Giá trị Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng đối với đời sống hôm nay

1. Giới nghiên cứu đã khẳng định, 'Đề cương về văn hóa Việt Nam' năm 1943 như là Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng.

Là Cương lĩnh vì nó thể hiện tầm nhận thức và nêu ra những nhiệm vụ rất lớn cho văn hóa Việt Nam giai đoạn chuẩn bị cho một cuộc cách mạng xã hội nhằm thay đổi tận gốc mọi cơ sở xã hội và tinh thần của đất nước. Trải qua chặng đường 80 năm tồn tại, những tư tưởng lớn ấy đã chứng tỏ sự đúng đắn và sức sống của nó, vẫn là xương sống của tư tưởng về nền văn hóa chúng ta hôm nay, trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa đang thử thách sức sống và bản lĩnh của mỗi dân tộc.

GS Đào Duy Anh vào tháng 8-1943 cũng cho rằng, sức sống của một nền văn hóa bộc lộ trong những thử thách mang ý nghĩa nhận đường bởi nó “liên quan đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta”. Để vượt qua được thử thách khốc liệt này “thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch” (xung đột giữa giá trị cổ truyền của văn hóa với văn hóa ngoại lai-ý của GS Đào Duy Anh), phải “xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho chân giá trị của văn hóa mới”. Rất ngẫu nhiên nhưng cũng thật thú vị là trong cùng một thời điểm (hơn kém nhau vài tháng), một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, một nhà khoa học từ góc nhìn cá nhân đã nhận thấy đến lúc phải đặt ra vấn đề đưa ra những nhận thức mới về văn hóa, phải soát xét lại tất cả những gì vốn có của văn hóa nước nhà, nhận thấy được những mặt mạnh và cả những khuyết tật của nó nhằm nhận thức cho đúng và tìm ra những phương thức giải quyết vấn đề cho một dân tộc, một đất nước. Đây là góc nhìn biện chứng của tư duy khoa học.

Thực hiện nghi lễ tôn vinh truyền thống khoa bảng ở Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh: NGỌC PHÒNG

Thực hiện nghi lễ tôn vinh truyền thống khoa bảng ở Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh: NGỌC PHÒNG

Như vậy, GS Đào Duy Anh tuy không diễn giải tư tưởng của mình nhưng từ cách đặt vấn đề của ông đã thấy tầm quan trọng của việc nhận thức cho đúng vai trò to lớn của văn hóa trong những giai đoạn có ý nghĩa quan trọng không chỉ với bản thân nó mà với vận mệnh của quốc gia như thế nào. Mặt khác, ông cũng nói đến vấn đề cần đổi mới văn hóa bằng cách nhìn lại chính bản thân nó xem có gì đã không còn phù hợp phải loại bỏ, cần để văn hóa trở thành một yếu tố tham gia vào cuộc xây dựng mới có khả năng làm hồi sinh và xây dựng nhiều yếu tố mới của đất nước. Ở đây có một tư tưởng rất mới mà trước GS Đào Duy Anh chưa có nhà nghiên cứu khoa học xã hội nào ở nước ta đặt ra là văn hóa cũng như phát triển xã hội cần nhịp bước cùng thời đại, văn hóa vừa như yếu tố có khả năng bảo vệ và thúc đẩy xã hội phát triển, nhưng mặt khác, nó cũng chứa đựng cả những yếu tố có thể kìm hãm sự phát triển.

Sự gặp gỡ giữa nhà khoa học với những nội dung và tư tưởng cốt lõi của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 là một minh chứng về một thực tế: Khoa học chân chính và tư tưởng cách mạng chân chính đều gặp nhau ở một mục đích vì đất nước, vì nhân dân. Điều này còn có một minh chứng khác nữa mà không ai có thể phủ nhận: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, hầu hết trí thức và văn nghệ sĩ thuộc các xu hướng, đảng phái khác nhau đã tích cực tham gia kháng chiến dưới khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” và “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của cách mạng Việt Nam.

2. Ba phương châm “Dân tộc, khoa học, đại chúng” của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 đã trở thành ba định hướng, ba chiến lược hành động của nền văn hóa mới do Đảng lãnh đạo. Trải qua 80 năm lịch sử với các giai đoạn kháng chiến kiến quốc, xây dựng chế độ mới, chiến tranh giải phóng và mở cửa hội nhập theo xu hướng toàn cầu hóa, những tư tưởng lớn ấy đã chứng minh được tính đúng đắn của nó, góp phần xuất sắc vào cuộc cách mạng xã hội. Một nền văn hóa mới lấy đại chúng, nhân dân, đất nước làm mục tiêu trên hết là một nền văn hóa vì dân, cho dân, của dân. Nó thấm đẫm truyền thống từ ngàn đời xưa của ông cha, đồng thời cũng mang đậm hơi thở của thời đại. Đề cương khẳng định tính nguyên tắc và thái độ thật rõ ràng: Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”; đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”; khoa học hóa là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Ở đây thấy rất rõ tính bao quát của các luận điểm này, đồng thời cũng thấy rất rõ mục tiêu cuối cùng mà các nguyên tắc ấy hướng đến là nhân dân, dân tộc, tiến bộ, văn minh.

