Giá USD ngân hàng lập đỉnh lịch sử bất chấp FED hạ lãi suất nhiều lần
Mức giá bán USD được niêm yết bởi các ngân hàng ngày 19/12 tiếp tục phá vỡ kỷ lục khi cao kịch trần 25.519 VND/USD. Việc FED dự kiến hãm phanh tốc độ hạ lãi suất, với mức giảm lãi suất ít hơn, chậm hơn và lưỡng lự hơn trong năm 2025 khiến chỉ số DXY bật tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua, kéo theo áp lực lên tỷ giá dâng cao.
Ngày 19/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm tăng mạnh 26 đồng, lên mức 24.304 VND/USD. Áp dụng biên độ 5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.519 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.089 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện là 23.400 - 25.450 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá bán USD tại các ngân hàng lập đỉnh
Tại các ngân hàng thương mại, Vietcombank niêm yết tỷ giá bán USD ở mức cao kịch trần lên 25.519 VND/USD, vượt mức đỉnh thiết lập ngày 15/11 (25.512 VND/USD). Ở chiều mua vào, giá USD niêm yết ở mức 25.189 VND/USD. So với giá niêm yết phiên hôm qua, tỷ giá USD tại Vietcombank tăng 28 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Còn BIDV niêm yết tỷ giá USD hôm nay ở mức 25.219 - 25.519 VND/USD (mua vào - bán ra), cũng mức tăng 28 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua.
Chỉ số DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua, vượt mốc 108 điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong năm nay, với mức giảm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất cho vay qua đêm về ngưỡng 4,25 - 4,5%. Như vậy, lãi suất mới nhất của Fed giảm tới 100 điểm cơ bản so với tháng 9, thời điểm FED bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, thị trường quan tâm nhiều hơn đến lộ trình điều chỉnh lãi suất trong năm 2025. Thông điệp giới chức FED truyền đi là sẽ giảm lãi suất ít hơn và chậm hơn trong tương lai, đặc biệt là vào năm 2025, khi chỉ hạ lãi suất hai lần với mức giảm tổng cộng 50 điểm cơ bản, thay vì giảm 100 điểm cơ bản trong dự báo đưa ra hồi tháng 9.
Ngay sau đó, thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa, chỉ số Dow Jones giảm 1.123,03 điểm, tương đương 2,58%, Bitcoin có thời điểm giảm 5.000 USD, đánh mất mốc 100.000 USD khi sức mạnh đồng USD bật tăng.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN về nguyên nhân khiến đồng USD tăng gây rung chuyển nhiều thị trường sau cuộc họp Fed, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, mặc dù FED cắt giảm lãi suất vào đợt cuối cùng năm 2024 song rõ ràng, chính các nhà tạo lập chính sách tiền tệ cũng không chắc chắn về nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt trong năm 2025 và có những mâu thuẫn nội bộ về mục tiêu cắt giảm lãi suất. Nhiều nhân tố cho thấy kinh tế Hoa Kỳ vẫn mạnh và lạm phát có thể quay trở lại trong năm 2025, từ đó, dẫn đến gián đoạn kịch bản nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất.
Điều này trái với nhiều dự báo trước đây là đến cuối năm 2025, FED có thể cắt giảm lãi suất về dưới 3%. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, FED chỉ có thể cắt giảm 2 lần nữa trong năm 2025 và mỗi một lần chỉ 25 điểm cơ bản, tức lãi suất của FED không giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu có động thái cắt giảm mạnh về lãi suất và tiếp tục sẽ cắt giảm mạnh lãi suất năm 2025. Tương tự, Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh về kinh tế với Hoa Kỳ, vì tình trạng giảm phát đeo bám dai dẳng cũng như trì trệ của nền kinh tế đã tung các gói kích thích kinh tế khổng lồ và có thể sẽ duy trì lãi suất thấp.
Như vậy, trong mối tương quan lãi suất với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, chênh lệch lãi suất giữa Hoa Kỳ và các quốc gia vẫn ở mức cao. Chính điều này khiến giới đầu cơ đặt kỳ vọng đồng USD mạnh, thực tế cho thấy dù có lúc trồi sụt nhưng chỉ số DXY có xu hướng tăng lên.
Cùng với đó, nền chính trị - kinh tế thế giới dự kiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền.
