Gia tộc Shinawatra trở lại tâm điểm sau cuộc bầu cử Thái Lan

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 14/5 đang trở thành sự kiện nóng nhất tại Thái Lan khi các đảng đối lập gồm Move Forward và Pheu Thai giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện, đưa cái tên Pheu Thai và gia tộc Shinawatra trở lại tâm điểm chính trường.

Bà Paetongtarn Shinawatra, ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan của đảng Pheu Thai. Ảnh: Reuters

Bà Paetongtarn Shinawatra, ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan của đảng Pheu Thai. Ảnh: Reuters

Bangkok Post đưa tin, 12h ngày 15/5, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Thái Lan (EC) thông báo kết thúc việc kiểm phiếu và xác nhận đảng Tiến lên giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5.

Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho biết, Đảng Tiến lên của ông Pita Limjaroenrat giành được 151 ghế trong Hạ viện, cao nhất trong các đảng. Xếp thứ 2 là đảng Pheu Thai - với ứng viên nổi bật là bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - giành được 141 ghế.

Phát biểu sau khi có kết quả chính thức, ông Pita Limjaroenrat cho biết đã nói chuyện với các đảng bao gồm Pheu Thai, Palang Pracharat, Thai Sang Thai và đảng Tự do Thái Lan về việc liên minh để thành lập chính phủ. Vị trí của Thủ tướng được chọn trong những tháng sau cuộc bầu cử, thông qua một cuộc bỏ phiếu tổng hợp của 500 hạ nghị sĩ được bầu và 250 thành viên của thượng viện do quân đội chỉ định.

Cuộc đấu này được dự đoán sẽ diễn ra vô cùng gay gắt trong thời gian tới. Nguyên nhân là do Thủ tướng Thái Lan tương lai phải nhận được sự chấp thuận của hơn một nửa trong tổng số 750 nghị sĩ Quốc hội (gồm Thượng viện và Hạ viện). Do vậy, một đảng chính trị cần thu được ít nhất 376 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu chung từ cả hai viện, hoặc chỉ từ 500 phiếu bầu của Hạ viện, để ứng viên của đảng đó trở thành thủ tướng và thành lập chính phủ.

Là một ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Thủ tướng Thái Lan, sự xuất hiện của bà Paetongtarn Shinawatra được coi như đánh dấu sự trở lại chính trường của gia tộc Shinawatra. Với các chính sách dân túy bao gồm tăng mức lương tối thiểu 70% vào cuối nhiệm kỳ 4 năm và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên mức trung bình 5% hàng năm, đảng Pheu Thai đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ tầng lớp lao động ở nông thôn và thành thị.

Những thành tựu trước đây của hai cựu thủ tướng Thái Lan là các thành viên trong gia tộc Shinawatra bao gồm ông Thaksin và em gái là bà Yingluck cũng góp phần tạo ra sức hút lớn trong cuộc bầu cử và giúp đỡ đảng Pheu Thai giành được sự ủng hộ của cử tri.

Bà Paetongtarn Shinawatra cùng cha mình là cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ảnh: Paetongtarn Shinawatra

Bà Paetongtarn Shinawatra cùng cha mình là cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ảnh: Paetongtarn Shinawatra

Xuất thân của bà Paetongtarn và gia tộc Shinawatra

Ông Chiang Sae Khu – ông nội của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – phất lên nhờ nghề buôn bán tơ lụa. Sau khi chuyển tới Chiang Mai, đổi sang họ Shinawatra và tăng cường liên kết với các thương gia địa phương khác, công việc kinh doanh của gia tộc được mở rộng sang các ngành nghề vận tải và bán lẻ.

Vào thời điểm ông Thaksin được sinh ra năm 1949, công việc kinh doanh của gia tộc Shinawatra đã rất phát triển sau khi lấn sân sang các lĩnh vực khác như viễn thông và bất động sản.

