Giá trị ngành điện tử: Tiếp đà tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn tăng trưởng, đạt kết quả tích cực. Trong đó, ngành điện tử tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp với mức tăng khá cao.

Nhiều doanh nghiệp doanh thu tăng

Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) tháng 7 ước đạt 72.803 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng ước đạt 387.299 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 58,2% kế hoạch. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp của tỉnh, với mức tăng khá cao, ước tăng gần 50% so với cùng kỳ, riêng tháng 7 ước tăng 55,41% nhờ sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp (DN) lớn. Đơn cử, Công ty TNHH Hana Micron Vina DN Hàn Quốc, trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung riêng tháng 7 đạt doanh thu hơn 860 tỷ đồng, tăng 2 lần so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do, DN vận hành nhà máy thứ 2 từ cuối năm ngoái, tạo ra nhiều sản phẩm.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung).

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung).

Công ty chuyên sản xuất, gia công bảng vi mạch tích hợp cho điện thoại di động và thiết bị thông minh, tạo việc làm cho gần 2 nghìn lao động. Tương tự, Công ty TNHH Fukang Technology, KCN Quang Châu, doanh thu tháng 7 đạt khoảng 11.493 tỷ đồng, tăng 35,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là DN chuyên sản xuất, gia công máy tính bảng, máy tính xách tay cho hãng Apple. Có sự tăng tốc như trên là do từ khoảng cuối năm ngoái, DN hoàn thiện nhà xưởng, đi vào sản xuất. Cũng hoạt động lĩnh vực điện tử, Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung có doanh thu tháng 7 ước đạt 7.749 tỷ đồng, tăng 69,65%. Một số sản phẩm điện tử chủ lực có mức tăng mạnh như: Đồng hồ thông minh; tai nghe; máy tính xách tay, Ipad…

Ước năm 2024, giá trị ngành sản xuất điện tử, quang học, máy vi tính, linh kiện điện tử… sẽ đạt hơn 472.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm khoảng 69% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp (ước năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt hơn 685.000 tỷ đồng). Mặc dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn song ngành điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Sự phát triển của ngành điện tử chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Trung Quốc ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Điều này cho thấy, những năm qua, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Bắc Giang phát huy hiệu quả như: “2 ít, 3 cao” (sử dụng ít đất, ít lao động; dự án có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao). Cùng đó, Bắc Giang tạo thuận lợi trong thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ của công nghiệp điện tử với hàng loạt DN là vendor cấp 1, cấp 2… của các DN lớn, đưa DN tại địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Bởi vậy, đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn “làm tổ” tại Bắc Giang như: Luxshare-ICT, Foxconn, Hana Micron…

Đặc biệt, Tập đoàn Hana Micron chỉ sử dụng hơn 6 ha đất nhưng đầu tư đến 600 triệu USD (suất đầu tư khoảng 100 triệu USD/ha, cao gấp hơn 10 lần quy định suất đầu tư tối thiểu của tỉnh Bắc Giang và cao nhất trong các DN đầu tư trên địa bàn). Dự án này không những tiết kiệm đất mà còn sử dụng ít lao động, mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, dù DN phấn đấu doanh thu đạt khoảng 800 triệu USD vào năm 2025 nhưng đến nay con số này đã vượt mục tiêu đề ra.

Trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn

Theo quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Giang được quy hoạch phát triển trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ. Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử thì công nghiệp bán dẫn sẽ là trọng tâm trong những năm tiếp theo. Để thực hiện mục tiêu này, Bắc Giang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích thu hút đầu tư “tại chỗ”, đó là tạo điều kiện để DN đã hoạt động tại tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư tại địa phương.

 KCN Yên Lư đang được nhà đầu tư lĩnh vực điện tử quan tâm.

KCN Yên Lư đang được nhà đầu tư lĩnh vực điện tử quan tâm.

Trong tháng 7, toàn tỉnh thu hút được khoảng 109 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước; lũy kế 7 tháng được hơn 1,5 tỷ USD. Nổi bật là thu hút được Tập đoàn Sunwoda (Trung Quốc). Tập đoàn này vừa ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Bất động sản Capella (chủ đầu tư hạ tầng KCN Yên Lư), dự kiến đầu tư dự án khoảng 300 triệu USD tại KCN Yên Lư.

Tại một số cuộc tiếp xúc, làm việc với nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giai đoạn tới, tỉnh Bắc Giang xác định tập trung phát triển ngành công nghiệp dựa trên thúc đẩy, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao. Đồng chí mong muốn các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cơ hội, tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang; hiểu rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm của tỉnh; đồng thời tỉnh cũng luôn lắng nghe kiến nghị để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN.

Để tiếp tục đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nói chung, thêm nhiều nhà đầu tư lớn hoạt động lĩnh vực công nghiệp điện tử, trong đó có bán dẫn nói riêng, cùng với giải pháp trên, Bắc Giang chủ động nắm bắt tình hình thực tế, giải quyết vấn đề cấp bách. Hiện nay, một mặt Bắc Giang phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện theo quy hoạch, một mặt chỉ đạo xây dựng tạm trạm điện đáp ứng sản xuất trước mắt của nhà đầu tư khi vào hoạt động tại KCN Yên Lư; thành lập đoàn công tác hỗ trợ các thủ tục, giúp nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thiện, đi vào sản xuất. Đồng thời tạo quỹ đất công nghiệp, xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sản xuất chất bán dẫn.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/gia-tri-nganh-dien-tu-tiep-da-tang-truong-082054.bbg