Giá trị của... bị ở nhà

Bắt buộc phải ngồi im một chỗ trong thời gian dài, trong khi nhiều người căng thẳng đến stress thì một số người lại tạo ra rất nhiều thứ khiến dân mạng thích đến mức 'không thể không chia sẻ'.

Kỷ lục của một nhà thiết kế

Bị kẹt ở quê (Vĩnh Long) suốt bốn tháng vì giãn cách, nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Minh Công đã tự vượt qua quãng thời gian nhàm chán này bằng cách rủ cả nhà cùng “chơi trò thiết kế trang phục dạ hội”. Chỉ có một khác biệt nhỏ, thay vì dùng nguyên liệu bằng vải, tất cả váy trong bộ sưu tập này đều được làm từ các loại bánh đặc sản của miền Tây Nam bộ.

NTK trẻ cho biết: “Dùng ẩm thực để kể câu chuyện thời trang là cách tôi vô tình nghĩ ra trong lúc nấu ăn. Thật ra, cũng là vì quá nhớ nghề, và muốn thách thức cái đầu suốt 4 tháng giãn cách gần như không hoạt động gì”.

Để hiện thực hóa ý tưởng khó chơi này, Minh Công nhờ bố mẹ giúp sức. Suốt một tuần liền, gia đình ba người không ra khỏi cửa, chỉ loanh quanh trong bếp thử nghiệm, chế biến, thiết kế và chụp ảnh.

Những chiếc váy của Minh Công nếu nhìn từ xa không ai nhận ra nó được làm từ đồ ăn vì sự mềm mại, tự nhiên. Những nếp gấp, đường cong tinh tế khiến người ta chỉ có thể nghĩ đến lụa, gấm, satin... hoặc những chất liệu tương tự. Nhìn gần, mới biết, hóa ra váy dạ hội hoàn toàn được làm từ: Bánh xèo, Bánh lá mít, Bánh tầm khoai mì, Bánh khọt, Bánh lọt, Bánh bèo, Bánh ướt ngọt, Bánh da lợn và cả Sương sa hột lựu...

Bộ sưu tập gồm 20 mẫu được Nguyễn Minh Công đặt tên là “Fashion - Food” hay hoa mỹ hơn, anh gọi nó là “Những vệt màu loang của thời gian”.

“Ai đó thoáng thấy những mẫu thiết kế này sẽ như được đánh thức một phần kí ức tuổi thơ ngọt ngào mà đâu đó vì cuộc sống hiện đại mà nó dần phai nhạt.

NTK Nguyễn Minh Công bên tác phẩm của mình

NTK Nguyễn Minh Công bên tác phẩm của mình

Vệt màu của tuổi thơ tôi là những mảng màu rực rỡ sắc vàng ươm giòn rụm của bánh xèo, rồi đâu đó là xanh lá dứa thơm nức mũi của nồi bánh đúc nước đường béo ngậy hay sắc tím mộng mơ dẻo quẹo của miếng xôi nếp cẩm và là màu trắng thanh khiết từ bột gạo xay đem hấp trên lá mít... Nhưng giờ đây, nó dần loang mờ vì sự hiện đại của cuộc sống. Tôi sợ rằng những hồi ức này nếu không được kể đi kể lại thì sau này tôi và bạn cũng chẳng thể biết bánh lá là gì? Bột gạo được xay cối đá ra sao”, NTK trẻ nói về ý tưởng của mình.

Anh Lương Ngọc Đức sáng lập dự án viết lại cái kết cho truyện cổ tích

Anh Lương Ngọc Đức sáng lập dự án viết lại cái kết cho truyện cổ tích

BST độc đáo này sau đó được Minh Công đưa lên mạng và tạo ra hiệu ứng lan tỏa “không thể tưởng tượng được” (như lời chính chủ). Sự yêu thích của cộng đồng chính là động lực để Minh Công phát triển ý tưởng dùng thời trang quảng bá ẩm thực Tây Nam bộ ở mức độ chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Cũng nhờ hiệu ứng lan tỏa của bộ sưu tập, cuối tháng 11, bộ sưu tập “Fashion - Food” của Nguyễn Minh Công đã được trao bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam.

Viết lại cái kết cho truyện cổ tích

Bị ám ảnh bởi cái kết mang màu sắc bạo lực, thù hận và đầy định kiến của một số câu chuyện cổ, có thể kể như: Tấm Cám; Trí khôn ta đây; Sơn Tinh Thủy Tinh... một nhóm các bạn trẻ đã cùng nhau lập ra dự án viết lại cái kết cho truyện cổ đúng trong mùa giãn cách. Cộng đồng đọc hiện đang nhiệt liệt ủng hộ và chờ mong ngày cuốn sách “viết lại” này ra mắt.

“Chúng ta thường bắt gặp rất nhiều định kiến trong các câu chuyện cổ tích, ví dụ như muốn có hạnh phúc thì phải trở thành công chúa, hoàng tử, phò mã, nhà vua. Người nghèo luôn tốt còn người giàu xấu xa. Người tốt chỉ cần ngồi khóc sẽ được được Bụt thương, còn người trót xấu sẽ bị trừng phạt tới mức không bao giờ có cơ hội được sửa sai”, anh Lương Ngọc Đức - người sáng lập dự án chia sẻ lý do muốn “lật lại hồ sơ truyện cổ tích”.

