Giá uranium đạt mức cao nhất trong 12 năm khi các chính phủ ủng hộ năng lượng hạt nhân
Giá uranium đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm và cho thấy sự phục hưng của năng lượng hạt nhân trên toàn cầu.
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu UxC, giá uranium đã tăng khoảng 12% lên 65,50 USD/pound trong tháng qua, vượt mức đỉnh của năm ngoái và đạt mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2011.
Nhu cầu uranium đã được nâng lên bởi các chính phủ từ Washington đến Seoul và Paris đang tìm kiếm sự độc lập về năng lượng bằng cách kéo dài tuổi thọ nhà máy điện hạt nhân hiện có, bên cạnh dự tính xây dựng các nhà máy mới sau khi giá khí đốt tăng vọt do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
Cột mốc quan trọng về giá uranium đã đánh dấu một bước tiến lớn hướng tới sự tái xuất hiện của năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng cơ bản không chứa carbon trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một vai trò đã bị suy yếu sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011.
Grant Isaac, Giám đốc tài chính của Cameco - nhà sản xuất uranium lớn thứ hai thế giới - cho biết: “Thế giới đang tập trung vào an ninh năng lượng và tập trung vào năng lượng sạch. Những ngày mua uranium giá 40 USD đã qua - và có lẽ với giá 50 hoặc 60 USD cũng đã qua. Chúng tôi sẽ cần nguồn cung cấp mới”.
Nhu cầu và giá uranium đã giảm sau thảm họa hạt nhân Fukushima dẫn đến sự thiếu hụt các dự án khai thác mới, điều này đã đặt nền móng cho giá cao hơn hiện nay.
Ngoài ra, cuộc đảo chính ở Niger - nguồn cung chiếm khoảng 4% lượng uranium của thế giới - đã làm tăng thêm áp lực về giá, trong khi nhà sản xuất uramium Cameco đã công bố vào tháng 9 về việc giảm dự báo sản lượng cả năm do những thách thức tại mỏ Cigar Lake và nhà máy Key Lake ở Canada.
Orano - công ty hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Pháp cho biết vào tuần trước rằng, tình trạng thiếu các hóa chất quan trọng đã khiến hoạt động của công ty ở Niger phải tiến hành bảo trì theo kế hoạch.
Mặc dù giá uranium hiện vẫn còn cách xa mức 73 USD/pound trước thảm họa Fukushima, khiến thị trường uranium bị dư cung trong hơn một thập kỷ sau khi Nhật Bản và Đức bắt đầu ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân.
Per Jander, giám đốc của công ty kinh doanh hàng hóa WMC Energy cho biết, “sự tăng giá ổn định” chủ yếu được thúc đẩy bởi các công ty năng lượng chứ không phải là các nhà đầu tư.
“Sẽ có một cuộc khủng hoảng trong vài năm tới. Chúng ta không chỉ quay trở lại mức trước thảm họa Fukushima mà còn đang vượt quá mức đó”, ông cho biết khi đề cập đến tốc độ phát triển hạt nhân trên toàn cầu do Trung Quốc dẫn đầu.
Mới tuần trước, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới đã đưa ra dự báo đáng kể về sự đóng góp của điện hạt nhân vào việc sản xuất điện và nhu cầu uranium trên toàn thế giới.
Các nhà phân tích ước tính rằng hơn 140 lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động lâu hơn dự kiến trước đây và công suất 35 gigawatt giờ của các lò phản ứng module nhỏ có thể được phát triển vào năm 2040, điều này đòi hỏi phải phát triển các mỏ mới để đáp ứng nhu cầu uranium tăng gấp đôi lên 130.000 tấn mỗi năm.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân đã bị rung chuyển bởi xung đột Nga-Ukraine, vì Nga đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và nguồn cung uranium.
Nick Lawson, Giám đốc điều hành của Ocean Wall cho biết: “Đã có sự mất cân bằng giữa cung và cầu trong một thời gian và hiện nó càng trở nên trầm trọng hơn do địa chính trị”. Ông dự đoán rằng giá uranium giao ngay có thể tăng lên 200 USD/pound vào năm 2025.