Giá trị của sách
Theo nhà bác học người Mỹ, ông Henry David Thoreau (1817 – 1862) thì: 'Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia'. Vì sách quý và hấp dẫn như vậy nên cũng chính Thoreau đã khuyên: 'Hãy đọc cuốn sách hay nhất trước, nếu không bạn sẽ có thể chẳng có cơ hội đọc nó đâu'.

Một cuốn sách mở ra dẫn đến con đường tri thức. Ảnh: AI.
Nhà triết học người Pháp, ông René Descartes (1596 – 1650) đã dạy chúng ta: “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”. Lời dạy của Descartes nhắc cho chúng ta biết việc sắp xếp thời gian là rất quan trọng trong cuộc sống sau khi đã phải vật lộn, vất vả với “cơm, áo, gạo, tiền”. Trước hết phải bố trí thì giờ để đọc sách, phải tạo thành một lẽ sống, một hứng thú, một thói quen hàng ngày. Có ai dám từ chối những “bộ óc tuyệt vời” không?
Dịp đầu năm 2025 vừa qua tiếp xúc với một số bạn đủ các lứa tuổi từ nước ngoài về và từ mọi miền đất nước về Hà Nội ăn Tết, chúng tôi rất vui mừng khi thấy trong các chiếc túi mang theo của các bạn đã có những quyển sách, quyển truyện nổi tiếng mà họ thích. Những người bạn trí thức đứng tuổi cũng như trẻ tuổi này đã cho biết: Lúc chờ đợi ở nhà ga chờ máy bay, chờ xe buýt, lúc ngồi trên tàu hỏa, hoặc trước khi ngủ trưa hay ngủ tối họ vẫn có thói quen đáng quý là lướt qua vài dòng, vài trang sách hay để dẫn vào một suy tư tích cực, thú vị, chống lại việc chạy theo những thông tin vô bổ trên mạng ở điện thoại thông minh. Nhiều bệnh mạn tính ở cổ, ở vai, ở gáy do đọc mạng suốt đêm đã răn đe và làm tỉnh ngộ các tín đồ nghiện vào mạng trên điện thoại. Trong thời đại thông tin bùng nổ, rõ ràng tin tốt thì ít mà tin xấu thì nhiều, khiến người ta phải lựa chọn. Đọc vài trang sách giá trị để đi vào giấc ngủ êm đềm vẫn hơn là nạn nhiễu loạn thông tin trong đầu khi chạy theo các thông tin trên mạng.
Triết gia Marquise de Sévigné (1626 – 1696) đã viết: “Không có sự an ủi của việc đọc sách, chúng ta sẽ chết sớm vì buồn nản”. Danh ngôn này chỉ thích hợp với đối tượng học sinh, sinh viên, trí thức hay thích hợp với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội? Chưa có thống kê nào xác định cụ thể. Song điều rất thiết thực là ai đọc sách nhiều sẽ tiếp thu được nhiều cái hay, cái tốt, cái đúng và nhiều kiến thức do sách mang lại. Còn ai ít đọc sách cũng chịu số phận thiệt thòi như những người lười lao động, lười thể dục thể thao ngay trước mắt cũng như về lâu dài.
Nhà văn cận đại, nhà bình luận văn học nổi tiếng thế giới, ông Georges Duhamel (1884 – 1966) đã phân tích sâu thêm tác dụng của sách, ông viết: “Sách là bạn thân khi ta có một mình. Nó nuôi dưỡng những sự cởi mở cho tâm hồn ta. Trong việc chăm chú đọc sách một mình yên tĩnh, người ta có dịp tự suy nghĩ, tự xét đoán về mình. Có vài cơ hội, người ta có thể tìm ra chính mình”. Đây là một ý rất hay, rất đẹp của Duhamel, vì trong thế kỷ ồn ào, sôi động, nếu cứ chạy theo thị hiếu đám đông thì còn đâu giá trị cá nhân để nuôi dưỡng, để vun đắp nữa. Và cứ thế, ngày tháng trôi đi, giá trị cá nhân mất hết, chỉ còn mờ nhạt một giá trị lỏng lẻo, sô bồ vì không phải do mình cố gắng động não, do mình cố gắng phấn đấu mà có. Tất cả sẽ chỉ như những bong bóng xà phòng, dễ thổi lên thì cũng dễ vỡ đi nhanh chóng. Việc kiên trì đọc sách, từng li từng tí một cho ta những kiến thức vững chắc, không ồn ào theo phong trào, mà thấm dần, thấm dần như cách “mưa dầm thấm lâu” thì mới có thể duy trì thành cái kỹ năng của mình, cho mình được.
