Giá trị tư tưởng về công bằng, giải phóng người cùng khổ của Bhimrao Ramji Ambedkar trong biến đổi xã hội hiện đại

268

Tóm tắt

Bhimrao Ramji Ambedkar là một nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội tích cực, ông đã có cống hiến to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ và trên toàn thế giới. Theo chân lý Phật giáo thì tất cả chúng sinh trên thế giới này đều bình đẳng như nhau. B.R. Ambedkar cho rằng Phật giáo là một con đường giải thoát, phải sử dụng tư tưởng tiến bộ của Phật giáo để thực hiện các hoạt động cải cách xã hội, chính điều đó đã cho ông một lý tưởng cao đẹp, nguyện đem cả cuộc đời mình để bảo tồn, phát triển đạo Phật, hoàng dương Phật pháp và đấu tranh không mệt mỏi vì lý tưởng cao đẹp đó.

(Từ khóa: Bhimrao Ramji Ambedkar; Phật giáo; bình đẳng Phật giáo; đạo đức Phật giáo; Phật giáo Ấn Độ; sự phát triển của Phật giáo)

1. Vai trò, ý nghĩa tư tưởng công bằng, giải phóng người cùng khổ của Cư sỹ Anbedkar đối với sự phát triển của thế giới hiện đại

1.1. Sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với tư tưởng Bhimrao Ramji Ambedkar trong con đường giác ngộ

Giá trị to lớn mà Phật giáo đem lại cho nhân loại và càng đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong xã hội hiện đại, đó là tôn giáo do đức Phật khai sáng là tôn giáo của đạo đức. Trong tác phẩm đức Phật và tương lai Phật giáo của Bhimrao Ramji Ambedkar (Dịch giả Hoàng Phong), Ambedkar viết: “…Đạo đức mới thật sự là cội rễ của tôn giáo và Phật giáo sẽ không thể nào tồn tại được nếu không có cái phần cội rễ ấy….Thật vậy, người ta có thể khẳng định một cách chắc chắn Đức Phật là vị Thầy đầu tiên của nhân loại đã đem đạo đức làm cốt tủy và nền móng để xây dựng một tôn giáo. Đấy là cả một cuộc cách mạng lớn lao mà tầm quan trọng chỉ có thể hình dung được khi tự đặt vào vị trí của thời điểm bấy giờ…”. Chính điều đó đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và quyết định lựa chọn tôn giáo của Ambedkar làm lý tưởng sống và con đường đấu tranh vì bình đẳng xã hội. Nguồn gốc gia đình của ông là một một gia đình tiện dân sống ngoài lề xã hội, các quyền cơ bản của con người bị chà đạp, nên ông thấu hiểu, đồng cảm với nỗi khổ ở tầng lớp thấp của xã hội. Quyền con người, các quyền cơ bản dường như khó chạm tới những người dân cùng khổ này. Hiểu được điều đó, với nguyện vọng, khát khao cháy bỏng mong muốn đem đến cho những con người khốn khổ có được tự do, bình đẳng, được sống với quyền cơ bản của con người, ông cũng đã tìm ra chân lý thực sự từ giáo lý của đức Phật.

Ông đã viết về ý nghĩa của Đạo Phật với xã hội và chỉ rõ tồn tại xã hội trong tác phẩm của mình như: “Đức Phật đã đưa ra sự thách thức của Đạo pháp trước giáo lý Chaturvarna[1], một giáo lý công khai chủ trương sự bất bình đẳng trong xã hội và xem đó như một khởi điểm tiên quyết. Chẳng những Đức Phật đã thuyết giảng một giáo lý ngược hẳn lại với chủ trương đó, mà Ngài còn đem hết nghị lực để xóa bỏ tất cả những tệ nạn do sự phân chia giai cấp đã để lại. Đối với Ấn giáo, không thể có một kẻ nào thuộc vào giai cấp sudra[2] hay là một phụ nữ lại có thể trở thành một vị giáo sĩ, họ cũng không được phép tu tập theo cách thức sannyasa[3] để có thể hội nhập với Thượng đế. Ngược lại, Đức Phật đã đón nhận những người trong giai cấp sudra để đưa họ hòa nhập với Sangha (Tăng đoàn) và cho phép cả người phụ nữ cũng được trở thành bhiksuni (tỳ kheo ni). Thật hết sức rõ ràng và bằng những hành vi cụ thể, Đức Phật đã quyết tâm chống lại giáo điều chủ trương bất bình đẳng giữa con người. Những đả phá của Đức Phật bắt buộc Ấn giáo phải cải tổ rất nhiều điểm quan trọng trong giáo lý của tôn giáo này.”

