Giá trị Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch đối với phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam
Trong quần thể Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Nhà sàn cùng vườn cây, ao cá là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó lâu nhất và đây cũng là di tích trung tâm trên cả phương diện vị trí, ý nghĩa, nội dung lẫn sự cuốn hút và sức lan tỏa giá trị của nó. Trong suốt 11 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây (1958-1969), Người tiếp tục vạch ra những chiến lược, sách lược hoạch định đường lối và chỉ đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Dòng khách du lịch thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Ngôi Nhà sàn lịch sử trong khu Phủ Chủ tịch gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của một anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, là trung tâm chính trị, văn hóa của các thời kỳ lịch sử của đất nước, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, chùa Một Cột, cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, các di tích lịch sử văn hóa ven Hồ Tây như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc... tạo thành một tuyến du lịch văn hóa hấp dẫn mỗi khi du khách đến với Thủ đô.
Đối với Khu di tích nói chung, đặc biệt là di tích Nhà sàn Bác Hồ nói riêng, du khách đến đây là để thỏa mãn nhu cầu văn hóa. Mỗi hiện vật đơn sơ ở đây như: Chiếc mũ cát két bạc màu, chiếc quạt lá cọ, đôi dép cao su… đều chứa đựng những giá trị tinh thần, những triết lý nhân văn, những bài học thiết thực để hướng con người đến chân - thiện - mỹ...
Đến với di tích Nhà sàn Bác Hồ, du khách được đắm chìm trong môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp đan xen những công trình kiến trúc cổ và hiện đại, hòa lẫn với màu xanh của cây cối, hoa lá, khiến tâm hồn du khách như thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Ở đây, du khách sẽ được cảm nhận những bài học sâu sắc về lẽ sống, về cách ứng xử với con người, với thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm chan chứa của Người dành cho nhân dân, cho bạn bè, cho thiên nhiên vẫn luôn tràn ngập trong không gian này...
Từ ngày mở cửa đón khách tham quan đến nay (1970 -2020), Khu Di tích Phủ Chủ tịch với di tích trung tâm là Nhà sàn Bác Hồ đã đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Trong đó, có khách của hơn 160 quốc gia và hàng trăm tổ chức quốc tế, bình quân khoảng 6.000 đến 8.000 người/ngày; những ngày lễ như 19-5 và 2-9, nơi đây đón 3 đến 5 vạn người/ngày. Theo thống kê điều tra xã hội học, trong 6 tháng cuối năm 2019, tại Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, trong gần 2.000 phiếu khảo sát thu được từ khách tham quan, 80% khách có nhu cầu tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như lịch sử di tích Nhà sàn Bác Hồ; ấn tượng nhất về Nhà sàn và Ao cá Bác Hồ, mong muốn được tiếp tục quay lại.
Những ngày như, sinh nhật Bác 19-5 và Quốc khánh 2-9, Nhà sàn Bác Hồ đón 3 đến 5 vạn người/ngày.
Du khách đến với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh "con người huyền thoại của thế kỷ XX", người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người không chỉ đấu tranh cho nền độc lập của đất nước mình mà cho cả phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và sự tiến bộ của loài người trên thế giới. Bên cạnh đó, khách quốc tế càng hiểu biết sâu hơn, nhiều hơn về truyền thống lịch sử - văn hóa, về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, hiểu biết về những đức tính tốt đẹp, về lối sống giản dị, sự thông minh, anh dũng, sáng tạo của con người Việt Nam thể hiện thông qua cuộc đời của một con người điển hình của dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh.
Với nhận thức việc tuyên truyền, quảng bá sâu rộng những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là góp một phần vào phát triển văn hóa, du lịch, trong những năm qua, Khu Di tích đã không ngừng đổi mới và đa dạng các hình thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội, từ đó, trở thành cầu nối mang những giá trị cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đến với công chúng.
Trên cơ sở những nội dung sự kiện lịch sử và tài liệu hiện vật vô cùng phong phú, công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp công chúng hiểu được chính xác, đầy đủ và sâu sắc không chỉ về cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn cho thấy sự cống hiến lớn lao của Người đối với cách mạng Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tăng thêm sự tin yêu, kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng thêm lòng tự tôn dân tộc cho mọi người... Đây chính là ý nghĩa to lớn mà khó có sách báo hoặc các phương tiện thông tin hiện đại nào có thể thực hiện được.
Ngoài ra, khu di tích cũng tổ chức nhiều hình thức khác để thông tin, tuyên truyền về giá trị của di sản này như: Giới thiệu cho khách đến tham quan tại Khu di tích; tổ chức các buổi triển lãm chuyên đề, xuất bản sách, thông tin tư liệu và các ấn phẩm khác giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nói chuyện chuyên đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với các ngành, các giới, các địa phương; tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Việc nhận thức đầy đủ những giá trị của di tích đặc biệt này sẽ giúp chúng ta có sự quan tâm đầu tư thích đáng trong bảo tồn, tôn tạo di tích gốc, đồng thời bổ trợ thêm các loại hình văn hóa du lịch khác.