Triết gia danh tiếng cận đại Maurice Barrès (1862 – 1923) đã rất tài tình hướng dẫn chúng ta tìm hiểu để biết được giá trị của những tác phẩm hay, tác phẩm kinh điển ở những thế kỷ trước khi ông viết: “Chúng ta ngạc nhiên khi chúng ta đọc những danh tác cũ để nhận thấy rằng những tình cảm, những xúc động tinh vi, tế nhị, thơ mộng mà chúng ta tưởng là quá hiếm ở ngày nay, đã có ở những người hàng bao thế kỷ qua”. Có sách giáo khoa đã hướng dẫn về cách suy nghĩ của Barrès như sau: Trong thực tại cuộc sống hàng ngày, bên cạnh những xô bồ, những bất thiện của cuộc đời cơm áo gạo tiền, người ta rất thèm khát, rất hy vọng được gặp những con người tử tế, lương thiện. Ai cũng mong học hỏi được những tấm gương người tốt việc tốt. Rất may mắn, những tấm gương thánh thiện ấy đã có từ nhiều thế kỷ trước và đã được minh họa trong các tác phẩm danh tiếng của các thế kỷ trước. Vì thế việc chúng ta sưu tầm và chăm chú đọc các danh tác cũ, ở những không gian và thời gian cũ, đó chính là cách soi sáng cho ngày hôm nay, cho con người hôm nay.
Một danh ngôn cổ của người Hy Lạp đã viết: “Dưới ánh mặt trời, không có gì mới”. Câu này cắt nghĩa ra có nhiều ý, nhiều tứ, nhiều nội dung phong phú. Nhưng tóm tắt lại là: Người tốt, việc tốt cũng như người xấu, việc xấu thì thời nào cũng có, thế kỷ nào cũng có. Vấn đề là ở chỗ: Cá nhân mỗi con người phải biết đọc sách, phải biết cách sống, cách tu dưỡng đạo đức để đi theo con đường đúng đắn, hợp với đạo lý làm người và pháp luật mình phải tuân theo.
Trong tác phẩm kinh điển “Luận bàn về viết tiểu thuyết”, ông George Duhamel đã khẳng định như sau: “Mục đích cao cả của người viết tiểu thuyết là làm cho chúng ta thấu cảm được cái tâm hồn con người, làm cho ta hiểu và yêu nó trong cái vĩ đại cũng như trong cái khổ ải của nó, trong những chiến thắng và thất bại của nó. Cảm phục và trắc ẩn, đó là phương châm của tiểu thuyết vậy”. Những ý kiến của Duhamel đã được đưa vào nhiều sách giáo khoa để huấn luyện, đào tạo ra những tài năng của văn học, nghệ thuật, đặc biệt trong những lĩnh vực: viết hồi ký, bút ký, tản văn, ký sự, truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết hành động ... Một số nền tảng văn học của một số tôn giáo cũng đã cho ra đời những tiểu thuyết tình cảm mang mầu sắc tôn giáo nhưng nhờ có những phương pháp luận mới, hiện đại, khoa học, đời thường hơn nên đã có nhiều tác dụng giáo dục đạo lý, dạy làm người cho nhiều bộ phận dân cư trong đời sống hàng ngày. Có người đã gọi đó là “Phương pháp giảng đạo qua sách vở, qua bút ký, qua tiểu thuyết”,
Đến đây, có thể tạm sơ kết cho bài viết “Giá trị của sách” bằng hai danh ngôn ngắn gọn của hai nhà triết học:
Triết gia P.Terfaut đã nhận xét rất xác đáng như sau: “Một cuốn sách có thể quyết định một đời hay hay dở của một đứa trẻ”. Xem lại tiểu sử của các nhà khoa học, các danh nhân văn hóa thì thấy rõ câu này của Terfaut hoàn toàn đúng. Tại Bảo tàng của một nhà khoa học lớn của Đức, người ta thấy có những cuốn sách rất cũ mà ông đã đọc từ lúc học tiểu học, đã làm nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh xúc dộng.
Triết gia L.M.Alcott (1799 – 1888) đã viết: “Một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì đem lại điều hữu ích”. Muốn có cuốn sách “mở ra thì gợi niềm hy vọng” buộc ta phải suy nghĩ, phải thận trọng, phải có chọn lọc trong đầu sẵn trước khi bước chân vào Thư viện hoặc hiệu sách. Nghĩa là phải có định hướng, phải có chọn lọc sẵn. Muốn “khép lại cuốn sách thì đem lại điều hữu ích” thì buộc ta phải đọc từ dòng đầu, trang đầu thận trọng, tỷ mỷ, có khi phải đọc đi đọc lại, từ đó tạo thành kỹ năng đọc sách hiệu quả với năng suất cao nhất.
Xin chúc mọi người, ai ai cũng gặp được may mắn khi mở ra và khi khép lại một cuốn sách, báu vật của mọi thời đại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-tri-cua-sach-10302134.html