Giá vàng 9999 sẽ sớm đuổi kịp vàng miếng SJC
Chưa đầy một tháng qua, chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 đã rút ngắn khoảng cách từ mức trên 13 triệu đồng xuống còn 9 triệu đồng/lượng.
Trong khi giá vàng nhẫn tăng phi mã, liên tục xác lập kỷ lục mới thì vàng miếng SJC lại có xu hướng trượt khỏi vùng đỉnh. Điều này khiến chênh lệch giữa hai loại sản phẩm này ngày càng thu hẹp.
Lợi nhuận từ vàng miếng SJC thấp hơn nhiều so với vàng nhẫn
Đầu giờ chiều ngày 4-4, giá vàng nhẫn 9999 tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã bật xa khỏi mốc 72 triệu đồng một lượng- mức giá cao chưa từng có trong lịch sử giá vàng nhẫn tròn trơn tại Việt Nam.
Cụ thể, giá vàng nhẫn 9999 tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 70,85 – 72,1 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 500.000 – 550.000 đồng ở hai chiều mua và bán so với chốt phiên hôm qua. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng neo giá mua – bán tương đương nhưng biên độ điều chỉnh tăng của doanh nghiệp này lên tới 650.000 đồng/lượng.
Trong khi toàn thị trường vàng nhẫn tròn trơn đồng loạt tăng thì vàng miếng SJC lại ghi nhận diễn biến bất thường, nơi tăng nửa triệu đồng nơi giảm sâu.
Đơn cử, tại PNJ, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp này cộng thêm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán, neo giá mua – bán ở mức 79,4 – 81,3 triệu đồng/lượng. Còn tại SJC, giá vàng miếng chỉ đắt hơn 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng Eximbank, TPBank Gold, Mi Hồng, DOJI điều chỉnh giảm. Theo đó, tại Eximbank giá vàng miếng hạ 100.000 đồng mỗi lượng, xuống còn 79,2 – 80,9 triệu đồng/lượng; TPBank Gold giá mua vào chỉ còn 78,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra vẫn giữ nguyên ở mức 81 triệu đồng/lượng.
So với mức giá cao kỷ lục ngày 9-3, hiện giá vàng miếng SJC đang thấp hơn khoảng 1,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, cùng thời điểm này giá vàng nhẫn 9999 lại tăng trên 3 triệu đồng/lượng. Diễn biến trái chiều này khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn 9999 từ mức trên 13 triệu đồng xuống còn 9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 2.291 USD/ounce, giảm khoảng 15 USD/ounce so với mức giá cao kỷ lục trong phiên, vượt mọi dự đoán của chuyên gia, nhà phân tích thị trường và nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng ngoại tương đương 69,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC gần 12 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch thấp hiếm có trong thời gian gần đây.
Lực gom vàng không có dấu hiệu ngừng lại
Hàng loạt mốc cao kỷ lục của giá vàng thế giới liên tục bị xô đổ trong thời gian ngắn khiến các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Bank of America tỏ ra lạc quan về đường đi của giá vàng trong năm 2024.
Theo đó, ông Michael Widmer - nhà phân tích hàng hóa tại Bank of America cho rằng giá vàng sẽ bật lên mức 2.400 USD/ounce trong năm nay.
Tính từ mức thấp nhất vào giữa tháng 2, mỗi ounce trên thị trường quốc tế chỉ dao động khoảng 2.000 USD/ounce, đến nay đã tăng hơn 15% giá trị. Vàng đã tăng giá ngay cả khi đồng USD và lãi suất trái phiếu vẫn neo ở mức cao.
Nhu cầu vàng của Ngân hàng Trung ương tiếp tục thống trị trên thị trường vàng ngay cả khi tốc độ mua vàng của họ đã chậm lại.
Dữ liệu mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) vừa công bố cho thấy lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng 19 tấn trong tháng 3. Tuy nhiên, lượng mua vào đã giảm 58% so với tháng 1 do một số ngân hàng trung ương bán vàng.
So với cùng kỳ năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã bổ sung nguồn lực lên tới 64.000 tỉ USD trong tháng 1 và tháng 2 để mua vàng. Con số này thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tăng gấp 4 lần vào năm 2022.
Mặc dù nhu cầu từ các ngân hàng trung ương chậm hơn trong tháng 2 nhưng năm nay đã có một khởi đầu thuận lợi và xu hướng mua vàng rộng rãi vẫn còn nguyên.
WGC lưu ý rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục thống trị thị trường vàng khi họ mua 12 tấn vàng vào tháng 2. Tính cả tháng 2, dự trữ vàng của PBoC đã tăng 16 tháng liên tiếp. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng vì nước này muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình, ngoài đồng USD.
Ngân hàng quốc gia Séc cũng tăng dự trữ vàng thêm 2 tấn trong tháng 2, kéo dài đợt mua vàng lên 12 tháng liên tiếp. Trong khoảng thời gian đó, lượng mua của Séc đã đạt tổng cộng gần 22 tấn, nâng lượng vàng nắm giữ lên 34 tấn, cao hơn 183% so với cuối tháng 2-2023.
THÙY LINH
Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-vang-9999-se-som-duoi-kip-vang-mieng-sjc-post783854.html