Giá uranium cao kỷ lục giữa cơn khát năng lượng của trung tâm dữ liệu AI
Giá uranium giàu tăng vọt lên mức cao kỷ lục khi nhu cầu năng lượng khổng lồ từ các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt của thị trường nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Chi phí làm giàu uranium tăng lên tới 190 đô la Mỹ cho mỗi đơn vị công việc tách đồng vị (SWU- separative work unit), cao nhất từ trước đến nay, gấp gần 4 lần so với mức 56 đô la /SWU cách đây 3 năm, theo nhà cung cấp dữ liệu UxC. SWU là thước đo tiêu chuẩn về nỗ lực cần thiết để tách các đồng vị của uranium nhằm tăng hàm lượng (độ giàu) của đồng vị U235, đóng vai trò quan trọng trong các lò phản ứng ở các nhà máy điện hạt nhân. Cần khoảng 5 SWU để sản xuất 1 kg uranium có hàm lượng U235 3,5% từ 7 kg uranium tự nhiên, vốn chỉ có hàm lượng U235 0,25%.
Năng lượng hạt nhân bị “thất sủng” sau sự cố rò rỉ phóng xá ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi do thảm họa kép động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào năm 2011,
Thế nhưng, trong những năm gần đây, năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại khi các chính phủ và doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn năng lượng không carbon đủ lớn để phục vụ các cơ sở công nghiệp và cộng đồng.
Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ Microsoft và Amazon rất chú trọng sử dụng điện hạt nhân để vận hành các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều năng lượng mà họ đang chạy đua xây dựng để cạnh tranh thị phần AI tạo sinh.
Nga là nhà sản xuất uranium giàu hàng đầu, kiểm soát 44% năng lực sản xuất toàn cầu, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ và lệnh hạn chế xuất khẩu của Nga đã góp phần đẩy giá nhiên liêu này lên mức cao kỷ lục.
“Phương Tây không có đủ năng lực chuyển đổi và làm giàu uranium. Đó là lý do tại sao giá uranium lại tăng mạnh như vậy và sẽ còn tăng cao hơn nữa”, Nick Lawson, CEO của công ty tư vấn đầu tư Ocean Wall nói.
Đầu năm 2024, Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật cấm nhập khẩu uranium giàu từ Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm được miễn trừ đến cuối năm 2027 đối với các công ty dịch vụ tiện ích đứng trước nguy cơ dừng hoạt động lò phản ứng hạt nhân nếu nguồn cung uranium giàu từ Nga bị cắt đứt.
Do vậy, tình hình thắt chặt của thị trường uranium có thể trầm trọng hơn sau năm 2027. Điều đó buộc ngành công nghiệp điện hạt nhân phải tìm kiếm các cơ sở sản xuất mới có thể chuyển đổi uranium tự nhiên thành uranium giàu dùng cho lò phản ứng hạt nhân. Ngoài Nga, các nước phương Tây có các cơ sở chuyển đổi uranium đang hoạt động là Pháp, Mỹ và Canada.
Nick Lawson lưu ý, cần nhiều quyết định chính trị quan trọng về đầu tư vào chuỗi cung ứng hạt nhân và uranium được đưa ra vì việc xây dựng các cơ sở mới sẽ mất nhiều năm và tốn kém rất nhiều tiền.
Theo nhóm nhà phân tích của ngân hàng Berenberg, khoảng 27 % lượng urani giàu nhập khẩu của Mỹ trong năm 2023 đến từ Nga. Các công ty dịch vụ tiện ích của Mỹ có thể đã trữ đủ nhiên liệu hạt nhân cho năm nay nhưng nguồn cung sẽ giảm đáng kể trong 4 năm tới.
“Các công ty tiện ích của Mỹ sẽ phải bắt đầu thảo luận về hợp đồng trong năm nay để đảm bảo nguồn cung uranium giàu, đặc biệt là khi họ không còn có thể nhập khẩu từ Nga kể từ sau năm 2027”, nhóm nhà phân tích của Berenberg viết trong một báo cáo gần đây.
Hầu hết uranium giàu được bán theo hợp đồng dài hạn thay vì trên thị trường mở hoặc thị trường giao ngay. Tuy nhiên, giá giao hàng ngay có thể tăng do nguồn cung uranium tự nhiên cũng đang có nguy cơ thắt chặt
Kazatomprom, công ty khai khoáng nhà nước của Kazakhstan và là nhà sản xuất uranium tự nhiên lớn nhất thế giới, đã cảnh báo trong những tháng gần đây về sản lượng thấp hơn dự kiến.
“Chúng tôi ngày càng thấy rằng uranium của Kazakhstan sẽ chảy nhiều vào Trung Quốc và Nga và chảy ít hơn về phương Tây. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho các công ty tiện ích ở phương Tây”, Andre Liebenberg, CEO công ty đầu tư uranium Yellow Cake (Anh) nói và cảnh báo nguồn cung uranium sẽ thiếu hụt trong trung hạn chỉ vì thiếu các dự án mới có thể đi vào hoạt động nhanh chóng.
Theo Financial Times