Giả thuyết gây lo ngại về sự tiến hóa của biến chủng Omicron
Biến chủng Omicron có thể đã âm thầm tiến hóa trong cơ thể một người bị suy giảm miễn dịch, làm dấy lên lo ngại về khả năng người nhiễm HIV trở thành 'lồng ấp' virus.
Biến chủng Omicron với số đột biết nhiều đáng lo ngại đang là tâm điểm các cuộc nghiên cứu của giới khoa học. Một trong những câu hỏi được quan tâm là biến chủng này xuất hiện như thế nào.
Đến nay, nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Omicron đã được đặt ra. Trong số đó, giả thuyết Omicron là sản phẩm quá trình tiến hóa của virus trong cơ thể một người bị suy giảm miễn dịch nhận được sự quan tâm hơn cả, theo NPR.
Sự bất thường của biến chủng Omicron
Để trả lời câu hỏi về nguồn gốc của một biến chủng cụ thể, một trong những công cụ quan trọng nhất mà giới khoa học sử dụng là nghiên cứu bộ gene di truyền, từ đó xác định những manh mối về quá trình tiến hóa của virus.
"Tại những nơi chưa có nhiều ca lây nhiễm cộng đồng, phương pháp phổ biến là sử dụng cây gia phả của virus. Khi kiểm tra các đặc điểm trình tự gene, có thể xác định virus đến từ đâu", giáo sư Trevor Bedford, chuyên gia virus tại Trung tâm nghiên cứu Fred Hutchinson, nói.
Sau đó, thông qua thu thập mẫu bệnh phẩm tại các khu vực khác qua thời gian, các nhà khoa học có thể quan sát sự xuất hiện của các đột biến cho đến khi virus biến đổi đáng kể và trở thành một chủng khác.
Nhưng khi quan sát sơ đồ tiến hóa của biến chủng Omicron, quá trình biến đổi khiến các nhà khoa học bất ngờ, giáo sư Bedford nói.
"Với Omicron, các trình tự gene gần với nó nhất được xác định từ giữa năm 2020, tức hơn một năm trước. Đây là điều hiếm khi xảy ra", ông Bedford nhận định.
Nói cách khác, biến chủng Omicron tiến hóa từ một chủng virus lây lan từ giữa năm 2020. Sau đó, các nhà khoa học không ghi nhận thêm các phiên bản trung gian, mà đáng lý cần phải có, trước khi virus biến đổi thành biến chủng Omicron như hiện nay.
"Omicron không có mối liên hệ với bất cứ chủng virus nào lây lan trong thời gian gần đây. Các đột biến đã khiến nó biến đổi rất nhiều so với chủng năm 2020", giáo sư Bedford cho biết.
Chuyện gì đã xảy ra?
Giáo sư Bedford cho biết không loại trừ khả năng chủng virus tiền thân của Omicron đã lây sang một loài động vật nào đó. Virus sau đó lan rộng và đột biến trên động vật, trước khi lây trở lại cho con người.
Tuy nhiên, giáo sư người Mỹ cũng cho biết giả thuyết này khó có thể là những gì đã xảy ra, bởi không tìm thấy dấu vết di truyền của động vật khi phân tích trình tự gene của biến chủng Omicron.
Thay vào đó, các nhà khoa học phát hiện có thêm một RNA của con người trên bộ gene của biến chủng mới, dấu hiệu cho thấy quá trình tiến hóa của biến chủng Omicron xảy ra khi chúng ở trong cơ thể người.
Một giả thuyết khác được đặt ra là biến chủng năm 2020 đã âm thầm biến đổi khi chúng lây lan tới một khu vực nơi hệ thống giám sát y tế kém phát triển ví dụ như miền Nam châu Phi, do đó quá trình biến đổi của virus không bị phát hiện. Đến năm 2021, khi đã có đủ đột biến, virus biến thành chủng lây lan mạnh hơn và bị con người phát hiện.
Tuy nhiên, giáo sư Bedford cho rằng giả thuyết trên không thực sự khả thi. Các chủng virus tiền thân, trên con đường biến thành Omicron, cũng có thể bắt đầu lan rộng và do đó đáng lẽ phải bị phát hiện sớm hơn, giáo sư Bedford nói.
