Giá vàng hôm nay 16/2, tăng quá cao, dân sợ ôm vào
Mặc dù giá vàng đang ở mức cao tuy nhiên thị trường vàng trong nước không có nhiều biến động, lượng khách hàng giao dịch vàng ổn định.
Chốt phiên cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 44,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,30 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn ở chiều mua vào.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 44,06 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,45 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 44,243 triệu đồng/lượng.
Sau ngày vía Thần tài, thị trường vàng trở lại ổn định, giao dịch không có sự tăng đột biến dù trong tuần có ngày lễ Tình yêu 14/2. Tình hình của COVID-19, thị trường vàng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng mở cửa khởi sắc. Sáng 11/2, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 43,92 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,17 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,27 triệu đồng/lượng (bán ra).
Các phiên tiếp theo, vàng vẫn có mức tăng theo đà của thế giới. Ngày 12, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 43,87 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,12 triệu đồng/lượng (bán ra)
Tính tới 8h30 sáng 14/2, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 44,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,30 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100 ngàn đồng chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 44,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,37 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên giao dịch 13/2.
Trong khi đó, thị trường vàng thế giới cũng có sự khởi sắc. Tính chung trên tuần vừa qua, giá vàng đã tăng khoảng 0,8%. Yếu tố chính dẫn dắt đà tăng cho giá vàng trong tuần vừa qua là những diễn biến xung quanh dịch COVID-19.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu giới đầu tư nhận thấy dịch bệnh trên tiếp tục lan rộng ra ngoài Trung Quốc thì nhu cầu đối với các tài sản an toàn sẽ càng gia tăng.
Ông George Gero, một quản lý cấp cao của công ty tư vấn đầu tư RBC Wealth Management, cho biết kịch bản về dịch COVID-19 vẫn chưa rõ ràng và các thông tin về tình hình đang khiến thị trường chứng khoán biến động, buộc các nhà đầu tư phải tìm đến vàng như một kênh “trú ẩn an toàn”.
Vàng tăng giá bất chấp đồng USD treo cao sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 12/2 nhắc lại sự tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ngay cả khi cho rằng dịch viêm phỏi do virus Corona sẽ sớm gây tác dộng tới Mỹ.
Ông Powell cũng đề cập tới việc các nhà máy bị đóng cửa và các lệnh cấm đi lại được ban hành nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh được cho là sẽ khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Đồng USD đang được giao dịch ở mức cao cũng góp phần kéo giá vàng đi xuống nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư tìm kiếm một kênh an toàn. Lượng vàng dự trữ do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ tăng 0,67% lên 922,23 tấn.
Theo nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam thuộc công ty môi giới đầu tư OANDA, giá vàng đang lên cao hơn và tiếp cận ngưỡng 1.600 USD/ounce vốn khá khó bị “công phá”.