3. Nhu cầu nhịp bước cùng thời đại, tránh nguy cơ tụt hậu ở bình diện vĩ mô hay trong cuộc cách mạng vì đất nước phồn vinh, con người hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau... suy cho cùng cũng không nằm ngoài những đường hướng lớn của nền văn hóa mới được vạch ra trong bản Đề cương từ 80 năm trước. Văn hóa dân tộc không phải là một khái niệm đóng kín mà nó là một thực thể luôn vận động, đổi mới bởi nó là cuộc sống của con người và vì con người. Mỗi cuộc nhận đường, mỗi bước thay đổi đều nhằm mục đích hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Trong hành trình ấy, con người luôn phải nhận thức rõ mình là ai, từ đâu tới, mình đến với tương lai bằng hành trang như thế nào và cần phải làm gì để đạt được mục đích? Bởi vậy, nhu cầu nhận thức hoàn cảnh và nhận thức chính mình, soát xét lại chính mình trong hành trình ấy là một nhu cầu tự thân để phát triển và không lạc bước với thời cuộc. Đối với văn hóa cũng vậy.

Trong khoảng vài thập niên trở lại đây, trong các văn kiện chính thức của Đảng, vấn đề truyền thống văn hóa, những đặc trưng văn hóa dân tộc được đề cập tới ở nhiều bình diện hơn trước. Cũng trong nhiều công trình nghiên cứu sâu về văn hóa, vấn đề xây dựng giá trị dân tộc, cộng đồng, gia đình, con người đã được nói đến như một yêu cần cần thiết trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện mở cửa, hội nhập quốc tế của nước ta trong thời kỳ mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi thế giới không chỉ ở những phương tiện khoa học-công nghệ mà còn ở cách tiếp cận những vấn đề của con người, làm thay đổi nhận thức về nhiều vấn đề rất cơ bản. Nhưng điều này không đi ngược với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà là sự đồng hành ở khía cạnh mỗi dân tộc sẽ tìm ra thế mạnh của mình trong “cuộc chơi lớn” mang tính hòa nhập nhưng không đánh mất mình. Nếu nhìn nhận vấn đề như vậy, chúng ta vẫn thấy phương châm dân tộc hóa với ý nghĩa vì dân tộc, cho dân tộc, khẳng định vị thế của văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, nhưng nội hàm khái niệm đã có những yếu tố mới, hay nói đúng hơn là đã có những biến đổi so với trước đây. Sức mạnh dân tộc, cộng đồng được nhân lên bởi sức mạnh của các tế bào tạo ra nó là con người, giá trị gia đình và đồng thời với nó, đòi hỏi một nhận thức khoa học chính xác về những vấn đề dân tộc, cộng đồng, gia đình, cá nhân.

Phương châm đại chúng hóa văn hóa về cốt lõi là đưa văn hóa về với đại chúng, đứng về phía đại chúng không bao giờ sai, nhưng trong cách thức tổ chức thực hiện phương châm này cũng có những bất cập. Trong cả thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này cũng có những lúc chúng ta hiểu chưa đúng nội hàm khái niệm đại chúng, đặc biệt là giải quyết mối quan hệ giữa đại chúng và tinh hoa. Khi đưa văn nghệ về với đại chúng, chúng ta đã làm được một công việc trước đó nhiều thế kỷ chưa làm được là đưa những giá trị văn hóa về với đại chúng, gắn đại chúng với văn hóa, làm cho đại chúng được quyền hưởng thụ văn hóa cần thiết. Nhưng mặt khác, khi giải quyết vấn đề này, có nơi, có lúc chúng ta đã nghiệp dư hóa tính chuyên nghiệp của những loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp vốn đòi hỏi rất cao và nghiêm ngặt về nghề. Việc chạy theo thị hiếu của đại chúng trong vài thập niên gần đây ở phương diện đời sống văn hóa là một bất cập cần khắc phục. Ngay cả trong đời sống văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng, trong vài thập niên gần đây, chúng ta không có tác phẩm đỉnh cao một phần có nguyên nhân từ nhận thức chưa đúng về mối quan hệ này.

Trong Đề cương có nói đến phương châm khoa học hóa trong nghiên cứu, xây dựng và phát triển văn hóa mới. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, do những nhận thức về đối tượng chưa đúng với bản chất của nó mà nhân loại nhiều khi đã phải đi đường vòng, tốn rất nhiều thời gian, tâm sức, của cải. Sự vật vốn tồn tại khách quan nhưng nhận thức của con người lại mang tính chủ quan và cách tiếp cận đối tượng của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố có thể làm sai lạc nhận thức về đối tượng. Bởi vậy mà từ thời cổ đại, yêu cầu nhận thức khoa học đã được đặt ra. Ở bản Đề cương, Đảng nêu vấn đề nâng cao tính khoa học và nhân văn để nhận thức văn hóa và những vấn đề của nó.

Trở lại với vấn đề về sự liên tục, nhất quán và phát triển của các phương châm “dân tộc, khoa học và đại chúng” từ "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 đến vấn đề xây dựng nền văn hóa tiên tiến, thống nhất trong sự đa dạng và phát triển con người bền vững, trong đó có hệ giá trị mới làm nền tảng cho sự phát triển đất nước phồn vinh trong tương lai có thể thấy rằng, lịch sử đang đồng hành với hiện tại, những tư tưởng khai phóng từ 80 năm trước vẫn là bệ đỡ cho những tìm tòi và phát triển hôm nay.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/gia-tri-cuong-linh-van-hoa-dau-tien-cua-dang-doi-voi-doi-song-hom-nay-720233