Giá vàng hôm nay (1-1): Ghi nhận năm hoạt động tốt nhất kể từ 2010
Giá vàng hôm nay (1-1): Giá vàng thế giới đã kết thúc năm 2024 với mức tăng 26% trong năm, ghi nhận năm hoạt động tốt nhất kể từ 2010.
Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng trong nước tiếp đà giảm, với giá vàng miếng và vàng nhẫn hầu hết các thương hiệu đồng loạt giảm 300.000 đồng ở cả 2 chiều. Hiện tại, giá vàng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng miếng các thương hiệu đang mua vào ở mức 82,2 triệu đồng và bán ra mức 84,2 triệu đồng/lượng. Riêng vàng miếng Phú Quý SJC đang mua vào cao hơn 100.000 đồng so với các thương hiệu khác.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết ở mức 82,2 triệu đồng/lượng mua vào và 84 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng so với rạng sáng qua.
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm 300.000 đồng giá mua và bán, xuống lần lượt 83,3 triệu đồng/lượng và 84,2 triệu đồng/lượng.
Giá mua và giá bán vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mốc 83,4 triệu đồng/lượng và 84,2 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng giá mua và 300.000 đồng giá bán.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 82,6 triệu đồng/lượng mua vào và 84,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng cả giá mua và bán.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 82,85 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 84,35 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng miếng trong nước cập nhật lúc 5 giờ 30 phút sáng 1-1 như sau:
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới đảo chiều tăng, với vàng giao ngay tăng 16,9 USD lên 2.625,6 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.639,3 USD/ounce, tăng 18,4 USD so với rạng sáng qua.
Như vậy, vàng đã khép lại một năm với nhiều kỷ lục được phá vỡ, nhờ hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, bất ổn địa chính trị và nới lỏng chính sách tiền tệ. Với mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối của năm, kim loại quý này đã có được năm hoạt động tốt nhất kể từ năm 2010.
Là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất trong năm 2024, giá vàng thỏi đã tăng hơn 26% tính từ đầu năm đến nay, mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 2010 và đạt mức cao kỷ lục gần đây nhất là 2.790,15 USD/ounce vào ngày 31-10, sau một loạt các đợt tăng giá kỷ lục.
Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô Aneeka Gupta của WisdomTree cho rằng, rủi ro địa chính trị gia tăng, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương, chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và dòng tiền chảy vào các quỹ hoán đổi, là những động lực chính thúc đẩy đà tăng giá của vàng trong năm 2024.
Gupta cho biết thêm, kim loại này có khả năng tiếp tục được hỗ trợ vào năm 2025, bất chấp một số trở ngại từ sức mạnh của đồng bạc xanh và tốc độ nới lỏng chậm hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2024, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tiết lộ khả năng sẽ làm chậm lộ trình nới lỏng lãi suất trong năm 2025.
Chính quyền Mỹ sắp tới của Tổng thống Donald Trump cũng được cho là sẽ tác động đáng kể đến các chính sách kinh tế toàn cầu, bao gồm thuế quan, bãi bỏ quy định và sửa đổi thuế.
Nhà phân tích thị trường trưởng Han Tan của Exinity Group cho biết: “Những nhà đầu cơ có thể sẽ có thêm một năm thành công nữa, nếu căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng dưới thời ông Trump, có khả năng thúc đẩy các nhà đầu tư hướng đến nơi trú ẩn an toàn đã được kiểm chứng".
Daan Struyven, chiến lược gia hàng hóa tại Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng, giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce, do nhu cầu của các ngân hàng trung ương tăng cao và sự gia tăng dần dần và theo chu kỳ đối với lượng nắm giữ các quỹ hoán đổi danh mục, được thúc đẩy từ việc cắt giảm lãi suất của Fed”.
Với giá vàng miếng trong nước giảm nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.625,6 USD/ounce (tương đương khoảng 80,9 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 3,3 triệu đồng/lượng.
TRẦN HOÀI