Quan điểm của giáo sư Bedford nhận được sự đồng tình từ Richard Lessells, chuyên gia dịch tễ học Đại học KwaZulu-Natal của Nam Phi.
Ông Lessells cho biết Nam Phi là quốc gia với hệ thống giám sát y tế đáng tin cậy, vì vậy một biến chủng mới khi lan tới nước này nhiều khả năng sẽ bị phát hiện.
"Chúng ta có 7 trung tâm nghiên cứu trình tự gene, mỗi trung tâm lại kết nối với các phòng thí nghiệm công và tư khắp đất nước", ông Lessells cho hay.
Thực tế, biến chủng Omicron tạo ra một dấu hiệu đặc trưng trong xét nghiệm PCR. Dấu hiệu này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, dẫn tới phát hiện biến chủng mới.
"Phải có sai sót rất lớn mới có thể bỏ qua một chủng virus tiến hóa trong thời gian dài nhiều tháng như vậy", ông Lessells nhận định.
Một giả thuyết khác nhận được sự chú ý là virus từ từ biến đổi trong cơ thể của một cá nhân, có khả năng là một người bị suy giảm miễn dịch, ví dụ như người nhiễm HIV.
Trong trường hợp này, hệ miễn dịch của người bệnh vẫn đủ mạnh ngăn virus giết chết bệnh nhân, nhưng không đủ mạnh để tiêu diệt hoàn toàn virus.
Như thế, virus tồn tại trong cơ thể người suốt nhiều tháng và liên tục tự nhân bản. Với mỗi lần tự nhân bản, có khả năng xuất hiện đột biến khiến virus dễ dàng qua mặt kháng thể của người bệnh hơn. Sau hơn một năm, virus có thể đã tiến hóa hơn nhiều.
Ông Lessells cùng các đồng nghiệp đã phân tích các mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân HIV đồng thời mắc Covid-19 kéo dài hơn 6 tháng.
"Nhờ các mẫu bệnh phẩm từ các thời điểm khác nhau trong giai đoạn 6 tháng này, chúng tôi có thể chứng minh cách virus tiến hóa và các biến chủng với một số đột biến tương tự trên các biến chủng đáng lo ngại", ông Lessells nói.
Nếu thực sự Omicron xuất hiện theo cách này, biến chủng mới sẽ chỉ mới từ bệnh nhân số 0 lây lan ra cộng đồng trong thời gian gần đây.
Lo ngại từ "lồng ấp" biến chủng
Hai ông Bedford và Lessells nhấn mạnh các cuộc điều tra về biến chủng Omicron vẫn đang diễn ra, và quan điểm của họ có thể thay đổi khi xuất hiện thêm dữ kiện mới.
Giáo sư Bedford cho biết thông tin về nguồn gốc của Omicron sẽ giúp giới khoa học đánh giá đúng về mối đe dọa mà biến chủng này mang lại.
Ví dụ, nếu Omicron xuất hiện sau khi lây lan trong cộng đồng con người ở một nơi không có giám sát y tế, điều này đồng nghĩa biến chủng mới không thực sự lây lan mạnh như cảnh báo.
"Chúng ta mới chỉ nhìn thấy một số ít ca lây nhiễm thông qua di chuyển đến một vài quốc gia. Điều này cho thấy biến chủng không thực sự lây lan nhanh", ông Bedford nhận xét.
Nhưng nếu Omicron tiến hóa trong cơ thể một người bị suy giảm miễn dịch và chỉ mới phán tán ra cộng đồng, điều này đồng nghĩa virus đã lan rộng trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với các biến chủng khác, là dấu hiệu cho thấy khả năng truyền nhiễm nguy hiểm của biến chủng Omicron.
Bất kể nguồn gốc của biến chủng Omicron là từ đâu, các nhà khoa học cảnh báo sự xuất hiện của biến chủng này là lời cảnh tỉnh nguy cơ những người bị suy giảm miễn dịch trở thành lồng ấp các biến chủng nguy hiểm khác trong tương lai.
Tình hình đặc biệt khẩn cấp tại châu Phi, nơi hàng triệu người mắc HIV/AIDS mà không được tiếp cận thuốc điều trị. Do đó, để có thể chấm dứt đại dịch, cần bảo vệ những người yếu thế, suy giảm hệ miễn dịch và có nguy cơ cao mắc Covid-19.