Gia tộc Rothschild bước lên 'con thuyền' quyền lực thế nào?

Ngày 21 tháng 9 năm 1769, Mayer đã gắn huy hiệu hoàng gia lên tấm bảng hiệu của mình, bên cạnh viết một dòng chữ vàng: 'M.A. Rothschild, người đại diện do Vua William chỉ định'.

Ngày 23 tháng 2 năm 1744, Mayer Amschel Rothschild cất tiếng khóc chào đời trong một khu tập trung Do Thái ở Frankfurt. Moses - cha của Mayer - là một thợ bạc chuyên cho vay lãi lưu động sinh sống và làm việc ở vùng Đông Âu. Sau khi Mayer ra đời, Moses quyết định định cư tại Frankfurt.

Ngay từ nhỏ, Mayer đã thể hiện tài trí bẩm sinh đáng kinh ngạc về kinh doanh. Cha của Mayer dồn rất nhiều tâm huyết để đầu tư cho con trai, dốc lòng giảng giải cho Mayer một cách hệ thống những kiến thức kinh doanh liên quan đến tiền tệ và cho vay. Mấy năm sau, Moses qua đời. Lúc này, Mayer mới 13 tuổi, nhưng với sự khích lệ của những người thân thích trong gia đình, ông quyết định theo nghề tài chính và làm việc trong ngân hàng của dòng họ Heimer gốc Âu ở Hannover.

Với sự nhạy bén và tính cần cù phấn đấu hơn người, Mayer nhanh chóng nắm bắt được các kỹ năng chuyên môn ngành ngân hàng. Trong suốt 7 năm ròng rã, Mayer giống như một miếng bọt biển hấp thu và tiêu hóa những kỳ mưu diệu kế ngành tài chính lưu truyền từ Anh sang.

Nhờ khả năng làm việc xuất sắc của mình, ông được đề bạt trở thành cổ đông sơ cấp. Trong những ngày tháng làm việc ở ngân hàng, ông làm quen được một số khách hàng rất có ảnh hưởng, bao gồm cả tướng Stauffer - người có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển sau này của ông.

Chính ở đây, Mayer đã nhận ra lợi nhuận và hệ số an toàn khi cho Chính phủ và Quốc vương vay tiền ở mức cao hơn rất nhiều so với việc cho vay cá nhân. Bởi vì đây không chỉ là khách hàng lớn mà còn được đảm bảo bởi khoản thuế của Chính phủ. Những khái niệm tài chính hoàn toàn mới mẻ đến từ nước Anh này khiến cho đầu óc của Mayer bừng sáng hẳn lên.

 Tranh mô tả chuyến thăm của Hoàng gia tới gia đình Rothschild. Ảnh: GetArchive.

Tranh mô tả chuyến thăm của Hoàng gia tới gia đình Rothschild. Ảnh: GetArchive.

Mấy năm sau, khi đã trở thành một chàng thanh niên khỏe mạnh, Mayer trở về Frankfurt tiếp tục công việc làm ăn là cho vay lãi của cha mình, mở ra một chân trời mới cho dòng họ Rothschild (Roth trong tiếng Đức có nghĩa là màu đỏ, Schild có nghĩa là dấu mốc). Khi biết tướng Stauffer cũng trở về Frankfurt và đang làm việc trong cung Vua William, Mayer nghĩ ngay đến việc phải lợi dụng tốt mối quan hệ này.

Tướng Stauffer tỏ ra rất vui khi gặp lại Mayer. Bản thân tướng Stauffer là một nhà sưu tập tiền có tiếng, còn việc nghiên cứu lĩnh vực tiền tệ của Mayer cũng đã có mấy đời gia truyền, cho nên, mỗi lần đàm đạo đến các loại tiền cổ, sự thành thạo của chàng trai trẻ này khiến cho vị tướng rất hài lòng. Tướng Stauffer càng vui hơn khi Mayer tự nguyện bán cho ngài những đồng tiền hiếm với chiết khấu rất cao, vì thế mà ông xem Mayer như tri kỷ.

Sự khéo léo này giúp cho Mayer nhanh chóng thân quen với rất nhiều nhân vật có máu mặt trong hoàng cung. Một hôm, thông qua giới thiệu của tướng Stauffer, Mayer được diện kiến Vua William, và ông nhận ra rằng vị vua này cũng là một nhà sưu tầm tiền cổ; vậy là Mayer lại dùng cách tương tự để lấy lòng William.