Bình đẳng trong Đạo Phật chính là từ bi, bởi lẽ có từ bi mới sinh ra lòng trắc ẩn, từ lòng trắc ẩn mới sinh ra tư duy suy nghĩ cho người khác, và cũng từ suy nghĩ cho người khác mới sinh ra hành vi tốt, hành động thiện nguyện.

Đức Phật đã đưa ra những lý giải rất giản đơn cho sự bình đẳng giữa con người với con người, như “Này Assal yana, ông nghĩ thế nào? Phải chăng chỉ có người Bà-la-môn là có khả năng cầm cây chà lưng và bột tắm, đi đến dòng sông tắm sạch các bụi bặm và chất dơ; còn các người Sát-đế-lỵ, người lái buôn người công nhân thì không có khả năng đó? – Thưa không tôn giả Gotama. Dù đó là người Sát-đế-lỵ, người Bà-la-môn, người lái buôn, hay là người công nhân, những người thuộc cả bốn giai cấp đều có khả năng cầm cây chà lưng và bột tắm, đi đến dòng sông tắm sạch các bụi bặm và chất dơ”[4].

Chính chân lý, lý luận và những tư tưởng cấp tiến vượt thời đại của đức Phật đã chỉ ra con đường sáng suốt để Ngài Ambedkar tìm được hướng đi cho mình và tìm ra được phương hướng đấu tranh cho những người thuộc giai cấp của để hướng tới sự vì tự do, bác ái trong xã hội hiện đại. Ngài đã đưa ra những biện giải khách quan, bất bình đẳng trong sự phân chia giai cấp trong xã hội “Nhất là điều khoản gọi là himsa (sự hung bạo) mà Ấn giáo đành phải chấp nhận từ bỏ, kể cả việc sẵn sàng phủ nhận đặc tính không thể sai lầm trong kinh Vệ-đà. Dù sao đi nữa, đối với cả hai phía, giáo điều Chaturvarna (sự phân chia giai cấp) vẫn luôn luôn là mấu chốt gây ra bất đồng chính kiến, và về điểm này thì không bên nào chịu nhường nhịn. Điều này đã chứng minh và giải thích cho thấy tại sao sự hận thù của Ấn giáo đối với Phật giáo lại quyết liệt hơn hẳn so với đạo Jaïn[5]” [6]. Ambedkar cho rằng, một xã hội phân hóa là một xã hội thiếu đi sự thăng bằng của luật pháp và đạo đức tạo lên sự bất công và phân hóa giai cấp sâu sắc. Ta đặt tôn giáo trong hệ thống gồm các quy phạm đạo đức và khi đó tôn giáo trở thành các nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý xã hội. Những quy tắc đạo đức là thành phần căn bản của tất cả mọi tôn giáo, nhưng đồng thời cũng không phải là điều kiện duy nhất mà tôn giáo cần phải có.

Những giáo lý đó phải được đặt trên một nền tảng cơ bản về quyền tự do, công bằng và nhân ái. Bất cứ một tôn giáo nào nếu không xây dựng được những nguyên tắc đó thì theo thời gian và quy luật nó sẽ bị đào thải ra khỏi cuộc sống. Dù trong bất cứ trường hợp nào thì một tôn giáo chân chính sẽ không được coi sự nghèo đói là bổn phận, là mặc định và xem sự giàu có là một phúc lành, đó là tìm cách đánh lạc hướng tôn giáo. Nó chính là “thủ đoạn” để biến thế giới này thành một địa ngục được cổ súy, duy trì những thói xấu và tội ác do sự nghèo đói sinh ra.

