Giá trị đồ sộ về lịch sử, văn hóa, chính trị của 'Vùng đất Nam Bộ'
Vùng đất Nam Bộ do cố GS.NGND Phan Huy Lê làm chủ biên cùng các diễn giả, học giả có uy tín vừa đạt giải A Sách Quốc gia lần 2.
Bộ sách Vùng đất Nam Bộ gồm 12 cuốn, trong đó 2 tập tổng quan là Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển GS. NGND Phan Huy Lê chủ biên phác họa những nét cơ bản nhất tiến trình lịch sử của vùng đất và con người Nam Bộ từ cội nguồn cho đến nay. Cùng với đó là bộ chuyên khảo 10 tập, mỗi tập do một hoặc nhóm nhà khoa học uy tín chủ biên, cung cấp những kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực hoặc từng giai đoạn phát triển. Bộ sách vừa đạt giải A, Giải sách Quốc gia lần 2
Sự đồ sộ và giá trị của bộ sách, thể hiện rõ qua quá trình ròng rã 10 năm trời để có thể ra mắt đông đảo bạn đọc. Được triển khai từ năm 2008, sau 4 năm nghiên cứu, công trình được nghiệm thu và đánh giá là chương trình khoa học - công nghệ xuất sắc năm 2011.
Khi tổ chức xuất bản thành sách, các tác giả phải tiếp tục bổ sung, sửa chữa, chỉnh lý trong vòng hơn 3 năm - đến giữa năm 2015 mới chuyển giao bản thảo cho NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. Và phải cần thêm hơn 2 năm để NXB tổ chức biên tập cẩn trọng, đưa trọn vẹn bộ sách đến tay bạn đọc trong năm 2018.
GS Nguyễn Quang Ngọc, một trong những tác giả bộ sách Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển, cho biết bộ sách này năm 2011 đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học tiêu biểu của năm. Năm 2017, bộ sách cũng được tặng giải thưởng Trần Văn Giàu - giải thưởng cao nhất viết về Nam Bộ. Bộ sách là đề án quốc gia nên mỗi tập trong đó tương đương với một đề tài khoa học cấp nhà nước.
"Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu và trình bày, lý giải về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ một cách tổng thể. Trước đây, Nam Bộ là vùng ít được nghiên cứu về lịch sử. GS Phan Huy Lê là vị tổng chủ biên không ai có thể thay thế được vai trò trong việc nghiên cứu vùng đất này. GS Phan Huy Lê là người bao quát được toàn bộ mà lại đi vào những vấn đề hết sức cụ thể và chi tiết. Cho nên nhiều đánh giá khái quát tập hợp tuy có đánh giá của từng tác giả nhưng có dẫn dắt của GS Phan Huy Lê", ông Ngọc chia sẻ.
GS. NGND Đỗ Thanh Bình, thành viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia lần 2 chia sẻ: Vùng đất Nam Bộ là một bộ sách giáo khoa rất đầy đủ toàn diện từ lĩnh vực lịch sử văn hóa cho tới hình thành và phát triển vùng đất này. Đây là vùng đất không thể chia cắt của đất nước Việt Nam, có thể nói chưa có bộ sách nào được như thế. Nó cũng có ý nghĩa về mặt chính trị chẳng hạn như phản bác lại các thế lực thù địch nói rằng vùng đất này không phải của Việt Nam. Về mặt tư liệu các tác giả đã đi rất nhiều năm sưu tầm các tư liệu trong nước, quốc tế đặc biệt là tư liệu của vùng đất Nam Bộ. Nguồn tư liệu ấy đã tạo nên một khối lượng sách đồ sộ.
"Với sự đóng góp của hơn 100 nhà khoa học từ nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học uy tín trên cả nước, là công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, bộ sách Vùng đất Nam Bộ có giá trị rất lớn khi hệ thống tương đối đầy đủ về quá trình hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ trên tất cả các lĩnh vực (địa lý, khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, kinh tế học…); bổ khuyết được những thiếu sót trước đây, đặc biệt là các nghiên cứu về nguồn gốc xa xưa từ khi con người xuất hiện trên vùng đất phương Nam", PGS.TS Phan Xuân Biên đã đánh giá.
Chia sẻ những ấn tượng nổi bật về vùng đất Nam bộ và bộ sách, GS.TS Ngô Văn Lệ khẳng định sức hấp dẫn của vùng đất mở với sự cộng cư lâu đời, gắn bó của 4 dân tộc Việt - Khmer - Hoa - Chăm (khác với vai trò chủ đạo của người Việt ở đồng bằng sông Hồng). Vì thế, Nam Bộ cũng là vùng đất có nhiều tôn giáo cùng tồn tại và đặc biệt là nơi xuất phát các tôn giáo mới như: Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa, Tứ ấn hiếu nghĩa… Mà những tín ngưỡng, tôn giáo này mang tính khu vực rất rõ khi không lan tỏa sang các vùng miền khác mà chỉ tồn tại, phát triển trong cộng đồng cư dân Nam Bộ, mang bản sắc một địa phương. Tất cả tạo nên bức tranh đa sắc, phong phú về đời sống tâm linh của người dân vùng đất phương Nam.