Sau nhiều lần được Mayer bán cho những đồng tiền quý với giá rẻ, Vua William tỏ ra áy náy trong lòng, bèn hỏi xem Mayer có muốn giúp gì không. Chớp lấy thời cơ, Mayer đề xuất muốn trở thành người đại diện chính thức của hoàng cung, và ngay tức khắc, vua William đồng ý. Ngày 21 tháng 9 năm 1769, Mayer đã gắn huy hiệu hoàng gia lên tấm bảng hiệu của mình, bên cạnh viết một dòng chữ vàng: “M.A. Rothschild, người đại diện do Vua William chỉ định.” Một thời gian sau, danh tiếng của Mayer nổi như cồn, công việc làm ăn cũng theo đó mà ngày càng phát đạt.

Trong lịch sử, bản thân Thái tử William - người ham tiền hơn mạng sống, nổi tiếng là người cung cấp “quân đội đánh thuê” cho quốc gia khác để “gìn giữ hòa bình.” Ông có mối quan hệ mật thiết với các hoàng thất ở nhiều quốc gia châu Âu, và đặc biệt rất thích làm ăn với hoàng gia Anh quốc. Do có nhiều nguồn lợi hải ngoại nên nước Anh thường xuyên phải dùng đến quân đội để duy trì và bảo vệ lợi ích của mình, nhưng số lượng binh lính lại không đủ trong khi lượng tiền mà nước Anh xuất ra tương đối nhiều và rất ít khi khất nợ; vì lẽ đó, quốc gia này rất hợp rơ với Thái tử William.

Về sau, khi cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ nổ ra, số lượng quân Đức mà Washington phải đối phó còn nhiều hơn cả số quân Anh quốc. Nhờ đó, Thái tử William tích lũy được khối tài sản lớn nhất trong các hoàng thất châu Âu, ước khoảng 200 triệu đô-la Mỹ. Cũng vì thế mà người đời gọi ông là “con cá mập cho vay máu lạnh nhất châu Âu.”

Sau khi trở thành một thành viên dưới trướng của Thái tử William, Mayer tận tâm tận lực xử lý tốt tất cả mọi việc, vì vậy rất được William tin tưởng. Không lâu sau cuộc đại cách mạng tư sản Pháp bùng nổ (1789 - 1799), làn sóng cách mạng dần lan rộng sang các nước lân cận theo chế độ quân chủ. Thái tử William bắt đầu nhấp nhổm không yên và lo rằng khi cuộc cách mạng lan dần đến Đức, các phần tử phản loạn sẽ cướp sạch tài sản của ông.

Ngược lại với cách nghĩ của Thái tử, Mayer lại hết sức vui mừng với cuộc cách mạng Pháp, bởi vì cuộc khủng hoảng sẽ khiến cho lượng tiền bạc của ông tăng lên. Khi ngọn lửa cách mạng lan đến thành La Mã cổ kính, cắt đứt đường trung chuyển thương mại của Anh, giá hàng hóa nhập khẩu tăng vọt. Công việc vận chuyển hàng hóa từ Anh sang Đức giúp cho Mayer kiếm được bội tiền.

Mayer luôn là nhân vật hết sức tích cực trong khu tập trung Do Thái. “Mỗi tối thứ sáu hàng tuần, sau khi kết thúc đợt hành lễ ở giáo đường của người Do Thái, Mayer luôn mời một số học giả Do Thái uyên bác nhất đến nhà mình tụ họp. Họ cùng nhau nhấm nháp rượu vang và thảo luận công việc một cách chi tiết tuần tự hoặc làm một số việc mãi cho đến khuya mới thôi.”

Mayer có câu nói nổi tiếng: “Gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ kết dính lại với nhau” (người Do Thái thường cầu nguyện cùng nhau và xem đó như là sự biểu hiện của tình đoàn kết - ND). Người đời sau không thể hiểu được sức mạnh nào có thể khiến cho những người trong dòng họ Rothschild lại quyết tâm theo đuổi quyền lực đến vậy.

Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-toc-rothschild-buoc-len-con-thuyen-quyen-luc-the-nao-post1544818.html