Giá tiêu hôm nay 23/8: Đồng loạt giảm, cao su SHFE tăng không quá 0,5%

Giá tiêu hôm nay (23/8) ghi nhận giảm với mức điều chỉnh từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg. Hiện tại, mức giá cao nhất được ghi nhận là 71.000 đồng/kg tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong phiên sáng nay, giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch SHFE ghi nhận tăng với biên độ hơn 0,1%.

Cập nhật giá tiêuGiá tiêu trong nước

Theo khảo sát, giá tiêu tại thị trường nội địa đang dao động trong khoảng 68.000 - 71.000 đồng/kg sau khi được điều chỉnh giảm đồng loạt.

Trong đó, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai lần lượt ghi nhận mức giá thu mua là 68.000 đồng/kg và 68.500 đồng/kg (ứng với mức giảm 1.000 đồng/kg và 500 đồng/kg).

Tại Đắk Lắk và Đắk Nông, hồ tiêu được thu mua với mức giá chung là 69.000 đồng/kg, cùng giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua.

Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đồng loạt giảm 500 đồng/kg, lần lượt đạt mức 70.000 đồng/kg và 71.000 đồng/kg.

Giá tiêu thế giới

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 22/8 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 21/8 như sau:

- Tiêu đen Lampung (Indonesia): ở mức 4.249 USD/tấn, không đổi

- Tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.950 USD/tấn, không đổi

- Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 4.900 USD/tấn, không đổi

- Tiêu trắng Muntok: ở mức 6.617 USD/tấn, không đổi

- Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi

Theo The Hindu Business Line, trong bối cảnh những lo ngại về việc thu hoạch vụ mùa bị trì hoãn do tình hình thời tiết mưa thất thường ở các vùng sản xuất chính của Karnataka và Kerala, thị trường hạt tiêu đen đã trở nên “nóng” hơn trong những tuần gần đây do hoạt động mua đầu cơ.

Theo đó, giá tiêu đã dao động quanh mức 480-500 rupee/kg trong một thời gian dài, hiện được điều chỉnh tăng lên mức 603 rupee/kg đối với loại chưa phân loại và 623 rupee/kg đối với loại đã phân loại tại thị trường cảng Kochi.

Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn thấp so với mức kỷ lục là 700 rupee/kg được ghi nhận trong năm 2016.

Việc thị trường tăng giá tiêu không được xem là có lợi cho người trồng trọt vì hầu hết nông dân đã bán hết sản phẩm của mình khiến nguồn cung hạn chế, trong khi một số người vẫn đang giữ hàng lại với dự đoán giá sẽ tăng thêm.

Bên cạnh đó, ông Kishore Shamji, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA), cho biết, hạt tiêu Ấn Độ được định giá cao hơn trên thị trường thế giới với mức 7.700 USD/tấn, trong khi hạt tiêu tại thị trường Sri Lanka có giá là 6.700 USD và Việt Nam là 3.700 USD.

Ông Kishore Shamji cho biết thêm, một tập đoàn đứng đằng sau việc tăng giá nghệ và thìa là, cũng đang đẩy giá tiêu lên cao.

Ảnh: Bình An

Ảnh: Bình An

Cập nhật giá cao su

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 8/2023 đạt mức 199,5 yen/kg, tăng 0,05% (tương đương 0,1 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h00 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2023 được điều chỉnh lên mức 11.965 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,17% (tương đương 20 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 8/2023 đến nay, giá thu mua tại các vùng nguyên liệu dao động trong khoảng 240-280 đồng/ TSC.

Cụ thể, giá mủ nước tại tỉnh Đắk Lắk dao động khoảng 240-245 đồng/TSC; giá mủ nước ở tỉnh Bình Phước ghi nhận ở mức 245-280 đồng/TSC; giá mủ nước tại Đắk Nông và Phú Yên dao động ở mức 265-266 đồng/TSC.

Theo ghi nhận, giá thu mua mủ nước tại các công ty cao su đầu tháng 8/2023 trong khoảng 264-270 đồng/TSC.

Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 250-270 đồng/TSC; Công ty Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 265-267 đồng/TSC, tăng 3 đồng/TSC so với cuối tháng trước; Công ty Cao su Đồng Phú giữ giá thu mua ở mức 270 đồng/TSC; Công ty Cao su Bình Long thu mua ở mức 259-269 đồng/TSC.

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Lào và Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm giúp ngành cao su của cả hai nước phát triển và đạt được các mục tiêu bền vững.

Theo MOU vừa ký kết, hai hiệp hội cao su sẽ chia sẻ các bài học về kinh nghiệm phát triển; hỗ trợ các công ty cao su Việt Nam hoạt động tại Lào sản xuất cao su trên cơ sở bền vững, hướng tới đạt được chứng nhận bền vững và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đã thống nhất để mỗi bên đều có lợi.

Hai bên cũng cho rằng Hiệp hội Cao su Lào cần tăng cường hỗ trợ và thu hút thêm nhiều công ty chế biến mủ cao su theo tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho Việt Nam và các nước khác.

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/gia-tieu-hom-nay-23-8-dong-loat-giam-cao-su-shfe-tang-khong-qua-0-5-161773.html