Giá trị thị trường của các công ty công nghệ ở ASEAN tăng mạnh

Dữ liệu từ QUICK-FactSet cho thấy khoảng 3.700 công ty phi tài chính niêm yết trên các sàn giao dịch Đông Nam Á có tổng vốn hóa thị trường vào khoảng 1.630 tỷ USD tính đến cuối tháng 7/2023.

Tập đoàn Delta Electronics của Đài Loan.(Nguồn: Digitimes)

Tập đoàn Delta Electronics của Đài Loan.(Nguồn: Digitimes)

Một nghiên cứu của Nikkei cho thấy giá trị thị trường của các công ty công nghệ và các nhà cung cấp thiết bị điện tử ở khu vực Đông Nam Á đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi các doanh nghiệp trụ cột của khu vực này lại sa sút.

Dữ liệu từ QUICK-FactSet cho thấy khoảng 3.700 công ty phi tài chính niêm yết trên các sàn giao dịch Đông Nam Á có tổng vốn hóa thị trường vào khoảng 1.630 tỷ USD tính đến cuối tháng 7/2023, tăng 12% so với cuối tháng 12/2019, trước khi dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu và tăng 27% so với cuối năm 2013.

Những doanh nghiệp này tập trung ở sáu nền kinh tế chính ở khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Delta Electronics (Thái Lan), một công ty con của tập đoàn Delta Electronics của Đài Loan (Trung Quốc), đã chứng kiến vốn hóa thị trường tăng gấp 18 lần kể từ cuối năm 2019 lên 41,1 tỷ USD.

Nhà sản xuất này hiện đứng thứ hai trong số các công ty Đông Nam Á được khảo sát, tăng từ vị trí thứ 134 trong năm 2019, vượt trội hơn so với những “gã khổng lồ” lâu đời như tập đoàn CP hàng đầu Thái Lan.

Để đối phó với những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Delta Electronics đã chuyển trọng tâm sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc giảm được những rủi ro, các nhà đầu tư còn kỳ vọng Delta Electronics (Thái Lan) sẽ nắm bắt được nhu cầu từ ngành công nghiệp xe điện.

Tuy vậy, Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan đã cảnh báo các nhà đầu tư thận trọng với Delta, khi dựa trên tình hình biến động giá, cho thấy dấu hiệu giao dịch đầu cơ.

“Gã khổng lồ” trò chơi và thương mại điện tử Sea của Singapore đứng thứ ba trong bảng xếp hạng của Nikkei, leo từ vị trí thứ 20 trong năm 2019 sau khi nắm bắt được nhu cầu ở nhà trong đại dịch. Nền tảng chính của Sea là Shopee đã phát triển trở thành dịch vụ bán hàng trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á.

Tăng trưởng doanh số bán hàng của Sea chững lại sau khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và công ty đã tiến hành cắt giảm nhân sự hàng loạt trong năm 2022 nhằm nỗ lực có lãi. Mặc dù vậy, vốn hóa thị trường của Sea đã tăng gần gấp ba lên 34,6 tỷ USD kể từ cuối năm 2019.

Ngược lại, vốn hóa thị trường của các tập đoàn lớn và công ty thuộc sở hữu nhà nước ở Đông Nam Á lại mờ nhạt. PTT, tập đoàn năng lượng do Chính phủ Thái Lan kiểm soát, dẫn đầu tất cả các công ty Đông Nam Á vào cuối năm 2019, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ sáu. Giá trị thị trường của PTT đã giảm hơn 30% trong khoảng thời gian đó xuống còn 29,2 tỷ USD.

PTT báo cáo rằng thu nhập trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 39% so với cùng kỳ xuống còn 196,6 tỷ baht (5,32 tỷ USD). Chi phí tiếp cận nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cao hơn đã góp phần gây sức ép tài chính.

CP All, đơn vị bán lẻ chủ chốt của CP Group, đã tụt từ vị trí thứ 8 năm 2019 xuống vị trí thứ 15 hiện tại khi vốn hóa thị trường giảm 23% xuống còn 16,6 tỷ USD. CP All phụ thuộc lớn vào Thái Lan và các nhà đầu tư không hài lòng về sự chậm trễ trong việc mở rộng sang các nước láng giềng.

Tại Singapore, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Singtel đứng thứ tư với vốn hóa thị trường là 33 tỷ USD. Công ty này đã duy trì thứ hạng đã nắm giữ vào năm 2019. Singapore Airlines có vốn hóa thị trường là 16,8 tỷ USD, tăng lên vị trí thứ 14 từ vị trí thứ 74. Hãng hàng không này đã đạt được lợi nhuận ròng kỷ lục là 2,16 tỷ SGD (1,57 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023.

Tại Việt Nam, PetroVietnam Gas thuộc sở hữu nhà nước đạt vốn hóa thị trường 8,2 tỷ USD, leo lên vị trí thứ 35 từ vị trí thứ 43 năm 2019. Lợi nhuận ròng thu được trong nửa đầu năm 2023 ở mức 6.610 tỷ đồng (272 triệu USD), vượt mức so với cùng kỳ năm 2019.

Các công ty Philippines phần lớn đi theo hướng khác. Tập đoàn SM Investments điều hành các hoạt động bán lẻ và bất động sản. Hơn 70% Tổng sản phẩm quốc nội của Philippines đến từ chi tiêu của người tiêu dùng, song tiêu dùng vẫn phải vật lộn để phục hồi.

Thị trường chứng khoán Philippines nhìn chung vẫn ở dưới mức năm 2019, điều này đã làm giảm giá trị cổ phiếu của SM Investments. Những lo lắng liên quan đến kinh tế Trung Quốc và các nước phương Tây cũng xuất hiện./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-tri-thi-truong-cua-cac-cong-ty-cong-nghe-o-asean-tang-manh/900075.vnp