Giá vàng hôm nay 11/7: 49,1 triệu đồng/lượng, 5 yếu tố quyết định giá vàng trong tuần này
Tuần vừa qua, giá vàng thế giới đã trải qua một chặng đường khó khăn và trượt xuống mức thấp nhất trong 10 tháng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng và chỉ số đô la Mỹ (DXY) tăng mạnh lên mức cao nhất trong 20 năm đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng của giá vàng.
Vào lúc 5 giờ 45 phút sáng hôm nay 11/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay thế giới niêm yết trên Kitco neo ở mức 1.744,10 USD/ounce, quy đổi tương đương 49,101 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, đồng USD đã phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng 105,80 để tiến lên mức cao hơn là mốc 107,78. Vì đồng USD ngày càng vững chắc đã khiến giá vàng lao dốc không phanh. Các nhà đầu tư đang đổ xô vào đồng USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn sau khi Fed thiết lập một lộ trình thắt chặt tiền tệ mạnh để kiểm soát lạm phát.
Các nhà phân tích dự đoán các ngân hàng trung ương lớn cũng sẽ tăng lãi suất. Các yếu tố như chỉ số DXY, dữ liệu lạm phát của Mỹ, bài phát biểu của Fed, ... được cho là sẽ tiếp tục tác động đến diễn biến giá vàng trong ngắn hạn.
Dưới đây là 5 yếu tố hàng đầu có thể quyết định giá vàng trong tuần này:
1. Chỉ số đô la Mỹ (DXY): "Yếu tố chi phối đầu tiên và quan trọng nhất đến giá vàng sẽ là sự chuyển động của DXY. Sau đợt tăng mạnh vào tuần trước, sự tiếp tục đà tăng trong tuần này của USD sẽ gây áp lực hơn nữa lên giá vàng. Nếu giá USD giảm trong tuần này sẽ là một yếu tố kích hoạt tích cực cho giá vàng”, Sugandha Sachdeva - Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ của Religare Broking nhận định.
2. Giá dầu thô: "Sự di chuyển của dầu thô sẽ vẫn rất quan trọng, khi Mỹ và các đồng minh đang cân nhắc đề xuất giới hạn giá dầu của Nga trong khoảng 40 - 60 USD/thùng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tuần này để tìm kiếm sự đồng thuận hỗ trợ cho việc giới hạn giá dầu của Nga”, Sugandha Sachdeva - quan chức cấp cao của Religare Broking cho biết.
3. Dữ liệu lạm phát của Mỹ: "Báo cáo dữ liệu lạm phát Mỹ của tháng 6/2022 dự kiến sẽ diễn ra vào tuần này và nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các loại tài sản bao gồm cả vàng. Một dữ liệu đáng thất vọng được cho là sẽ kích hoạt chốt lời bằng đô la Mỹ, dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của vàng và các tài sản khác trên toàn thế giới. Vì vậy, nhà đầu tư và nhà giao dịch cần theo dõi dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ”, Anuj Gupta - Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại IIFL Securities nhận định.
4. Bài phát biểu của Fed: “Bài phát biểu của quan chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ diễn ra trong tuần này. Có thông tin cho rằng Fed có thể hạ thấp lập trường diều hâu của mình về việc tăng lãi suất vì những lần tăng trước đó đã không thể kiềm chế lạm phát. Vì vậy, bài phát biểu này rất quan trọng vì nó sẽ đưa ra gợi ý về những chính sách tiền tệ sẽ diễn ra trong cuộc họp tiếp theo của Fed”, Anuj Gupta – quan chức cấp cao của IIFL Securities cho hay.
5. Tỷ giá đồng Rupee so với USD: Rupee đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong phiên giao dịch gần đây khi chỉ số đô la tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tuần trước. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đang ở mức thấp nhất trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 1/7/2022. Vì vậy, sự chuyển động của đồng Rupee Ấn Độ (INR) so với đô la Mỹ (USD) sẽ là một trong những tác nhân chính đối với giá kim loại quý trên thế giới.