Giá uranium làm giàu - thứ nguyên liệu chiến lược của ngành công nghiệp hạt nhân đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, thực trạng trên theo nhận xét có liên quan trực tiếp đến bước đi của Nga.
Các chuyên gia năng lượng quốc tế nhận định, vai trò địa chính trị cũng như tầm quan trọng của uranium ngày càng được nâng cao, khi nó được xem như nhiên liệu của tương lai, điều này làm tăng chi phí cũng như sự khan hiếm trên thị trường.
Bên cạnh đó những vướng mắc chưa được giải quyết giữa Mỹ và Nga, liên quan đến các hợp đồng cung cấp uranium trong tương lai đang tạo ra một cuộc khủng hoảng đối với ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng chỉ riêng việc Nga đình chỉ cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các khách hàng tại Mỹ do chưa thể thống nhất các khúc mắc trong vấn đề bảo hiểm cũng đủ khiến giá uranium tăng vọt.
Thị trường đang đang trải qua thời kỳ tăng trưởng quá nóng khi giá uranium chính thức xác lập kỷ lục mới, vượt qua mức tăng đột biến tại thời điểm năm 2011, điều này tạo ra sự thiếu hụt và khủng hoảng trong lĩnh vực nhiên liệu hạt nhân.
Tình trạng trên chưa thể sớm khắc phục, nhất là khi chưa xác định được thời gian Nga nối lại cung cấp uranium cho Mỹ, bên cạnh đó sản xuất trên toàn thế giới cũng đang có xu hướng giảm.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra đó là cuộc đảo chính quân sự ở Niger - quốc gia cung cấp quặng uranium hàng đầu thế giới tạo ra tâm lý tiêu cực cho dù nhiều nhà phân tích điều này thực chất không có nhiều tác động.
Ấn phẩm Trading Economics nhận xét, tình hình hiện tại có liên quan trực tiếp đến lo ngại về nguồn cung. Đây là xu hướng toàn cầu và rõ ràng ngành công nghiệp hạt nhân không thể tránh khỏi phản ứng, đó là lý do dẫn tới giá uranium tăng vọt.
Theo ghi nhận mới nhất, giá 1 pound uranium (0,45 kg) đã đạt tới mức 70 USD vào ngày 25/9, đây là kỷ lục thế giới mới được xác lập kể từ năm 2011, khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 gặp sự cố.
Nga chiếm vị trí quan trọng đối với lĩnh vực phân phối nhiên liệu hạt nhân toàn cầu. Mặc dù không phải nhà cung cấp hoặc xuất khẩu quặng uranium hàng đầu, nhưng Moskva lại là nước làm giàu uranium và bán nguyên liệu thành phẩm lớn nhất.
Điều này nghĩa là Nga đã "bao phủ" lĩnh vực phức tạp và quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi quặng uranium (có thể được khai thác một cách dễ dàng) thành một sản phẩm hữu ích và có giá trị, sẵn sàng để sử dụng.
Ước tính Nga cung cấp tới 40% lượng uranium làm giàu cho thế giới và Moskva cũng là đối tác chính của nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Không chỉ có vậy, ngay tại Mỹ, Tập đoàn Rosatom của Nga cũng chiếm tới 20% thị phần.
Với thực tế trên, trong khi cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch chưa được giải quyết, phương Tây rất e ngại áp đặt lệnh cấm vận lên Tập đoàn Rosatom của Nga, bất chấp việc Ukraine liên tục đề nghị.
Nếu một lệnh trừng phạt được áp đặt lên Tập đoàn Rosatom, giá uranium thậm chí còn có thể tăng gấp đôi so với hiện nay, lên tới 140 USD/pound, đây thực sự là kịch bản không quốc gia phương Tây nào mong muốn.