết đã ký hợp đồng, chấp hành tương đối tốt nội quy, quy định khai thác mủ. Tuy nhiên, một số hộ chưa chấp hành giờ giấc cạo mủ cao su, không đi cạo hoặc bỏ cạo, còn bớt xén mủ, dẫn đến năng suất sản lượng thấp.

Ngoài ra, nguồn tài nguyên vỏ cạo chưa được khai thác của vườn cây hộ liên kết không đi cạo còn tương đối nhiều, nếu các hộ tiếp tục không đi cạo, thì thời gian thanh lý vườn cây sẽ phải kéo dài. Hiện nay, tại Nông trường Cao su Sa Sơn có khoảng 297/313 hộ đã ký kết hợp đồng liên kết khoán (94,89%); còn lại 16 hộ dân không ký hợp đồng liên kết khoán (5,11%).

Việc các hộ dân tại xã Sa Sơn không ký hợp đồng liên kết khoán, bỏ cạo đã gây thất thoát một lượng lớn sản lượng mủ cao su của Công ty Cao su Kon Tum tính từ khi vườn cây bắt đầu đưa vào khai thác năm 2011, dẫn đến năng suất mủ từ đó đến nay đạt rất thấp, bình quân khoảng 443 kg/ha.

Không thu được mủ từ vườn cây, nhưng hằng năm, Công ty vẫn phải chi phí thực hiện những công việc thuộc trách nhiệm của hộ liên kết (như làm cỏ, phát dọn chống cháy, quét lá…) để đảm bảo vườn cây không bị cháy. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho Công ty về sản lượng mủ, doanh thu, lợi nhuận và ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn nhà nước đầu tư.

Để sớm thanh lý vườn cây cao su liên kết tại Nông trường Cao su Sa Sơn, trả đất lại cho người dân, Công ty đã trình hồ sơ xin ý kiến thống nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho điều chỉnh lộ trình thanh lý sớm vườn cây và áp dụng chế độ cạo linh hoạt để rút ngắn thời gian khai thác. Cụ thể, lộ trình thanh lý dự kiến bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2028.

Do đó, Công ty đề nghị các hộ dân liên hệ với Nông trường Cao su Sa Sơn để ký kết hợp đồng, ổn định sản xuất, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống trong thời gian này; đồng thời yêu cầu hộ dân nghiêm túc thực hiện việc khai thác mủ theo đúng nội dung hợp đồng đã ký, nếu hộ dân không đi cạo, bỏ cạo hoặc đi cạo không thường xuyên, thì thời gian thanh lý vườn cây sẽ kéo dài hơn.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, trường hợp hộ dân không ký hợp đồng liên kết với Công ty Cao su Kon Tum, đến thời điểm thanh lý vườn cây sẽ không có cơ sở thực hiện bàn giao đất, ảnh hưởng đến chính quyền địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Đề nghị xem xét lại việc “ăn chia”

Mới đây, ông Trần Dũng Công (thôn 4, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum) đề nghị UBND tỉnh xác định lại tư cách của các hộ làm cao su ăn chia với Công ty Cao su Kon Tum và xem xét lại cách dùng cụm từ “hộ nhận khoán” vì không phù hợp.

Ông Công cho biết: “Trước đây, khi hợp đồng làm ăn với Công ty Cao su Kon Tum, chúng tôi luôn xác định là người dân có đất, Công ty có vốn, cùng nhau hợp tác làm ăn, chia tỷ lệ 4/6 trên sản lượng thu được. Việc giao - nhận khoán ở đây là giao - nhận khoán về sản lượng mủ, chứ người dân không nhận khoán đất. Bởi vì, đất là của chúng tôi tự khai hoang”.

Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, năm 2012, dưới sự chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh Kon Tum, các sở, ngành chuyên môn của tỉnh Kon Tum, các ban chuyên môn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cùng Công ty Cao su Kon Tum đã tiến hành rà soát các khoản mục chi phí như chuyển trách nhiệm thực hiện việc mua vật tư khai thác (kiềng, chén, máng...), bảo hộ lao động… từ người nhận khoán sang Công ty, tính toán và thống nhất lại tỷ lệ được hưởng mới của người nhận khoán là 45,33% giá trị mủ cao su nguyên liệu.

Trên cơ sở đó, Công ty Cao su Kon Tum chỉ đạo Nông trường Cao su Hòa Bình phối hợp với UBND thị xã Kon Tum và UBND xã Hòa Bình vận động người dân vào nhận khoán theo chủ trương của tỉnh và giao khoán vườn cây lại cho người dân địa phương tại chỗ (trong đó ưu tiên giao khoán cho người dân có nương rẫy được bồi thường) thực hiện chăm sóc, thu hoạch mủ cao su thông qua “hợp đồng giao, nhận khoán chăm sóc vườn cây, thu hoạch mủ cao su”.

Hiện nay, người nhận khoán được hưởng thu nhập theo tỷ lệ tương ứng 45,33% giá trị mủ cao su nguyên liệu theo thị trường tại thời điểm. Hợp đồng giao, nhận khoán được Công ty triển khai và thực hiện thống nhất trong toàn Công ty từ năm 1996 đến nay.

Việc xác định các hộ gia đình trên tất cả các địa bàn nói chung và riêng thôn 4 (xã Hòa Bình) là bên nhận khoán đã được thể hiện rõ trong các hợp đồng giao nhận khoán từ năm 1996 đến nay (khu vực thôn 4 ký từ năm 1997), bao gồm ký sổ khoán năm 1997 (trong đó kèm theo hợp đồng), hợp đồng sửa đổi năm 2009 và hợp đồng sửa đổi năm 2012.

Vì đất đai được UBND tỉnh Kon Tum cho Công ty thuê và vườn cây thuộc quyền sử dụng của Công ty, do đó, Công ty chỉ khoán công việc cho các hộ gia đình; người dân thực hiện chăm sóc vườn cây, thu hoạch mủ, thì được hưởng thành quả là 45,33% giá trị mủ nguyên liệu.

Linh Đan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lien-ket-hop-tac-trong-va-khai-thac-cao-su-tai-kon-tum-com-khong-lanh-canh-khong-ngot-d218136.html