Giá vải thiều 2025 giảm mạnh, sầu riêng lao dốc, nông sản lại 'được mùa rớt giá'
Mỗi mùa trái cây chín rộ, nông dân lại đối mặt với cảnh 'được mùa rớt giá'. Giá vải thiều năm 2025 chỉ còn 15.000-22.000 đồng/kg, sầu riêng cũng giảm sâu. Điệp khúc 'được mùa - rớt giá' lặp lại cho thấy chúng ta vẫn loay hoay trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ.
Vải thiều, sầu riêng "được mùa, rớt giá"
Mùa vải thiều 2025 được xem là một trong những vụ được mùa nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tổng sản lượng vải thiều cả nước ước đạt khoảng 303.000 tấn, tăng hơn 30% so với năm 2024. Bắc Giang, “thủ phủ” vải thiều, thu hoạch khoảng 165.000 tấn, còn Hải Dương đạt hơn 35.000 tấn.
Thế nhưng, trái ngược với niềm vui “mùa vàng bội thu” là cơn lao dốc của giá. Sáng giá vải thiều loại 1 được thương lái thu mua với giá 22.000-27.000 đồng/kg. Nhưng chỉ đến trưa cùng ngày, giá đã giảm còn 15.000-19.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, khi vải loại 1 được bán ra thị trường với mức 40.000-50.000 đồng/kg, mức giá năm nay chỉ còn chưa đầy một nửa.

Mùa vải thiều năm 2025 được xem là một trong những vụ được mùa nhất 10 năm trở lại đây
Giá vải thiều 2025 tại Lục Ngạn dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Vải thiều Thanh Hà có giá chỉ khoảng 16.000 - 22.000 đồng/kg. Trên thị trường bán lẻ, giá vải thiều 2025 cũng xuống thấp chưa từng thấy, dao động chỉ khoảng 20.000-35.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 50.000-60.000 đồng/kg trong năm trước.
Không chỉ giá vải thiều 2025 giảm mà sầu riêng, “trái cây vua” của nông sản Việt, cũng lao dốc. Đầu tháng 3/2025, giá sầu riêng (loại Ri6) tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt tới 85.000 đồng/kg, thậm chí sầu riêng Thái đẹp có thể lên đến 120.000 đồng/kg. Thế nhưng đến cuối tháng 6, Ri6 đẹp chỉ còn 62.000-65.000 đồng/kg, loại xô rớt mạnh xuống còn 42.000-45.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái loại đẹp cũng giảm về mức 75.000-95.000 đồng/kg.
Nông dân ở Đắk Lắk, Tiền Giang…, những vùng trồng sầu riêng trọng điểm, đứng ngồi không yên. Sản lượng tăng, thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc gặp khó trong khâu thông quan và cạnh tranh từ Thái Lan gia tăng khiến giá sầu riêng 2025 biến động dữ dội.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, tình trạng được mùa rớt giá không thể đổ lỗi mãi cho “cung vượt cầu”. Gốc rễ nằm ở cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ thiếu bài bản. Việt Nam có hàng chục loại nông sản chủ lực, nhưng phần lớn vẫn “mạnh ai nấy làm”, manh mún và bị cuốn theo phong trào. Thấy sầu riêng giá cao, người người trồng. Thấy vải bán chạy, nhà nhà mở rộng diện tích. Thiếu thông tin thị trường, không có ràng buộc hợp đồng bao tiêu, không quy hoạch vùng trồng và lịch thời vụ, nông dân dễ rơi vào cái bẫy “được mùa - thi nhau bán tháo”.
Ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với bài toán chế biến
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, điệp khúc được mùa rớt giá không phải là chuyện mới, cũng không phải là vấn đề riêng lẻ ở Việt Nam. Đây là một vòng lặp đã tồn tại rất lâu, trở thành hiện tượng phổ biến trong thị trường nông sản Việt Nam, không chỉ ở các nước đang phát triển mà ngay cả tại những quốc gia phát triển. Với một nước có nền sản xuất nông nghiệp manh mún như Việt Nam, thì thách thức còn lớn hơn.

Giá vải thiều 2025 giảm mạnh
Năm nào cũng vậy, nhiều địa phương cùng trồng một loại cây, cùng thu hoạch một thời điểm khiến thị trường nội địa quá tải, còn xuất khẩu nông sản gặp rào cản kỹ thuật. Điều này khiến giá vải thiều và giá sầu riêng 2025 giảm mạnh. Bởi vải, sầu riêng, thanh long, mận… chủ yếu bán tươi, trong khi năng lực bảo quản, chế biến sâu nông sản còn yếu. Chỉ cần ách tắc vài ngày, giá vải thiều đã lao dốc. Chưa kể, thị trường xuất khẩu lại lệ thuộc lớn vào một số đối tác như Trung Quốc - nơi có thể thay đổi quy định hàng chục lần mỗi năm.
Theo ông Thủy, nguyên nhân sâu xa không chỉ là “cung vượt cầu”, mà là tổ chức sản xuất thiếu bài bản. Nông dân trồng theo phong trào, không có hợp đồng bao tiêu, thiếu quy hoạch vùng trồng và thông tin thị trường. Hệ thống logistics nông nghiệp yếu kém, chế biến sâu gần như bỏ ngỏ. Trong khi đó, năng lực tiêu dùng trong nước còn thấp, thị trường xuất khẩu thì cạnh tranh gay gắt, tiêu chuẩn ngày càng cao.

Giá vải thiều 2025 giảm mạnh
“Không thể đổ lỗi cho nông dân. Trách nhiệm thuộc về chính sách và năng lực điều hành. Nếu không xây dựng được một hệ sinh thái đầy đủ - từ quy hoạch, thị trường, logistics và kết nối thương mại đến hạ tầng bảo quản thì cứ nói mãi về chế biến sâu nông sản cũng chỉ là hô hào hình thức. Cuối cùng, xuất khẩu nông sản vẫn là cứu cánh quan trọng nhất để nâng giá trị, thay đổi cách sản xuất, tổ chức lại chuỗi cung ứng và tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng để làm được điều đó, phải có chiến lược đồng bộ, từ chính sách đến hạ tầng, từ nghiên cứu thị trường đến truyền thông thương hiệu”, ông Thủy nhấn mạnh.
Còn TS Lê Thị Nhung, Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, cung vượt cầu là nguyên nhân trực tiếp, nhưng gốc rễ vẫn là sự thiếu liên kết trong sản xuất và tổ chức tiêu thụ. Vì vậy cần tái cấu trúc sản xuất. Đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản dài. Đặc biệt là cần đầu tư mạnh mẽ vào nhà máy sấy, cấp đông, chế biến đa dạng nông sản như nước ép, mứt, đồ hộp. Đây là chìa khóa tăng giá trị và giảm áp lực bài toán tiêu thụ nông sản tươi.