Tuy nhiên, ngoài phát triển đế chế kinh doanh, nhà Shinawatra còn mở rộng ảnh hưởng với việc tham gia vào chính trường. Bắt đầu từ đời cha, chú của ông Thaksin, các thành viên của gia tộc đều nỗ lực gia nhập quân đội.

Trong khi cha của ông Thaksin từng trở thành nghị sĩ Quốc hội, các thành viên trong gia đình đều từng giữ những chức vụ cao trong chính phủ như tư lệnh bộ binh, tổng tham mưu trưởng quân đội hay sĩ quan cảnh sát hoàng gia hoặc giữ chức bộ trưởng. Sự nghiệp chính trị nổi bật nhất của gia tộc này thuộc về con trai trưởng là ông Thaksin và con gái út là bà Yingluck.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của gia tộc này luôn có kết cục không tốt đẹp. Ông Thaksin Shinawatra từng giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 nhưng bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2006. Tới năm 2011, bà Yingluck Shinawatra trúng cử trở thành Thủ tướng Thái Lan nhưng tiếp tục bị quân đội đảo chính và lật đổ vào năm 2014.

Các chính phủ được 2 người này lập ra sau các cuộc bầu cử này cũng đều đối mặt với việc bị đảo chính, hoặc bị đưa ra tòa xét xử. Ông Thaksin và bà Yingluck đang sống lưu vong ở nước ngoài để né tránh cáo buộc tham nhũng.

Do đó, việc bà Paetongtarn Shinawatra – con gái út của ông Thaksin – đứng ra tranh cử được coi như một dấu hiệu thể hiện cho việc gia tộc Shinawatra chưa hết hy vọng với chính trị.

Bà Paetongtarn sinh ra ở Mỹ ngày 21/8/1986 và có biệt danh là “Ung-ing”. Bà tốt nghiệp Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn (CU) và sau đó theo học ngành quản lý khách sạn quốc tế tại Đại học Surrey ở Anh. Về đời tư, bà kết hôn với phi công hãng hàng không thương mại Pidok Sooksawas và có 2 người con bao gồm một trai và một gái. Con trai út của bà mang tên Prutthasin Sooksawas mới vừa được sinh ra ngày 1/5 – chỉ 2 tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Là người thừa kế, bà Paetongtarn có giá trị tài sản ước tính đạt 4,3 tỷ baht (khoảng 127 triệu USD) nhờ tư cách cổ đông lớn nhất của nhà phát triển bất động sản SC Asset Corporation.

Dù nhận được nhiều sự ủng hộ, bà Paetongtarn cũng vấp phải sự phản đối lớn khi nhiều người cho rằng bà không đủ kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị để điều hành đất nước. Nhận định về việc này, hãng tin ABC dẫn lời giáo sư khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn ngày 8/4 cho biết bà Paetongtarn "đã gắn bó với chính trị cả đời mình”.

Ông chia sẻ: “Khi ông Thaksin còn là thủ tướng, bà Paetongtarn thường đi theo cha mình”. Tới lúc cha mình bị lật đổ năm 2006 trong một cuộc đảo chính quân đội, bà vẫn đang là sinh viên tại khoa khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn và "phải tới trường mỗi ngày cùng vệ sĩ" do tình hình tại Bangkok lúc đó rất căng thằng.

Do đó, ông nhận định bà Paetongtarn “có bản năng chính trị cũng như tham vọng của cha mình và đặc biệt là bà thu hút được nhiều người nhờ kết nối được với họ”. Dù kết quả thế nào, ông cho biết cuộc bầu cử này được coi như quan trọng nhất tại Thái Lan và nó sẽ quyết định hướng đi của đất nước sau hơn 2 thập kỷ giữa phe Thaksin và phe bảo thủ thân quân đội.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-toc-shinawatra-tro-lai-tam-diem-sau-cuoc-bau-cu-thai-lan-post21670.html