Giá tiêu hôm nay 30/3: Thế giới 'dừng hình', rất khó đoán định, cao nhất 75.000đ/kg, tìm giải pháp phát triển bền vững

Giá tiêu thế giới hôm nay không đổi so với một ngày trước đó, giao dịch ở 37.900 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.000 Rupee/tạ (cao nhất).

Giá tiêu hôm nay 30/3: Thế giới ‘dừng hình’, cao nhất 75.000đ/kg. (Nguồn: AdobeStock)

Giá tiêu hôm nay 30/3: Thế giới ‘dừng hình’, cao nhất 75.000đ/kg. (Nguồn: AdobeStock)

Cập nhật giá tiêu thế giới

Giá tiêu thế giới hôm nay không đổi so với một ngày trước đó. Ghi nhận lúc 0h15 ngày 30/3 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 37.900 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.000 Rupee/tạ (cao nhất).

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 25/3/2021 đến ngày 31/3/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 320,08 VND/INR. Tuần này giá tiêu Ấn Độ giảm nhẹ.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ, giao dịch ở mức từ 71.000 - 75.000 đồng/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 71.000đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (71.500đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (73.500đ/kg); Bình Phước (74.000đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.000 đ/kg.

Theo bài viết mới đây trên Báo Đồng Nai, những năm trước đây, giá trị của cây tiêu cao nên có thời điểm diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng lên 17-18 ngàn ha. 3 năm trở lại đây (trừ tháng 2-3/2021), giá tiêu liên tục ở mức dưới giá thành sản xuất, giá trị sản xuất của cây tiêu thấp hơn những cây trồng khác nên nông dân tự bỏ tiêu chuyển đổi sang cây trồng khác khiến diện tích hồ tiêu giảm hàng ngàn ha.

Được biết, hiện Đồng Nai có 12 ngàn ha hồ tiêu, thuộc nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh.

Nỗ lực vượt khó, HTX Lâm San, đơn vị đầu tư dự án Cánh đồng lớn cho cây tiêu ở xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) đã có nhiều giải pháp nhằm tăng giá trị cho hồ tiêu.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San chia sẻ, gần đây, HTX đầu tư hệ thống máy bóc tách vỏ và sấy tiêu mang lại giải pháp tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường mà quan trọng nhất là làm ra hạt tiêu sọ đạt chuẩn xuất khẩu đi châu Âu.

Chất bã từ quy trình sơ chế này cũng được tận dụng sử dụng trong chăn nuôi và cũng xuất khẩu tốt nên góp phần tăng giá trị cho hạt tiêu xuất khẩu.

“Để dự án cánh đồng lớn thật sự phát huy hiệu quả và cây tiêu phát triển bền vững, nông dân trồng tiêu và HTX rất mong được tiếp cận nhanh nhất các chính sách hỗ trợ dành cho dự án cánh đồng lớn” - ông Luân kiến nghị.

Về giải pháp phát triển bền vững cho cây hồ tiêu, ông Huỳnh Tấn Thìn, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, chủ trương của huyện là tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ dự án cánh đồng lớn cho cây tiêu do HTX Lâm San triển khai như: hỗ trợ về bảo vệ thực vật, hỗ trợ về vật tư hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, hỗ trợ phân tích mẫu đất, nước…

Kết quả, thời gian qua, tổng kinh phí địa phương hỗ trợ cho dự án cánh đồng lớn sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu cho HTX Lâm San là khoảng 17,3 tỷ đồng. Trong quý II/2021, huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hỗ trợ nguồn kinh phí còn lại cho nông dân theo kế hoạch trong dự án.

Trong việc đầu tư chế biến, xã, huyện đã có quy hoạch hỗ trợ HTX đầu tư khu kho bãi, sơ chế, chế biến.

Ngoài ra, huyện cũng mong được tỉnh và các chuyên gia hỗ trợ tìm thêm giải pháp trồng xen canh cây gì vào vườn tiêu để tăng hiệu quả đất canh tác.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tieu-hom-nay-303-the-gioi-dung-hinh-rat-kho-doan-dinh-cao-nhat-75000dkg-tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-140667.html