Ông đặt ra một câu hỏi: “Vậy thì tôn giáo nào đây có thể đáp ứng được những đòi hỏi như vừa kể ? Khi đã nêu lên câu hỏi ấy thì phải hiểu rằng giai đoạn của Mahatma[7] đã qua rồi, và trên địa cầu này không còn chỗ nào cho một tôn giáo mới có thể phát sinh. Vậy chúng ta đành phải lựa chọn những tôn giáo đã có sẵn. Cũng có thể là một trong những tôn giáo sẵn có hiện nay đáp ứng được điều kiện này hay điều kiện kia trong số bốn điều kiện vừa được nêu lên trên đây. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn là phải tự hỏi xem có một tôn giáo nào đủ sức đáp ứng được tất cả bốn điều kiện cùng một lúc hay không.”

Ngài khẳng định chỉ có Phật giáo là đáp ứng được tất cả những điều kiện trên. Vì Phật giáo là một tôn giáo duy nhất có thể phù hợp cho toàn thể loài người.

1.2. Vai trò của Bhimrao Ramji Ambedkar trong công cuộc đấu tranh vì bình đẳng xã hội và chấn hưng Phật Giáo tại Ấn Độ

Để thấy được vai trò của Bhimrao Ramji Ambedkar trong công cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng trong xã hội và việc trấn hưng Phật Giáo tại Ấn Độ, ta nhìn lại lịch sử Phật giáo sau khi đức Phật nhập Niết bàn.

Sau khi đức Phật nhập Niết bàn vào năm 483 tr.TL, Phật giáo ở Ấn Độ có thể nói đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Sự kiện vua Ashoka (A Dục – của triều đại Maurya) quy y Phật giáo là một sự kiện quan trọng. Thông qua các phái đoàn truyền giáo do vua Ashoka phái đi, Phật giáo được truyền vào Trung Á, Tây Á và Srilanka cùng nhiều xứ sở khác. Điều đó đã đưa Phật giáo trở thành một tôn giáo của thế giới vào thời điểm đó. Qua diễn biến của quá trình cải tổ xã hội và những biến động của đất nước, Phật giáo biến mất ngay trên mảnh đất khai sinh, nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển ở những quốc gia khác ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á. Tại Ấn Độ, Phật giáo chỉ còn giới hạn nơi một nhóm nhỏ ở vùng Đông Bắc và khu vực Himalaya của Ấn Độ vào thế kỷ XII, thậm chí, Phật giáo chỉ còn bó hẹp trong phạm vi các tu viện, tự viện. Khoảng thời gian từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX được xem là thời kỳ đen tối nhất của Phật giáo Ấn Độ. Chùa, các tu viện bị những người chống Phật giáo hủy diệt và một số thì bị đổ nát do hoàn toàn. Với sự tàn phá khốc liệt như vậy, Phật giáo dần bị xóa bỏ khỏi đất nước Ấn Độ – mảnh đất đã khai sinh ra đạo Phật.