Anh Hà Tuấn Linh là tác giả của “Căn phòng đầy sách”

Anh Hà Tuấn Linh là tác giả của “Căn phòng đầy sách”

Anh Đức cũng là người vài năm trước rất nổi tiếng trong cộng đồng sống xanh với ý tưởng vận động người lớn nên thay bao lì xì hàng năm cho trẻ con bằng lì xì bom. Nghĩa là, với mỗi một bao lì xì, lũ trẻ sẽ không nhận được tiền bên trong, mà chỉ có hạt giống đã được xử lý. Hạt giống có nhiều loại, trong đó cồng kềnh nhất là loại bom: thực chất là một viên đất tròn to bằng quả quất (hoặc hơn), bên trong chứa hạt giống các loại. Những người thích trồng cây sẽ mang theo bom này trên các chặng đường di chuyển của mình. Thường họ sẽ ném nó vào rừng hoặc đồi trọc, hoặc những mảnh đất hoang. Chỉ cần có mưa, hạt giống sẽ nẩy mầm. Đây được xem là cách trồng cây nhanh và tiện lợi nhất hiện nay, phù hợp với nhiều người, kể cả trẻ em. Dự án này thu được thành công rực rỡ, được mở rộng ở 20 tỉnh thành. Đến nay các thuật ngữ bom hạt giống, lì xì bom... đã trở nên thông dụng với nhiều người trẻ.

Trở lại chuyện viết lại cổ tích, anh Đức cho biết để đặt bút viết lại, nhóm đã phải tham khảo, tổng hợp từ nhiều yếu tố như lịch sử, văn học, trí tưởng tượng... Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được xuất bản dưới dạng truyện tranh.

“Qua những câu chuyện, tôi mong mọi người có được góc nhìn khác với những gì họ từng biết. Sự tự do trước hết phải bắt nguồn từ tâm trí của mỗi người. Khi được giải thoát khỏi chính những định kiến mà chúng ta vẫn luôn tin tưởng, mỗi người sẽ có thêm nhiều suy nghĩ và lựa chọn hơn trong cuộc sống”, anh nhấn mạnh.

Hiện nay, trên một số diễn đàn đọc, nhiều người cũng hào hứng tổ chức các cuộc thi nhỏ để viết lại những câu chuyện (không chỉ cổ tích) được cho là “chưa ổn, chưa hay”. Những người tổ chức các cuộc vui này đều nói rằng, họ được truyền cảm hứng từ nhóm “viết lại” do Lương Ngọc Đức khởi xướng.

Căn phòng đầy sách

Vẫn là chuyện của những người đọc, khoảng một năm trở lại đây, bài toán tặng sách của các mọt sách đã được giải quyết khá gọn gàng, có ích, và người giúp điều tiết những cuốn sách ấy là một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, tên là Hà Tuấn Linh.

Mẫu váy làm từ bánh của NTK Nguyễn Minh Công

Mẫu váy làm từ bánh của NTK Nguyễn Minh Công

Theo đó, Hà Tuấn Linh lập ra một trang chuyên cho, tặng sách có tên là “Căn phòng đầy sách”: những người thừa sẽ mang sách đến tặng, người thiếu đến xin (mượn), nhiều sách nữa thì tặng các thư viện địa phương, thư viện tư nhân, các trường học ở miền núi. Để làm việc này, Tuấn Linh đã dùng chính căn phòng của mình ở phố Đào Tấn để làm kho trung chuyển sách. Hiện, sau hơn một năm hoạt động, dự án đã thu hút một số cộng tác viên thường xuyên hỗ trợ việc phân loại, đóng gói, trao, nhận... sách.

“Chúng tôi mong muốn lan tỏa rộng rãi câu chuyện đọc sách, giá trị của sách cho giới trẻ, lan tỏa sứ mệnh bảo vệ môi trường, không lãng phí tài nguyên sách. Điều chúng tôi mong mỏi là ngày càng có nhiều nơi biết đến dự án của mình. Tôi không muốn những cuốn sách bị bỏ đi” - Tuấn Linh bày tỏ.

Anh Lê Hà, một biên tập viên cho biết: “Nói thật là như trút được gánh nặng ấy, từ khi tôi biết “Căn phòng đầy sách”. Nhà nhiều sách, vì nhiều lý do mà mọi người cho, biếu, tặng liên tục cho nên cứ khoảng nửa năm tôi lại phải thanh lý một lần. Bán đồng nát rất phí nhưng đăng tặng sách lắt nhắt trên facebook thì mất thời gian. Bây giờ có người quản hộ việc này tôi thấy rất hay. Từ đó, mỗi cuốn sách có thể sống thêm một (hoặc một vài vòng đời), giúp giải tỏa áp lực cất trữ cho người thừa, và tặng đúng cho người thiếu”.

“Mong mãi thì cũng có mô hình thừa thì cho thiếu thì lấy dành cho sách. Tôi là sinh viên không có nhiều kinh phí để mua sách nên mô hình sáng tạo này rất có ích đối với tôi. Hy vọng tương lai những “căn phòng sách” như thế này được mở rộng hơn, thậm chí được đặt ở nơi công cộng (như những tủ quần áo từ thiện) thì tốt quá. Như vậy những người không giỏi mạng xã hội, người già, trẻ em... cũng có thể có sách miễn phí để đọc”, bạn đọc Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Trong đợt dịch COVID-19, ngoài sách cũ, “Căn phòng đầy sách” còn nhận máy tính, laptop cũ để tặng cho người cần. Rất nhiều máy tính, laptop cũ được chỉnh trang lại đã được anh Tuấn Linh chuyển đến những học sinh nghèo để học online.

Sáng kiến về “Căn phòng đầy sách” của Tuấn Linh hiện được cộng đồng đọc bình chọn là “một sự kiện đáng kể của năm Covid thứ hai”.

HẠ ĐAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-tri-cua-bi-o-nha-post1406121.tpo