Giá trị bữa cơm gia đình
Trong cuộc trao đổi với Đồng Nai cuối tuần về tình cảm gia đình trong thời đại hôm nay, nhà báo Tuấn Đức cho rằng 'gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc'.
Tác giả tập sách Gửi bố mẹ thân yêu nhận định: “Do sự phát triển của xã hội, thời đại ngày nay con người có rất nhiều mối quan tâm, bận tâm khác nhau. Có những lúc chúng ta quá mải mê bận rộn với cuộc sống mà quên mất bố mẹ từng có những bận rộn vì chúng ta - từ những thứ nhỏ nhất như miếng ăn, áo mặc.
Dù vậy, với cá nhân tôi thì gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần tuyệt đối an toàn và vững chắc nhất. Đặc biệt là mỗi khi tôi cảm thấy bất an, buồn bã hay chán nản vì nhiều lý do trong cuộc sống, công việc. Giá trị của gia đình nằm ở chỗ đôi khi chỉ cần các con trở về với cha mẹ cùng ăn một bữa cơm gia đình, tâm sự cùng cha mẹ là chúng ta đã có thể lấy lại được thăng bằng, bình tĩnh suy nghĩ và bình tĩnh sống tiếp”.
* Làm thế nào để gìn giữ được những giá trị gia đình thiêng liêng khi những người con rồi sẽ trưởng thành, “đủ lông đủ cánh” bay cao, bay xa không còn bên cha mẹ?
- Để gìn giữ những giá trị ấy thì cách dễ nhất đó là chúng ta dành nhiều thời gian cho cha mẹ, những người luôn quan tâm đến chúng ta.
* Thói quen ghi chép lại những gì diễn ra trong gia đình cùng những cảm nhận riêng dạng nhật ký từ các bậc phụ huynh hay con em họ sẽ mang đến những điều tích cực gì, theo anh?
- Tôi nghĩ việc ghi chép là rất tốt, viết lách hằng ngày lại càng tốt. Tôi nhớ lúc còn nhỏ từng đọc một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Tuân. Cụ dạy “muốn viết văn hay thì phải viết hằng ngày, ngày nào cũng viết”.
Việc ghi chép, viết “nhật ký hằng ngày” vừa để lưu giữ những sự kiện hằng ngày, vừa là một cách để mình giải tỏa cảm xúc, để đối diện với chính mình và những suy nghĩ của bản thân. Tôi nghĩ khi viết chính là lúc mình được sống thật nhất. Tôi rất khuyến khích mọi người viết ra suy nghĩ của mình hằng ngày theo dạng free-writing, nghĩ gì viết nấy, không cần phải chỉnh sửa quá nhiều. Đây là liệu pháp tâm lý rất tuyệt vời, theo trải nghiệm cá nhân tôi.
Duy trì việc viết rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần 10 phút mỗi ngày, một quyển sổ, một cây bút. Viết bằng tay sẽ thú vị hơn gõ máy tính.
* Những thay đổi theo thời gian, tuổi tác, nơi ở, hoàn cảnh sống... từ cả cha mẹ lẫn con em họ sẽ dẫn tới những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn giữa hai thế hệ. Làm thế nào để dung hòa những khác biệt này?
- Tôi nghĩ mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết nếu cha mẹ và các con bình tĩnh ngồi xuống đối thoại và lắng nghe nhau. Vì hơn ai hết cha mẹ là những người yêu thương con nhất. Và con càng lớn sẽ càng hiểu và cảm thông cho cha mẹ nhiều hơn.
Việc mâu thuẫn giữa các thế hệ trong nhà là điều không thể tránh khỏi và vẫn diễn ra hằng ngày. Quan trọng không phải ở chỗ quyết định cha mẹ đúng hay các con đúng, mà làm sao để cảm xúc của mọi người trong gia đình đều vui vẻ, thoải mái.
* Cảm ơn Tuấn Đức và chúc anh luôn vui vẻ.
C.Điệp (thực hiện)