Bước vào thế kỷ XX, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi Phật giáo là quốc đạo và Phật giáo đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên tại quê hương Ấn Độ, đạo Phật vẫn chỉ là một giai đoạn lịch sử đã qua của quá khứ. Phần lớn người Ấn Độ không còn được biết đến đức Phật hay giáo lý của đạo Phật với tư cách là một tôn giáo là như thế nào. Họ chỉ biết là đức Phật (Lord Buddha) là hiện thân của thần Vishnu trong Hindu giáo, đồng nghĩa với việc đức Phật là một vị thần của Hindu giáo. Nhưng cũng chính sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của Phật giáo trên khắp thế giới đã góp phần lan tỏa ngược, truyền lại sức mạnh tới Ấn Độ. Điều đó, đã giúp cho phong trào khôi phục lại Phật pháp tại Ấn Độ một cách mạnh mẽ.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của Tiến sĩ B.R.Ambedkar, một nhà tư tưởng được giới Phật tử biết đến như là sự hiện thân của một vị Bồ tát, ngài đã dóng lên tiếng chuông chính pháp và khởi nguồn cho sự hồi sinh của Đạo Phật ở Ấn Độ. Do được sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp Mahar tại ngôi làng Ambevade, có cha là ông Ramaji Sakpal theo đạo Hindu[8]. Do tín ngưỡng gia đình theo đạo Hindu nên ông đã học những Thánh điển Hindu sống và thực hành theo giáo lễ. Qua trải nghiệm của cuộc sống, Ambedkar nhận ra rằng những người thuộc tầng lớp thấp bị những người thuộc đẳng cấp cao đối xử rất tệ bạc, coi khinh sự phân biệt trong xã hội rất sâu sắc. Do vậy, Ambedkar đi tìm những tôn giáo nhau rất lâu, với hy vọng có thể tìm ra một tôn giáo có thể giúp cho bản thân và những người ở tầng lớp thấp tìm được ánh sáng tự do, bình đẳng. Hạnh phúc đã đến khi ông đọc được kinh điển Phật giáo và ông tin rằng Ấn Độ sẽ tìm lại được sự vinh quang, thoát khỏi phân biệt giai cấp, khi dân chúng quay trở lại với Phật giáo, và đạo đức Phật giáo trở thành quy tắc trong xã hội theo lời dạy của đức Phật. Phật giáo là tôn giáo chống lại sự uy quyền và sự phân chia xã hội thành những đẳng cấp khác nhau, sự phân biệt giữa con người với con người.

Trước Phật giáo mọi người đều bình đẳng như nhau, dù bạn là ai trong xã hội này, đức Phật đã dạy, mỗi chúng ta đều là một vị Phật, nhưng vì u mê tham đắm trong dục lạc thế gian nên chúng ta không tìm ra vị Phật đó trong chính mình. Từ đó bị ngụp lặn trong biển khổ của luân hồi. Cái mà mỗi chúng ta có thể làm được cho chính mình đó là tạo nghiệp lành để gặp được duyên lành theo đúng quy lật Nhân – Quả của Đạo Phật.

Chính vì vậy, bình đẳng là đặc điểm chính của Phật giáo. Ngài Ambedkar đã quyết định từ bỏ Ấn giáo vào ngày 13 tháng Mười năm 1935[9]. Tại Hội nghị của tầng lớp bị áp bức được tổ chức tại Yeola (Nasik), ông tuyên bố: “Tôi sinh ra là một người Hindu, nhưng tôi sẽ không chết như một người Hindu, vì đây là quyền của tôi”. Ông đưa ra quyết định này để quy y theo Phật giáo. Tuyên bố Yeola đã trở thành cột mốc quan trọng trong công cuộc đấu tranh của những đẳng cấp bị áp bức về bình đẳng xã hội. Theo Ông thì “Tôn giáo vì con người, không phải con người vì tôn giáo”[10]. Tức là, con người trở thành trung tâm của sự phát triển. Mọi hành động, tư tưởng, việc làm đều nhằm mục đích vì sự phát triển bền vững và tồn vong của thế giới này, sự ra đời của Phật giáo ở Ấn Độ có ý nghĩa như cuộc Cách mạng Pháp mở đường cho việc thiết lập nền dân chủ.

Ông đã phát biểu tại Hội nghị Colombo vào ngày 25 tháng 5 năm1950: “Phật giáo có thể đã biến mất nơi hình thức vật chất nhưng nó vẫn tồn tại ở Ấn Độ như một sức mạnh tinh thần”. Phật giáo trường tồn không phải ở sự tồn tại của vật chất, dù biến động của lịch sử chịu sự tàn phá khốc liệt muốn xóa bỏ tư tưởng của Đức Phật, nhưng giá trị cao cả, nhân văn của Phật giáo sẽ luôn trường tồn khi đến khi nào còn sự tồn tại của con người trên thế giới này. Ông đã khẳng định rằng “Nếu phần còn lại của xã hội Hindu không hợp tác, vậy thì chúng ta, những thành viên của những đẳng cấp bị phân biệt, sẽ tự mình tiếp tục và cố gắng thêm lần nữa mang lại cho Phật giáo sự vinh quang và uy thế trước đây của nó ở đất nước này”[11].

Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà Phật giáo chính là khoa học của khoa học, là nền tảng triết học, Ông đã nhận định rằng “Triết học xã hội của tôi có thể nói được bao hàm trong ba từ: tự do, bình đẳng và tình ái hữu. Tôi đã rút chúng ra từ giáo pháp của Thầy tôi, đức Phật”[12]. Ông đã tham gia giảng dạy, thuyết trình để truyền tải Phật pháp đến với mọi người và chỉ ra bình đẳng xã hội chỉ có thể đạt được thông qua con đường mà đức Phật đã chỉ ra. Ông nói, “Tôi yêu thích Phật giáo hơn vì tôn giáo này đưa ra ba nguyên tắc kết hợp mà không tôn giáo nào đưa ra. Tất cả những tôn giáo khác đang tự quấy rấy mình với ‘Thượng đế’ ‘linh hồn’ và ‘đời sống sau khi chết’. Phật giáo dạy ‘trí tuệ’ (prajna), ‘từ bi’ (karuna) và ‘bình đẳng’. Đây là những gì hấp dẫn tôi. Ba nguyên tắc này cũng có thể hấp dẫn thế giới. Không có Thượng đế hay linh hồn nào có thể cứu được xã hội”. Ánh sáng của Phật pháp đã chiếu sáng cho tâm hồn ông và ông muốn lan tỏa ánh sáng đó đến tất cả những người cùng khổ. Niềm tin, hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn đó chính là đấu tranh vì sự bình đẳng. Ông đã nêu rõ: “Chỉ có một người duy nhất đã cất lên tiếng nói chống lại sự phân chia [đẳng cấp] và giải phóng tầng lớp tiện dân, đó chính là đức Phật”[13]. Đó chính là sức mạnh, là hạnh phúc là con đường tìm ra chân lý và Ambedkar đã tuyên bố ông sẽ quy y Phật giáo vào ngày 14 tháng 10 năm 1956 tại thành phố Nagpur, bang Maharastra[14]. Tại sự kiện này, Ông đã cùng với hơn 500 ngàn đã chính thức quy y theo Phật giáo. Đây là sự kiện vĩ đại mà thế giới được chứng kiến, là một sự kiện cải đạo tập thể chưa từng có trong lịch sử. Việc đem Phật giáo trở lại Ấn Độ, lan tỏa sức mạnh của Phật giáo đến đông đảo quần chúng nhân dân, Ông trở thành vị cứu tinh của những người ở giai cấp thấp và đã mở cánh cửa Phật giáo cho tất cả họ. Đưa lại Phật giáo trở lại xã hội, Ông đã trao cho những người ngoài lề xã hội một cuộc đời mới tốt đẹp hơn.

2. Sự kế thừa tư tưởng của Bhimrao Ramji Ambedkar trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và phát triển Phật giáo trong xã hội ngày nay

Phật giáo Ấn Độ bừng tỉnh giấc và phát triển mạnh mẽ từ sự khơi nguồn của Ambedkar, mọi người tôn kính ông và coi ông là Bồ tát vĩ đại, là Ashoka là đại hộ pháp của thời đại ngày nay. Tư tưởng của ngài là bất tử trường tồn cùng Phật giáo và khắc ghi trong lòng người tôn sùng đạo Phật ở Ấn Độ và của các Phật tử trên toàn thế giới.Để kế thừa, phát triển tư tưởng Bhimrao Ramji Ambedkar, chúng ta nghiên cứu các biện pháp mà Ngài đã đưa ra trong quá trình đấu tranh hồi phục, bảo tồn Phật giáo ở Ấn Độ. Trong tác phẩm của mình, Ngài đã nêu ra những biện pháp thực tiễn để truyền bá Phật giáo đề nghị các biện pháp như: Soạn thảo và phổ biến một quyển Thánh kinh Phật giáo. Cải tiến cơ cấu, mục đích và vai trò của Tăng đoàn. Thành lập một Phái bộ Phật giáo thế giới.

