Giả thuyết mới về cách xây dựng kim tự tháp

Cách xây dựng kim tự tháp cách đây hơn 4.000 năm luôn khiến giới khoa học tranh luận sôi nổi. Mới đây một nhóm kỹ sư cùng nhà địa chất lại đưa ra thêm giả thuyết người Ai Cập cổ đại dùng hệ thống nâng thủy lực đưa đá nặng lên giữa kim tự tháp lâu đời nhất.

Vào thế kỷ 27 trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại xây dựng kim tự tháp bậc thang cao khoảng 62 mét cho Pharaoh Djoser. Công trình được xây như thế nào, làm sao họ chuyển được đá khối lên đến 300kg là bí ẩn suốt hàng thế kỷ qua.

Kim tự tháp bậc thang xây cho Pharaoh Djoser - Ảnh: Getty Images

Kim tự tháp bậc thang xây cho Pharaoh Djoser - Ảnh: Getty Images

Theo giám đốc điều hành tổ chức tư nhân Paleotechnic Xavier Landreau: “Nhiều nghiên cứu đã xem xét quy trình xây dựng kim tự tháp và cung cấp bằng chứng hữu hình, hầu hết tập trung vào số kim tự tháp nhỏ có ghi chép đầy đủ, gần đây hơn (từ năm 1980 đến 1075 trước Công nguyên). Họ ghi nhận các phương pháp như ram dốc, cần cẩu, tời, thang nâng, trục quay, hoặc sử dụng kết hợp. Vậy kim tự tháp lớn hơn nhiều từ năm 2675 đến 2130 trước Công nguyên thì sao? Sức người cùng ram dốc có thể là lực lượng xây dựng duy nhất cho công trình nhỏ, còn công trình lớn cần kỹ thuật khác”.

Với phương pháp tiếp cận liên ngành, tiến sĩ Landreau cùng một số chuyên gia khác tìm hiểu kết cấu bên trong của kim tự tháp Djoser để vén màn bí ẩn. Họ nhận định một hệ thống xử lý nước phức tạp sử dụng nguồn cung tại chỗ có thể cho phép lắp đặt thang chạy bằng nước di chuyển dọc trục thẳng đứng bên trong. Một số phao sẽ nâng đá khối lên giữa kim tự tháp.

Sa mạc ở Ai Cập từng là thảo nguyên

Dựa trên dữ liệu cổ khí hậu và khảo cổ học có sẵn, nhóm chuyên gia cho rằng nước từ các dòng suối cổ đại chảy từ phía tây cao nguyên Saqqara vào hệ thống rãnh và đường ống sâu bao quanh kim tự tháp Djoser. Nước cũng chảy vào cấu trúc đá vôi hình chữ nhật khổng lồ kích thước 650 x 350 mét tên Gisr el-Mudir, đóng vai trò đập kiểm tra. Cấu trúc này kiểm soát và lưu trữ nước từ trận lũ lớn, cũng như lọc bớt trầm tích cùng bụi bẩn ngăn đường ống tắc nghẽn.

Nhóm chỉ ra đã có không ít nghiên cứu xác định sa mạc Sahara hàng nghìn năm trước từng nhận lượng mưa nhiều hơn hiện nay. Lúc đó cảnh quan nơi đây trông giống thảo nguyên.

Nước từ các dòng suối cổ đại chảy từ phía tây cao nguyên Saqqara vào hệ thống rãnh và đường ống sâu bao quanh kim tự tháp Djoser - Ảnh: Paleotechnic

Nước từ các dòng suối cổ đại chảy từ phía tây cao nguyên Saqqara vào hệ thống rãnh và đường ống sâu bao quanh kim tự tháp Djoser - Ảnh: Paleotechnic

Tiến sĩ khảo cổ học địa chất Judith Bunbury (Đại học Cambridge) tin rằng vào giai đoạn kim tự tháp Djoser được xây, lượng nước tại chỗ đủ để hệ thống nâng thủy lực mà nhóm chuyên gia đặt giả thuyết vận hành. Có bằng chứng máng xối nước mưa được xây dựng ở thời điểm đó, trong chế độ ăn của chim hàng nghìn năm trước có loài sống ở vùng ngập nước, chẳng hạn như ếch.

Giám đốc Viện khảo cổ thuộc Đại học Cardinal Stefan Wyszynski Fabian Welc thì lại chỉ ra giai đoạn xanh tươi của Sahara dường như kết thúc vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, nên lượng mưa ít không thể nào giúp hệ thống nâng thủy lực hoạt động.

Thừa nhận khả năng hệ thống nâng thủy lực luôn ngập nước không cao, nhóm chuyên gia lập luận có khả năng nguồn cung đến từ lũ lụt. Họ cần nghiên cứu thêm để biết chính xác lượng mưa lẫn tình hình lũ lụt thời điểm đó.

Kết cấu bí ẩn

Nhiều nghiên cứu trước đây chưa xác định được mục đích xây trục thẳng đứng bên trong kim tự tháp Djoser. Vài công trình sau này như kim tự tháp Giza có các trục dường như nhằm thông gió, chiếu sáng hoặc giảm áp lực cho buồng bên dưới. Nhưng kim tự tháp Djoser lại bắt đầu xây từ một ngôi mộ phẳng (mastaba) nên một số thành phần kết cấu vẫn còn là bí ẩn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-thuyet-moi-ve-cach-xay-dung-kim-tu-thap-222456.html