Giá trúng thầu năm trước làm kế hoạch của năm sau khiến thuốc không đảm bảo chất lượng

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ, chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 15/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đấu thầu chỉ là "một phương tiện, không phải mục đích". Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định có một Chương riêng về đấu thầu thuốc; Đa dạng hóa phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, thuốc cho người bệnh chứ không chỉ có hình thức đấu thầu.

Hơn nữa, bà Phong Lan cho rằng, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Quy định về chọn giá phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm kế hoạch của năm sau. Bởi, như vậy sẽ dẫn đến giá đấu thầu thuốc ngày càng thấp và không đảm bảo chất lượng.

Từ việc này, đại biểu nêu quan điểm, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc. Nữ đại biểu Đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu.

Thảo luận tại phiên họp, ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng đấu thầu của dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Thêm mới 21 Điều, sửa đổi 75 Điều và bãi bỏ 12 Điều. Đặc biệt, tại khoản 3, Điều 1 bổ sung quy định về các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, vẫn còn những hoạt động khác không có trong khoản 3, Điều 1 nhưng cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật như hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập cho thuê tài sản công hay các dịch vụ phi y tế.

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định rõ phạm vi điều chỉnh của các hoạt động phải đấu thầu. Đồng thời, cần có quy định khái niệm vốn nhà nước nhằm bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với các quy định tại pháp luật có liên quan.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Trần Khánh Thu nêu quan điểm, dự thảo luật có một số quy định chưa hợp lý, khó thực hiện, chưa phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế, chưa quy định thẩm quyền quyết định các gói thầu tại Mục đ Điều 27,…

Do đó, nữ đại biểu Đoàn tỉnh Thái Bình đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và khẩn cấp, cấp bách.

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 15/11.

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 15/11.

Để đảm bảo công tác đấu thầu công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, tránh sai sót, vi phạm không đáng có, đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo luật quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế như mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vậy tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác. Đồng thời cần có quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, xử lý chỉ định thầu rút gọn.

Điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cách đây chưa lâu, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 180 ý kiến phát biểu.

Tại phiên thảo luận tại Tổ, các ĐBQH đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý, góp phần phòng, chống lãng phí, giải quyết những tồn tại trong lựa chọn nhà thầu mua sắm công…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã góp ý đối với từng nhóm chính sách cụ thể và các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật. Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách với các nhóm nội dung lớn cần tập trung thảo luận.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-trung-thau-nam-truoc-lam-ke-hoach-cua-nam-sau-khien-thuoc-khong-dam-bao-chat-luong-169221115101238501.htm