Thứ tự này Ngài đưa ra là tiến trình trong việc hồi phục, phát triển Phật giáo trong thực tế để phù hợp với xu thế phát triển. Trong đó, việc soạn thảo và phổ biến một quyển Thánh kinh Phật giáo là yếu tố đầu tiên, quan trọng và tiên quyết. Vì việc phát hành và phổ biến một quyển Thánh kinh Phật giáo là một việc thiết yếu và khẩn cấp. Việc soạn thảo một trước tác như thế phải thật cẩn trọng về ngữ pháp, ngôn từ sử dụng phải linh hoạt, sống động, trang nghiêm nhưng gần gũi với người dân, để tạo ra cho toàn bộ trước tác một không khí thiêng liêng qua những câu tụng niệm.

Ngài cũng đánh giá ngày nay tăng đoàn không còn đủ sức hướng dẫn và phục vụ người dân như trọng trách của họ đã được đức Phật dạy. Trong tình trạng này việc phổ biến Phật pháp không còn được chú trọng vì họ không thấy được lợi ích của điều đó. Ngài cũng đánh giá một cách thực tế rằng những tỳ kheo thực hiện tốt các hoạt động xã hội, có nhiều khả năng sẽ đem lại những lợi ích lớn cho xã hội như vậy “cũng đủ để thay cho cả một đạo binh khổng lồ gồm toàn những kẻ ăn không ngồi rồi”. Quá trình phát triển của Phật giáo ta thấy rằng những yếu tố này cũng chính là những phẩm tính của các vị tỳ kheo trong quá khứ[15]. Những người tu hành ngày nay phải quay về với lý tưởng đó. Ngài chỉ rõ muốn quảng bá tôn giáo cũng như phổ biến giáo dục đều đòi hỏi những phương tiện thật mạnh đó là các yếu tố con người và tài chính. Thời đại ngày nay là một không gian mở, các quốc gia liên kết, hợp tác trên tinh thần cùng nhau phát triển, điều đó hết sức thuận lợi để thực hiện sứ mạng ấy.

Ông cũng chỉ ra rằng trong quá khứ thì tôn giáo đã nằm sẵn trong gia tài mà mỗi cá nhân được thừa hưởng từ cha mẹ, dòng tộc, đó là lẽ hiển nhiên, và mặc định. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi con người sinh ra đều có quyền thắc mắc và có đủ dũng cảm để từ bỏ một đức tin mà họ thấy sai lầm, không phù hợp với xu thế phát triển, để cởi mở dám đón nhận một tôn giáo khác mà họ cho là chân lý, đích thực, triệt để và giải thoát thực sự.

Đây chính là thời cơ để mang Phật giáo đến với những người chưa hề biết tôn giáo này là gì. Và ông cũng nói rằng:…biết đâu họ cũng đang chờ đợi chúng ta đến gần với họ.

Kết luận

Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ra trong một gia đình tiện dân sống bên lề xã hội, nhưng ông đã vươn lên bằng trí thông minh và niềm tin vào giáo của đức Phật, lòng kiên định của mình. Ông đã khuyến khích và quy y tập thể người tiện dân trong một buổi lễ tổ chức ngày 14 tháng 10 năm 1956, đánh dấu sự hồi sinh của Phật giáo trên đất nước Ấn Độ. Ambedkar cũng đã nhận định: “Tôn giáo của đức Phật là đạo đức. Phật giáo bao trùm lấy đạo đức. Phật giáo không có nghĩa gì nếu không có đạo đức. Chắc chắn rằng Phật giáo không tôn thờ Thượng đế. Thượng đế ngự trị trong đạo đức. Những đạo đức gì Thượng đế để vào trong các tôn giáo khác là Phật giáo”. Với nhận định này, ông đã đưa Phật giáo vào một vị trí như là yếu tố cốt lõi của các tôn giáo khác, đó là đạo đức tôn giáo điều tạo nền tảng, là con đường để đấu tranh vì sự bình đẳng trong xã hội.

