Giá trị của ngôi sao

Sau thành công tại SEA Games 32, ngành thể dục thể thao Việt Nam đang ngồi lại để 'tính chuyện tương lai' sau khi chúng ta đã hoàn thành xong giai đoạn thứ 2 của chiến lược phát triển kể từ sau ngày thống nhất đất nước.

Từ chỗ hòa nhập, hội nhập những năm 1990, giờ đây thể thao Việt Nam cũng khẳng định được vị thế của một quốc gia đứng đầu khu vực, để có thể chuyển sang một giai đoạn đầy thách thức, là chuyển mình trở thành một “cường quốc thể thao châu lục”.

Dù biết mục tiêu có những khó khăn khác biệt hoàn toàn với những sân chơi khu vực như SEA Games, nhưng thẳng thắn mà nói, thể thao không có chọn lựa nào khác là phải tiến lên. Nền thể thao của chúng ta nhận được sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước, dân số đông, xã hội ưa chuộng thể thao và về khía cạnh thành tích cũng từng có những kết quả ở tầm Olympic, thế giới.

Đã đến lúc, ngành thể thao phải tính đến việc tận dụng mọi nguồn lực để tạo được những bước tiến chất lượng. Và, một trong những nguồn lực đó chính là từ vận động viên (VĐV). Ảnh hưởng từ những VĐV nổi bật như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Trần Thị Thanh Thúy (bóng chuyền), Huỳnh Như (bóng đá nữ), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) hay trước kia là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Lê Quang Liêm (cờ vua), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)… không chỉ giúp ngành thể thao tạo dựng hình ảnh, tên tuổi ở đấu trường quốc tế, mà còn góp phần quảng bá giá trị cũng như văn hóa của con người Việt Nam ra quốc tế, trong mỗi lần họ đi thi đấu và giành thành tích cao, hay trong mỗi chuyến xuất ngoại thi đấu theo dạng VĐV được chuyển nhượng từ các câu lạc bộ ở Việt Nam.

Vấn đề là chúng ta chưa đánh giá được hết tiềm năng của “nguồn lực tại chỗ” này. Một VĐV tài năng luôn là một câu chuyện truyền cảm hứng có giá trị. Cuộc đời, sự nghiệp của họ đều là một phần mang năng lượng tích cực của cuộc sống trong xã hội. Họ không chỉ là đại diện của vinh quang, của chiến thắng mà còn là bài học của sự hy sinh và tinh thần sức khỏe rất dễ lan tỏa cho giới trẻ, trong đó có cả niềm tự hào, lòng yêu nước. Một học viện cầu lông mang tên Tiến Minh, một trung tâm đào tạo bơi lội mang tên Ánh Viên, không chỉ đem đến cho những không gian sống khỏe mạnh mà còn là minh chứng cho những điều tốt đẹp mà thể thao đem lại cho các VĐV, qua đó khuyến khích ngày càng nhiều người tìm đến và tập luyện thể dục thể thao.

Có thể nhận thấy, ngành thể thao chưa làm được việc xây dựng các giá trị ngôi sao cho VĐV, một phần do yếu tố khách quan khi tính “nhà nghề” chưa có, thiếu hẳn những đơn vị chuyên nghiệp để khai thác giá trị thương hiệu của VĐV. Nhưng rõ ràng, với yêu cầu nâng tầm đẳng cấp cho nền thể thao, thì yếu tố “ngôi sao” cần phải được tính đến và có những kế hoạch bài bản để thu hút đầu tư. Thực tế cho thấy, sau mỗi sự kiện thể thao thành công, những khoản tiền thưởng đều rất lớn và rất nhiều khoản hoàn toàn mang tính chất ủng hộ, phi lợi nhuận.

Đó cũng là một phần của “giá trị ngôi sao” khi huy động sự đóng góp của xã hội. Những khoản ủng hộ này càng lớn, sẽ giúp ngân sách nhà nước giảm bớt áp lực để dành nhiều hơn cho công tác huấn luyện, du đấu. Nói cách khác, nếu những giá trị của VĐV được khai thác đúng mức thì cá nhân VĐV, môn thể thao mà họ chơi, cũng sẽ nhận được sự quan tâm của xã hội và từ đó, hình thành được phong trào, thu hút được nhân tài để tạo đà rèn luyện, gặt hái thành tích đỉnh cao.

Thể thao ngày càng cần thêm nhiều ngôi sao, nhiều câu chuyện truyền cảm hứng, nhiều cá nhân có tác động đến nhận thức xã hội về sức khỏe, để phục vụ hiệu quả cho chiến lược phát triển thể dục thể thao ở giai đoạn mới.

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gia-tri-cua-ngoi-sao-post691307.html