Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của Sơn La tăng hơn 8%

Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của Sơn La năm nay dự kiến đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm trước. Đây là kết quả của việc phát huy lợi thế, với nhiều chủ trương, chính sách, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Hiện nay, Sơn La có hơn 82.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Một số cây trồng có diện tích, sản lượng lớn, như mận, nhãn, xoài, na, dâu tây... Đến hết tháng 11, Sơn La đã tiêu thụ gần 350.000 tấn hoa quả, ước đạt 93% sản lượng, giá trị trên 5.300 tỷ đồng.

Địa phương có 17 nhà máy, hơn 540 cơ sở chế biến nông sản; mỗi năm, công suất chế biến từ vài chục đến hàng nghìn tấn xoài, nhãn, cà phê, sắn, dứa, mận hậu, ngô ngọt, chuối, mắc ca, quả sơn tra, các loại rau, củ..., góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị nông sản. Các sản phẩm trái cây của Sơn La còn được các doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến thành các sản phẩm trái cây sấy dẻo, sấy giòn, nước cốt, nước ép, long nhãn...

Năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Sơn La ước tăng 28,3%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 5,6%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến ước tăng so với cùng kỳ, như: chè sơ chế, tinh bột sắn, sữa tươi tiệt trùng... Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản đạt 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2023.

Một số sản phẩm công nghiệp chế biến ước tăng so với cùng kỳ, như: chè sơ chế, tinh bột sắn, sữa tươi tiệt trùng...

Một số sản phẩm công nghiệp chế biến ước tăng so với cùng kỳ, như: chè sơ chế, tinh bột sắn, sữa tươi tiệt trùng...

Phát huy lợi thế, tỉnh Sơn La đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là tỉnh Tây Bắc, xa thủ đô, đường xá còn khó khăn, nên khi xây dựng nhà máy, các doanh nghiệp ngoài tỉnh rất chú ý đến logistic, chi phí vận chuyển...

"Để thu hút được các nhà máy, Sơn La đang rất cố gắng làm sao đảm bảo hạ tầng, giao thông. Cùng với đó là có các chính sách, nghị quyết, hỗ trợ sản xuất đầu vào, màng, giống, cho các HTX, doanh nghiệp, nông dân, để xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy..."- ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Sản phẩm trái cây của Sơn La tiêu thụ rộng khắp trên thị trường

Sản phẩm trái cây của Sơn La tiêu thụ rộng khắp trên thị trường

Tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán lập Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La; Đề án xây dựng Sơn La thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội, thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn, phát triển sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gia-tri-san-xuat-cong-nghiep-che-bien-nong-san-cua-son-la-tang-hon-8-post1143346.vov