Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giá vàng đang ở vùng rủi ro, 'bay tiếp hay rơi', bao giờ kim loại quý chạm đỉnh 3.000 USD?
Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giá vàng trong nước tiến lên mức cao chưa từng có trong lịch sử, thị trường chỉ thấy mua vào, không bán. Giá vàng thế giới tiếp tục 'thăng hoa' với kỷ lục - 2.790,15 USD/ounce và tăng 6% chỉ trong 1 tháng. Giá vàng đang ở vùng rủi ro, rất dễ có biến động mạnh, có thể lên quá cao tạo bong bóng rồi lao dốc, theo chuyên gia.
TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 1/11 và TỶ GIÁ HÔM NAY 1/11
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 1/11/2024
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao kỷ lục, tăng thêm 6% trong 1 tháng.
Kỷ lục mới của vàng thế giới đã ghi nhận được là 2.790,15 USD/ounce, tăng 6% trong tháng 10 này. Nguyên nhân vẫn xuất phát từ tình hình Trung Đông căng như "dây đàn", xung đột Nga-Ukraine dai dẳng sắp đầy 3 năm; môi trường lãi suất thấp khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nền kinh tế lớn giảm lãi suất…
Đặc biệt, yếu tố bầu cử tổng thống Mỹ - vốn luôn là tác nhân hỗ trợ giá vàng tăng. Cuộc bầu cử Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định, không chỉ gay cấn đến phút chót mang lại cảm giác bất an. Đặc biệt sự thay đổi về chính sách điều hành kinh tế khi nước Mỹ có Tổng thống mới cũng khiến tâm lý của nhà đầu tư trên thế giới cảm thấy lo lắng, bất ổn và chọn vàng như kênh phòng ngừa rủi ro.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, vào 20h45 ngày 31/10 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn điện tử Kitco ở mức 2.762,80 - 2.763,80 USD/ounce, giảm 24,3 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước. Hợp đồng tương lai vàng tháng 12 được giao dịch lần cuối ở mức 2.790,90 USD/ounce, tăng 0,35% trong ngày.
Trong nửa đầu năm 2024, thị trường vàng được thúc đẩy bởi nhu cầu kỷ lục của các ngân hàng trung ương và nhu cầu thương mại chưa từng có ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Cho đến nay, động lực ban đầu đó trên thị trường vàng vẫn được duy trì khi nhu cầu của các nhà đầu tư phương Tây tăng lên ở các phân khúc khác của thị trường, theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC).
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của WGC trong quý thứ ba nêu rõ - tổng nhu cầu vàng đã tăng lên 1.313 tấn - mức kỷ lục trong quý thứ ba và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo lưu ý rằng, nhu cầu đầu tư là một thành phần quan trọng của thị trường vàng, vì giá vàng liên tiếp đạt mức cao kỷ lục gần như mỗi tuần trong giai đoạn ba tháng. WGC báo cáo rằng, tổng nhu cầu đầu tư đã tăng 364,1 tấn trong quý thứ ba, tăng mạnh 132% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá vàng đang ở vùng rủi ro - giá vàng hiện nay đang ở mức quá cao – mang yếu tố đầu cơ, tích trữ. Khi tâm lý đầu cơ của nhà đầu tư quốc tế diễn ra nhiều hơn, rủi ro cũng sẽ nhiều hơn bao gồm cả việc "đu đỉnh". Vì vậy, trong giai đoạn này, giá sẽ có sự biến động mạnh, có thể lên quá cao tạo bong bóng rồi lao dốc; có thể là điều chỉnh giảm mạnh 100-200 USD/ounce trước khi hướng tới mốc cao hơn.
Giá vàng trong nước 'đồng hành' bước lên những mức cao mới.
Giá vàng miếng SJC đã chính thức lên 88 – 90 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tính đến chiều 31/10, giá vàng miếng đồng loạt được niêm yết tại các cơ sở kinh doanh kim loại quý hàng đầu như Công ty VBĐQ Sài Gòn, 4 ngân hàng trong nhóm Big4 và các thương hiệu khác ở 88 – 90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 cũng tăng giá lên mức cao chưa từng có trong lịch sử là 88,63 – 89,63 triệu đồng/lượng (mua – bán). Trước khi vào phiên mới ngày 1/11, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn tại 88,6-89,6 triệu đồng/lượng; PNJ niêm yết 88,4-89,5 triệu đồng/lượng; Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC áp dụng giá vàng nhẫn ở mức 87,7-89,2 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu giao dịch tại 88,58-89,58 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng liên tục tăng cao nhưng tại các sàn giao dịch, nhiều người vẫn đến mua vàng. Tuy nhiên, phần lớn các cửa hàng kinh doanh vàng lớn đều thông báo hết vàng nhẫn và vàng miếng SJC, đồng thời chỉ mua vào chứ không bán ra.
Tổng hợp giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại các thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tháng (ngày 31/10):
Công ty VBĐQ Sài Gòn: Vàng miếng SJC 88 – 90 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 87,7-89,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji: Vàng miếng SJC 88 – 90 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) 88,6-89,6 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 88 – 90 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 ở mức 88,4-89,5 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý: Vàng miếng SJC: 88 – 90 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9: 88,60 – 89,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 88 – 90 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn trơn giao dịch tại 88,58-89,58 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang trên đường lên đỉnh 3.000 USD?
Như vậy, tính từ đầu năm, vàng đã tăng 35%, ghi nhận năm diễn biến tốt nhất kể từ 1979. Kim loại quý là công cụ truyền thống để phòng trừ bất ổn địa chính trị. Lãi suất thấp càng giúp vàng hấp dẫn.
Dominik Sperzel, Giám đốc Giao dịch tại Heraeus Metals Germany dự báo vàng sẽ chạm 3.000 USD năm tới, do lo ngại về triển vọng tại các nền kinh tế mới nổi, lực mua của các quỹ ETF vàng và những điều chỉnh trên thị trường hậu bầu cử.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia tại RJO Futures nhận định:"Chúng ta có cuộc bầu cử tại Mỹ vào tuần tới, khả năng Fed giảm thêm lãi suất và xung đột Nga-Ukraine. Có quá nhiều yếu tố ngoài kia khiến vàng tăng giá. Tôi cho rằng kim loại quý đang hướng tới 2.850 USD".
Trong khi đó, sau khởi đầu vững chắc trong nửa đầu năm, nền kinh tế Mỹ đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi hoạt động chậm lại nhiều hơn dự kiến trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.
“Nhìn chung, dữ liệu mới nhất tái khẳng định rằng, kinh tế Mỹ thực sự vẫn đang trên đà 'hạ cánh mềm', với tăng trưởng vẫn khá vững chắc, khi áp lực giá cả tiếp tục giảm. Do đó, Fed sẽ tiếp tục gỡ bỏ hạn chế chính sách, tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tuần tới. Và khả năng Fed còn tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất cho đến khi trở lại lập trường trung lập vào mùa Hè năm sau”, Michael Brown, chiến lược gia cấp cao tại Pepperstone nhận định. Trong lịch sử, lãi suất giảm thì vàng luôn tăng giá.