Giá trị văn hóa truyền thống cần được giữ gìn và phát huy

Người Chăm H'roi ở tỉnh Phú Yên có nhiều nghi lễ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những nghi lễ truyền thống được người Chăm H'roi nơi đây rất chủ trọng gìn giữ và duy trì cho đến ngày nay, đó là lễ cưới hỏi.

Cô dâu, chú rể người Chăm H’roi hạnh phúc trong lễ cưới. Ảnh: Thúy Hạnh

Cô dâu, chú rể người Chăm H’roi hạnh phúc trong lễ cưới. Ảnh: Thúy Hạnh

Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực biên giới biển, vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Trong số gần 30 dân tộc ở Phú Yên, hiện có gần 20.000 người là dân tộc Chăm H’roi sinh sống. Địa bàn cư trú của họ kéo dài từ huyện Đồng Xuân ở phía Tây Bắc đến huyện Sông Hinh ở phía Tây Nam.

Ở thôn Tân Hiệp, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, đám cưới của chú rể Kpă Đức và cô dâu Ra Lan Thị Nhỏ đã được tổ chức theo nét văn hóa truyền thống. Trong đó, ông mai, bà mối (hay còn gọi là Ma Dong) là người khơi mào cho việc se duyên, kết tóc của đôi vợ chồng người Chăm H’roi. Ma Dong là người có uy tín trong làng, giỏi ăn nói. Nhờ Ma Dong mà đằng nhà trai và nhà gái đã đồng ý tổ chức lễ cưới cho con của mình.

Cũng giống như nghi lễ cưới của người Kinh, lễ hỏi vợ của đồng bào Chăm H’roi bao giờ cũng được nhà trai chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Ngoài đại diện nhà trai là chú rể, thành phần đi hỏi vợ bắt buộc phải có một già làng. Đây là nhân vật chính, góp phần cho thành công của lễ hỏi vợ. Trước khi sang nhà gái hỏi vợ cho con, nhà trai không quên cúng tổ tiên và Giàng, xin phép ông bà cho tiến hành buổi lễ. Lễ vật đằng trai mang sang nhà gái gồm 1kg gạo, một xấp lá trầu không, 1 vòng đeo tay làm bằng đồng, 1 cây nến bằng sáp ong và 2 chai rượu trắng. Tất cả được gói gọn vào trong mảnh vải làm tay nải và giao cho già làng mang đi.

Theo phong tục của người Chăm H’roi, dọc đường đến nhà gái, những người trong đoàn không được chào hỏi bất kỳ ai gặp trên đường, dù là quen biết nhau. Đối với những người đi cùng đường, phải tránh nơi khác và cũng không được thưa, gọi nhau. Trường hợp có người sơ ý chào hỏi, nhà trai phải quay về nhà, bởi họ cho đó là điềm xấu, cần phải kiêng kỵ.

Là người kết duyên cho cô dâu, chú rể sống hạnh phúc trăm năm, thầy cúng Sô Nhiêm (thôn Tân Hiệp) cho biết: “Theo phong tục tập quán của người Chăm H’roi, đầu tiên, phía nhà gái tổ chức đám cưới với lễ vật là 1 con gà, 1 ché rượu. Sau đó, bên phía nhà trai cũng làm 1 con gà, 1 ché rượu. Trước là cúng thần, sau là cúng tổ tiên”.

Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, lễ đón rước nhà trai đến nhà gái diễn ra khá long trọng. Chai rượu đã được rót, mời từng người trong đoàn nhà trai. Sau khi hai gia đình đã hòa nhập vui vẻ, nhà trai bày ra các lễ vật xin dạm hỏi. Hai bên bắt đầu bàn bạc và thảo luận những vấn đề liên quan đến hôn nhân.

Nhà trai sẽ báo cho nhà gái biết gia cảnh, điều kiện ăn ở, công việc bản thân của chàng trai sau khi đã là chú rể. Sau khi nghe ưng cái bụng, cha mẹ và anh em nhà gái sẽ cho gọi con gái ra hỏi ý kiến. Thường thì cái nhéo tai giữa già làng và cô dâu là thể hiện sự đồng ý. Nếu nói dối sẽ phải chịu mất bò, mất trâu để trả lễ. Thế nhưng, đối với đồng bào Chăm H’roi, nụ cười bẽn lẽn và bỏ đi nơi khác của cô dâu cũng là thể hiện sự đồng ý.

Ngày sau đó, nhà gái đem lễ vật của mình trình trước hai họ. Lễ cúng lại bắt đầu, sau khi sáp thơm được thắp lên, 4 ma dong của hai họ sẽ cùng nhau ngồi cúng Giàng, trước sự chứng kiến của cô dâu và bà con hai họ. Bữa cơm thân mật giữa hai gia đình được tổ chức. Thời gian ăn uống cũng là thời gian hai bên bàn cách tổ chức lễ cưới, bàn về của hồi môn và định ngày cưới.

Đối với người Chăm H’roi ở huyện Đồng Xuân, thường là sau lễ hỏi 15 ngày, lễ cưới mới được tổ chức. Còn đối với người Chăm H’roi ở các địa phương khác, thì khoảng cách giữa ngày hỏi và ngày cưới không theo một quy định nào. Có khi lễ hỏi, lễ cưới được tổ chức vào chung một ngày, tùy theo điều kiện kinh tế hai gia đình.

Rời nhà gái ra về, nhà trai không quên mang lễ vật của nhà gái để báo tin mừng. Trong đó, 2 chiếc vòng tay bằng đồng là vật không thể thiếu. Đây là vật chứng minh sự đồng ý giữa hai gia đình và là lễ vật trình ông bà tổ tiên, thông báo kết quả.

Song so với đám cưới hỏi của người Kinh, thì đám cưới hỏi của đồng bào Chăm H’roi có nhiều điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược nhau. Đi sâu tìm hiểu những nét văn hóa khác biệt đó, chúng ta càng thấy được những nét độc đáo tạo nên bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm H’roi ở Phú Yên. Nếu như đám cưới của người Kinh, sau lễ hỏi là lễ rước dâu, thì đối với đồng bào Chăm H’roi ở tỉnh Phú Yên, đó là lễ rước rể. Bởi người Chăm H’roi sống theo chế độ mẫu hệ. Phong tục cưới hỏi của người Chăm H’roi có một vài nghi lễ cầu kỳ, quy định khắt khe. Tuy nhiên, qua thời gian, lễ cưới và một số nghi lễ khác của người Chăm H’roi ngày càng bị ảnh hưởng bởi lối sống hội nhập.

Bà Hờ Bá Thị Tem (Chi hội Phụ nữ thôn Tân Lương, xã Sơn Hội) bày tỏ: “Mặc dù xã hội có phát triển hiện đại hơn trước, các thanh niên dân tộc Chăm H’roi cũng không thể bỏ qua các nghi lễ truyền thống hoặc lãng quên phong tục tập quán của dân tộc mình. Cưới hỏi theo nghi lễ truyền thống sẽ góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Chăm H’roi”.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tri-van-hoa-truyen-thong-can-duoc-giu-gin-va-phat-huy-post478987.html