Dự định tăng thuế, đánh mạnh vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt với Trung Quốc cũng là một nhân tố không chắc chắn và khiến giới đầu cơ đổ tiền vào các tài sản phòng thủ, trong đó có vàng và USD.
Chưa kể trong tháng vừa qua, ông Donald Trump có động thái cảnh cáo các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi - khối BRICS khi muốn thoát ly, tránh phụ thuộc vào USD. Điều này cho các nhà đầu cơ e ngại và có tâm lý phòng thủ bằng cách đầu cơ vào đồng USD.
Theo dõi phản ứng khi đồng USD mạnh lên
Về phía trong nước, có nhiều nhân tố khiến tỷ giá căng thẳng. TS. Nguyễn Quốc Việt phân tích, xu thế tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong khi đó, nhu cầu nước ngoài tăng, trong bối cảnh Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm. Điều đó dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao để đáp ứng các đơn hàng.
"Có thể thấy, đơn hàng tương đối dồi dào ít nhất đến hết quý 1/2025. Khi nhu cầu nhập khẩu gia tăng và qua theo dõi của VEPR, trên 93% giá trị nhập khẩu để phục vụ chế biến, chế tạo, xuất khẩu, đương nhiên sẽ tạo cầu đồng USD lớn để mua hàng hóa nhập khẩu. Đúng thời điểm đồng USD tăng giá tạo nên nhu cầu “kép” và gây áp lực lên đồng nội tệ" - lãnh đạo VEPR đánh giá.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng đó là giá vàng cũng tăng lên đáng kể từ đầu năm đến nay, tương ứng hai năm tăng giá liên tiếp. Ảnh hưởng của giá vàng quốc tế, nhu cầu tiêu thụ và đầu tư vàng trong nước cũng kéo theo áp lực lên tỷ giá ngoại tệ, nhất với đồng USD.
Đồng thời,xu hướng rút ròng các dòng vốn vẫn tiếp diễn, đặc biệt từ các quỹ nước ngoài hay một số dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trên sàn chứng khoán. Từ đó, tạo chênh lệch trong cán cân thanh toán quốc tế (BOP) ở cấu phần đầu tư.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, việc Fed dự kiến giảm lãi suất ít hơn và chậm hơn trong năm 2025 là do kinh tế Mỹ vẫn mạnh, đồng thời lạm phát chưa giảm như kỳ vọng. Điều này khiến DXY tăng và tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND.
"Trong bối cảnh các nước châu Âu, Trung Quốc tăng trưởng chậm, việc FED chậm giảm lãi suất có thể khiến USD tiếp tục tăng giá trong ngắn hạn" - ông Độ nói.
Để đối phó với sức ép lên tỷ giá USD/VND hiện nay, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, NHNN có thể sẽ giữ lãi suất liên ngân hàng, lãi suất chính sách ở mức cao như những đợt trước. Nếu sức ép lớn thì cho thể bán USD hay phát hành tín phiếu. "Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi thêm vì phản ứng mạnh hiện nay có thể chỉ mang tính tức thời" - ông Độ khuyến nghị./.
Lưỡng lự giảm lãi suất vì ẩn số mới
"Nhiều người nghĩ rằng khi Fed cắt giảm lãi suất tác động ngay lập tức giúp hạ nhiệt đồng USD. Tuy nhiên, không phải vậy, vì có yếu tố mới phát sinh cũng như những yếu tố không đạt kỳ vọng cùng nhiều ẩn số liên quan đến địa chính trị.
Vấn đề là việc cắt giảm lãi suất trong cả chu kỳ 2024-2025 của FED khá lưỡng lượng và kỳ vọng cắt giảm mạnh vào cuối năm 2025 không xảy ra, dự kiến chỉ có 2 lần cắt giảm, mỗi lần chỉ 25 điểm cơ bản và sẽ khó đưa lãi suất của Mỹ về thấp hơn khi so sánh với các quốc gia đang cắt giảm mạnh lãi suất như tại Châu Âu hay duy trì lãi suất thấp như Trung Quốc.
Thị thường kỳ vọng năm 2024 có nhiều thời điểm phải cắt giảm lãi suất đến 50 điểm cơ bản nhưng cơ bản, các lần cắt giảm lãi suất đều rất do dự và nhỏ giọt, chỉ 25 điểm cơ bản"./.