Giá tiêu hôm nay 26/12/2023, biến động trái chiều, hoạt động đầu cơ có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường
Giá tiêu hôm nay 26/12/2023 tại thị trường trong nước diễn biến trái chiều ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 79.000 – 83.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 26/12/2023 tại thị trường trong nước diễn biến trái chiều ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 79.000 – 83.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 79.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (79.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (82.000 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (79.000 đồng/kg) và Bình Phước (83.000 đồng/kg).
Như vậy, ở trong nước, thị trường khu vực Tây Nguyên tăng 500 - 1.000 đồng/kg, trong khi Đông Nam Bộ giảm ở Bà Rịa, tăng tại Bình Phước và Đồng Nai.
Giá tiêu trong nước tăng nóng trở lại và chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu năm 2022 do triển vọng vụ mùa 2024 không mấy khả quan và tồn kho ở mức thấp, trong khi nhu cầu từ các thị trường lớn tại châu Âu và Mỹ lại đang có dấu hiệu phục hồi. Tồn kho ở Việt Nam được cho là chủ yếu nằm trong tay giới kinh doanh và đầu cơ, hoạt động đầu cơ có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn cho tới khi vụ thu hoạch mới diễn ra.
Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 12, giá tiêu đen nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 12-14% (8.500 – 10.000 đồng/kg) so với cuối tháng trước lên 79.500 – 82.000 đồng/kg, mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 3/2022. Còn nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá tiêu đen trong nước đã tăng khoảng 20 – 22%.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nông dân đang chặt bỏ hồ tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác, nhiều nhất là sầu riêng. Nguyên nhân chính là do giá hồ tiêu xuống thấp suốt thời gian dài, bà con chán nản, giảm đầu tư chăm sóc vườn tiêu, khiến nhiều trụ tiêu bị bệnh, giảm năng suất khoảng 30% so với thời kỳ đỉnh cao.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm, năm 2020, diện tích đạt hơn 130.000 ha, năm 2023 còn 120.000 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Hiện lợi nhuận từ cây sầu riêng cao hơn 20 lần so với hồ tiêu. Do đó, dự báo hồ tiêu sẽ còn giảm diện tích do nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhận định, dưới tác động yếu tố dịch bệnh, chuyển đổi sang cây trồng khác, đặc biệt là cây sầu riêng, diện tích hồ tiêu có thể giảm mạnh.
Ghi nhận của báo Bà Rịa - Vũng Tàu, trong vòng 7 năm trở lại đây, khi giá hạt tiêu giảm mạnh liên tục, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh như huyện Châu Đức và Xuyên Mộc không còn mặn mà đầu tư, chăm sóc.
Năm 2016, diện tích tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên 13.000ha, vượt quy hoạch 5.000ha. Thế nhưng, khi giá tiêu lao dốc và có thời điểm xuống đáy khoảng 34.000 đồng/kg, các hộ dân lại chặt bỏ cây tiêu, chuyển sang cây trồng khác.
Tính đến hết năm 2022, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn 10.552ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 9.904ha, sản lượng 19.901 tấn. Như vậy, trong 5 năm qua (từ 2018 đến 2022) diện tích trồng tiêu đã giảm 2.570ha.