Lê Thị Thu Dung
Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng

***

Tài liệu tham khảo
1. Analayo. Satipatttha ̅: The Direct Path to Realization (Kinh Niệm Xứ: Con đường trực tiếp đi đến Giác Ngộ). Birmingham, UK: Windhorse, 2003.
2. Ambedkar (Hoàng Phong dịch), Đức Phật và tương lai Phật giáo.
3. Bodhi, Bhikkhu, (dịch). The Connected Discourses of the Buddha: A translation of the Samyutta Nika ̅ya (Tương Ưng Bộ Kinh) Boston: Wisdom Publications, 2000.
4. Gethin, Rupert. The Foundation of Buddhism (Những nền tảng của Phật Giáo). Oxford and New York: Oxford University Press, 1998.
5. Ireland, John D., (dịch). The Uda ̅nana and Itivuttaka: Inspired Utterances of the Buddha and Buddha’s Sayings. (Kinh Phật tự thuyết và Kinh Phật Thuyết Như Vậy) Kandy, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1997.

Chú thích
[1] Chaturvarna : sự phân chia giai cấp, đẳng cấp.
[2] Sudra : là giai cấp thứ tư và thấp nhất trong xã hội gồm những người tôi đòi và hầu cận. Xin ghi chú thêm là những người tiện dân không được phép có giai cấp.
[3] Sannyasa : là phép tu tập du-già thiền định, sống độc thân, từ bỏ mọi tiện nghi và xa lìa thế tục, mục đích là đạt được sự giải thoát để hội nhập với Thượng đế.
[4] Kinh Trung BK II, Kinh số 93-tr:681-696.
[5] Đạo Jaïn là một tôn giáo lâu đời, tách ra từ đạo Bà-la-môn, xuất hiện từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên, chủ trương bất bạo động, tu tập khổ hạnh và không sát sinh dưới bất cứ hình thức nào.
[6] Ambedkar (Hoàng Phong dịch), Đức Phật và tương lai Phật giáo.
[7] Tác giả muốn nói đến Mahatma Karamchand Gandhi (1869 – 1948) người đã giành được độc lập cho Ấn độ bằng cách tranh đấu bất bạo động. Hành vi bất bạo động của Gandhi có thể xem là thiêng liêng như một tôn giáo.
[8] Thời kỳ bấy giờ thì đẳng cấp Mahar ở Ấn Độ bị xem là giai tầng tiện dân trong xã hội Hindu.
[9] Phong trào Satyagraha mà Ông khởi xướng đã không thành công trong việc thay đổi thái độ của người Hindu về đẳng cấp.
[10] Hội nghị Mahar được tổ chức tại Bombay (Mumbai) vào ngày 31-5-1936.
[11] Năm 1951, ông đã tham gia lễ Phật đản (Buddha Jayanti) do Hội Mahabodhi Ấn Độ tổ chức ở New Delhi.
[12] Vào ngày 3-10-1954, trên Đài BBC.
[13] Phát trên Đài BBC vào ngày 12-5-1956.
[14] Vào ngày 24-5-1956, ngày Lễ Phật đản lần thứ 2500, tại một buổi mít tinh công cộng.
[15] Chỉ cần nhìn lại các đại học như Nalanda, Taxila từng được các nhà sư quản lý, nhất định các vị ấy phải có trình độ học vấn thật cao.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/gia-tri-tu-tuong-ve-cong-bang-giai-phong-nguoi-cung-kho-cua-bhimrao-ramji-ambedkar-trong-bien-doi-xa-hoi-hien-dai.html